Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:12 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 07:15, 06/05/2022

Đam mê nông nghiệp thuận tự nhiên

YÊN BÁI Sản xuất hoàn toàn thuận theo tự nhiên, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào trong canh tác, sản phẩm của công ty do anh Ngọc làm giám đốc đã khẳng định chỗ đứng.

Canh tác theo cách để cây trồng phát triển thuận theo tự nhiên, đảm bảo các yếu tố: Không gây tổn thương đất; không dùng phân bón hóa học; không dùng thuốc BVTV và hóa chất; không sử dụng chất diệt cỏ dại, đó chính là cách làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên của Công ty TNHH Một thành viên Đức Khôi Ngọc Chấn tại xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái) do anh Nông Kim Ngọc làm Giám đốc.

Từ mơ ước làm nông nghiệp sinh thái

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Khoa Công nghệ sinh học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, anh Nông Kim Ngọc quyết định trở về quê hương Yên Bái và được nhận làm việc tại Phòng NN-PTNT huyện Lục Yên.

Vườn cam trồng theo cách thuận tự nhiên của anh Ngọc đã cho trái ngọt, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Minh Phượng.

Vườn cam trồng theo cách thuận tự nhiên của anh Ngọc đã cho trái ngọt, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Minh Phượng.

Trong quá trình công tác, anh nhận thấy người dân quê mình còn nhiều vất vả, lam lũ với đồng ruộng mà thu nhập không ổn định. Chính điều đó đã thôi thúc anh cần phải làm điều gì đó mà người dân ở quê mình chưa dám làm, đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, vừa giúp người dân tăng thu nhập, vừa đem đến những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

“Kiến thức tích lũy trong quá trình học tập cùng niềm yêu thích ngành đã học, ngay khi còn là sinh viên, tôi đã mơ ước sau này sẽ xây dựng được một trang trại rau, quả sạch, với giá thành phù hợp”, anh Ngọc chia sẻ.

Nghĩ là làm, năm 2017, anh Nông Kim Ngọc quyết định nghỉ công việc nhà nước để khởi nghiệp phát triển trang trại kiểu mẫu với tổng diện tích hơn 21,5 ha theo hướng nông nghiệp sinh thái thuận tự nhiên tại thôn Ngòi Sọng, xã Xuân Long, huyện Yên Bình.

Sau gần 4 năm nỗ lực, anh đã tận dụng những điều kiện tự nhiên thuận lợi để áp dụng, xây dựng trang trại đúng chuẩn mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái thuận tự nhiên bằng các loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để làm cây trồng chủ lực như: Cam Vinh, cam V2, bưởi da xanh, bưởi Đại Minh, cam đường canh, ổi, chanh…

Năm 2019, mô hình phát triển trang trại theo hướng sinh thái thuận tự nhiên của anh đã lọt vào vòng Chung kết cuộc thi 'Dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019' tại Hà Nội. Ảnh: TL.

Năm 2019, mô hình phát triển trang trại theo hướng sinh thái thuận tự nhiên của anh đã lọt vào vòng Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019” tại Hà Nội. Ảnh: TL.

Để thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái thuận tự nhiên, anh Ngọc tiến hành trồng xen canh các loại cây trồng có giá trị tương hỗ với nhau, hạn chế sự phát triển của sâu bệnh mà không cần sử dụng thuốc BVTV, như: Trồng ổi xen cùng các loại cây cam quýt giúp xua đuổi rầy chổng cánh là vật truyền nhiễm bệnh greening; trồng xen chuối giữa những hàng cây ăn quả vừa tạo thảm che phủ vừa cung cấp nguồn kali hữu hiệu cho cây trồng chính; trồng gừng, nghệ dưới tán cây ăn quả vừa tăng hiệu quả sử dụng đất lại nhờ có tinh dầu từ lá gừng và nghệ giúp xua đuổi côn trùng có hại…

Thay vì dùng phân hóa học bón cho cây trồng, anh Ngọc sử dụng cỏ tự nhiên kết hợp với thả giun quế và tủ vào gốc cây, không những tạo ra lượng phân hữu cơ tự nhiên cho cây trồng mà còn có tác dụng cải tạo đất. Với việc trồng rừng vành đai bằng các loài cây gỗ như tếch, keo tai tượng... đã góp phần giúp chắn gió, hạn chế sâu bệnh cho trồng cây ăn quả.

