Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:45 GMT +7
Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam đi đầu trong hoạt động đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào toàn bộ các khâu canh tác trong sản xuất nông nghiệp, Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009. Unifarm là thương hiệu thực phẩm sạch được xây dựng dựa trên nguyên tắc vì quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Cho đến nay, Unifarm đã khẳng định được chất lượng sản phẩm của mình và khẳng định vị thế vững mạnh trên thị trường. Hiện, Unifarm đang cung ứng cho thị trường những mặt hàng chủ lực như chuối, dưa lưới, quả có múi và một số sản phẩm phụ khác. Sản phẩm của Unifarm được trồng theo công nghệ hiện đại và đảm bảo tính an toàn thông qua những tiêu chuẩn như: GLOBAL GAP, VIET GAP,…
Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I cho hay, với khẩu hiệu “thực phẩm an toàn trong cuộc sống”, Unifarm mong muốn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng nhất đi đôi với niềm tự hào khi sử dụng những mặt hàng nông sản mang thương hiệu uy tín của Việt Nam được sản xuất bằng công nghệ trồng trọt hàng đầu thế giới.
Bình quân mỗi năm, Unifarm cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn chuỗi già hương mỗi năm trên tổng diện tích hơn 195ha. Trong đó, có 66ha chuối được chứng nhận đủ tiêu chuẩn GlobalGAP.
Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm doanh nghiệp này thu hoạch 100 tấn/ha dưa lưới với giống nhập từ Hà Lan, Israel và Nhật Bản trên tổng diện tích 11,52ha. Một nửa số dưa lưới này được tiêu thụ trong nước, số còn lại là xuất khẩu.
“Đây là loại cây trồng đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật sản xuất cao, quy trình chặt chẽ và ứng dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại sản xuất như trồng trong nhà màng, hệ thống tưới và bón phân được lập trình, điều khiển bằng máy tính… để đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt được những tiêu chuẩn trong nước và quốc tế”, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I cho hay.
Trong một lần tham dự hội chợ triển lãm tại TP.HCM, tôi đã được ăn thử miếng dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (tỉnh Bình Dương) khi họ tham gia trưng bày tại gian hàng sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Dương. Quả thực lúc đó, tôi đã “mê” cái vị ngọt thanh của miếng dưa lưới ấy và nghĩ là mình sẽ phải tìm đến nơi trồng của HTX này cho bằng được.
Cuối cùng, tôi cũng hẹn được anh Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long và được anh dẫn đi thăm quan vườn dưa lưới của HTX. Những cây dưa lưới được trồng trong từng chậu, cành bám vào sợi dây thẳng tắp, mỗi cây là 1 trái dưa nặng trĩu sắp đến độ thu hoạch.
Đưa tay nâng trái dưa cho tôi xem, anh Quyết cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX định hướng sẽ làm ra nhiều nông sản có chất lượng tốt nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, mẫu mã đẹp để chinh phục người tiêu dùng. Vì vậy, HTX đã chuẩn hóa quy trình trồng trọt để tất cả các thành viên trong HTX có thể ứng dụng thực hiện trong quá trình sản xuất mà không phải lo lắng bất cứ điều gì.
Vì vậy, HTX sẽ cung cấp tất cả các dữ liệu đầu vào, từ phân bón, hạt giống đến thuốc bảo vệ thực vật và có kỹ sư hướng dẫn quy trình cho các hội viên nông dân.
“Ngay từ đầu, chúng tôi muốn thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân, tất cả kiểm soát nguyên liệu đầu vào, ghi chép nhật ký quy trình sản xuất, đặc biệt là hiện nay HTX ứng dụng ghi nhật ký điện tử nên dễ theo dõi”, anh Hồng Quyết cho hay.
Với 60 thành viên cùng tham gia trồng trọt phát triển sản phẩm dưa lưới, đu đủ và bơ trên diện tích 18ha tại Bình Dương và Đăk Lăk thì việc đầu tư nâng cấp việc ghi chép nhật ký điện tử từng lô, từng vườn, ngày xuất bán… giúp cho việc quản lý quy trình, chất lượng được dễ dàng hơn, tạo điều kiện giúp người nông dân có thêm nhiều thời gian để chăm sóc cây trồng. Bên cạnh đó, cũng tạo uy tín đối với đối tác (Big C, Bách Hoá Xanh, Metro) và người tiêu dùng.
Để dưa lưới của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao (năm 2011) và GlobalGAP (năm 2020), anh Quyết cho biết, quy trình trồng trọt, sản xuất phải được kiểm soát chặt chẽ. “Chúng tôi có quy trình sẵn để bà con cứ thế mà áp dụng, thời điểm nào thì phòng bệnh, thời điểm nào thì sử dụng phân bón, sử dụng như thế nào, đều rất rõ ràng”, anh Quyết nói.
Theo anh Quyết, HTX lên lịch trồng cho từng vườn, ngày trồng cụ thể và sau đó tới gần ngày trồng thì mới cung cấp hạt giống. Sau đó, hạt giống sẽ được các hộ dân ngâm ủ trong vòng hai ngày, thì mang ra gieo ươm trong khay. Bảy ngày sau bắt đầu đưa xuống vườn để trồng, có hai hình thức là trồng trên bịch giá thểvà trồng bằng đất. Tuy nhiên, hiện nay HTX chủ yếu là trồng trên đất. “Chúng tôi giảm lượng phân bón hóa học khoảng 50-60%, còn đa số là sử dụng phân hữu cơ vì nó lợi cho đất và tạo cho trái dưa có đầy đủ dinh dưỡng hơn”, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long cho hay.
Đến quy trình phòng trừ về sâu bọ, nấm bệnh cũng được HTX hướng dẫn bà con. Sau khi trồng khoảng 20 ngày, thì bắt đầu thả ong vào vườn để thụ phấn. Sau thụ phấn 3-5 ngày, thì bắt đầu chọn trái, sẽ giữ lại 1 trái đẹp nhất, to nhất, còn cắt bỏ hết những trái còn lại, cắt tỉa nhánh, cắt tỉa ngọn để cây cao khoảng hơn hai mét. Khi ấy dinh dưỡng sẽ dồn lại nuôi cho trái dưa đó lớn, đạt trọng lượng và yêu cầu.
Ở thời điểm này, người nông dân chỉ việc đi kiểm tra vườn, cắt tỉa những lá già, cuốn cây giàSau khi thụphấn khoảng chừng 40 ngày thì bắt đầu thu hoạch. “Trước khi thu hoạch khoảng một tuần, sẽ có đội QC (Đội kiểm soát chất lượng – PV) đến kiểm tra về hồ sơ, chứng từ, kiểm tra việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có cách ly đúng theo quy trình hay không; kiểm tra độ ngọt của dưa đạt thì mới lên lịch thu hoạch và xuất bán. Còn định kỳ thì khoảng ba tháng, chúng tôi đều có mẫu mang đi test để kiểm travề chất lượng sản phẩm”, anh Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long thông tin.
Hiện, mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long cung ứng cho thị trường khoảng 1.500 tấn trái cây, trong đó 1.200 tấn riêng dưa lưới.
Mặc dù GDP nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%, tuy nhiên, Bình Dương cũng có nhiều điều kiện và tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong nhiều năm qua, nông dân, HTX, doanh nghiệp tỉnh Bình Dương đã tích cực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các loại cây trồng có giá trị như dưa lưới, cây có múi, chuối…, các hộ sản xuất nông nghiệp đã đầu tư thâm canh, thiết kế hệ thống tưới phun tự động, nhỏ giọt, trồng cây theo phương pháp thủy canh, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao nhất.
Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông cho biết, hiện toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 80 cơ sở sản xuất được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP trong lĩnh vực trồng trọt với tổng diện tích khoảng 500 ha.
Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường và liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa lớn đạt năng suất, chất lượng cao, an toàn, hiệu quả.
(Bài viết có sự phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản)
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.
Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.