Quả ngọt gửi trao

Khởi nghiệp trên vùng đất khó, với cách làm cũng không hề đơn giản, nhưng sau những nỗ lực của mình, hiện nay trang trại đã bắt đầu cho thu hoạch những “trái ngọt” đầu tiên đạt tiêu chuẩn VietGAP đối với những sản phẩm trái cây tự nhiên như cam, bưởi, ổi… với hương vị tự nhiên, an toàn, qua kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng dinh dưỡng cao, không có dư lượng thuốc BVTV. Tuy không cho năng suất cao nhưng đổi lại những sản phẩm nông nghiệp tại trang trại như cam lòng vàng, ổi lê Đài Loan…. được khách hàng nhiều nơi phản hồi tích cực.

Với cách làm này, trong những năm đầu sản lượng mà trang trại của gia đình anh thu được chỉ bằng 1 nửa so với các trang trại khác cùng thời điểm. Tuy nhiên, với đặc điểm chất lượng ngon, an toàn nên nông sản của trang trại anh Ngọc vẫn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Vững tin vào hướng đi của bản thân và nỗ lực không ngừng, năm 2019, mô hình phát triển trang trại theo hướng sinh thái thuận tự nhiên của anh đã lọt vào vòng Chung kết cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo năm 2019” tại Hà Nội.

Mô hình canh tác thuận tự nhiên của anh Ngọc được đông đảo bà con ở địa phương quan tâm, học tập để nhân rộng. Ảnh: Minh Phượng.

Mô hình canh tác thuận tự nhiên của anh Ngọc được đông đảo bà con ở địa phương quan tâm, học tập để nhân rộng. Ảnh: Minh Phượng.

Với hình thức bán hàng chủ yếu qua kênh online, nông sản của trang trại anh sản xuất ra được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh lựa chọn tiêu dùng thường xuyên. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái, hiện anh đã có website của riêng công ty mình với tên miền: http://www.Ducchangreen.com.

Cùng với ý tưởng tích hợp thông tin các sản phẩm cũng như cách sản xuất nông sản của trang trại theo hướng thuận tự nhiên với việc tạo ra các giao dịch đặt hàng của người tiêu dùng ngay trên website công ty, đây cũng chính là một trong những kênh bán hàng online chủ yếu những nông sản tại trang trại của anh. Chỉ tính riêng năm 2021, tổng sản lượng nông sản anh thu được đạt khoảng 12 tấn các loại, đem lại nguồn thu hơn 400 triệu đồng.

Anh Ngọc chia sẻ thêm: “Hiện nay, tôi đang liên kết với các hộ trồng cây ăn quả trong và ngoài xã áp dụng hình thức canh tác theo hướng sinh thái thuận tự nhiên để người dân tiếp cận với phương pháp canh tác bền vững. Từ đó, giúp người dân tự tin sản xuất trên chính mảnh đất của mình, tạo ra những nông sản an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng, tạo sinh kế cho nhiều hộ nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo trong vùng".

Thời gian tới, anh Ngọc dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại lên 100ha vào năm 2023 và sẽ xây dựng trang trại chăn nuôi đặc sản với các giống vật nuôi như gà H’Mông, lợn bản địa, gà đen... để mang lại giá trị mới, đặc trưng với phương châm kinh doanh của công ty đó là "Tiên phong - chính trực - hợp tác - cam kết - bền vững”.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Kéo doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa hữu cơ

Kéo doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa hữu cơ

CẦN THƠ Huyện Vĩnh Thạnh đang lựa chọn các doanh nghiệp uy tín về sản xuất phân bón hữu cơ để xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ.

Dưới bóng vườn hồ tiêu hữu cơ xanh mướt

Dưới bóng vườn hồ tiêu hữu cơ xanh mướt

Những ngôi nhà lọt thỏm giữa vùng hồ tiêu hữu cơ tạo ra không xanh đáng sống, như xua đi cái nắng gay gắt đầu hè ở vùng đất lửa Quảng Trị.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Huyện có 11 nghìn ha quế hữu cơ

Huyện có 11 nghìn ha quế hữu cơ

YÊN BÁI_ Huyện Văn Yên hiện có trên 11.000ha quế đạt chứng nhận hữu cơ và đang tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới để hướng tới các thị trường xuất khẩu cao cấp.

Xem Thêm