Chủ nhật, 28/04/2024 | 13:12 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 06:10, 11/06/2020

DalatFoodie Bắc tiến sau lời hứa của Shark Nguyễn Thanh Việt

Từ tháng 7 tới đây, “mẹ bỉm sữa” Đỗ Phan Hoàng Sương sẽ chính thức bước chân vào thị trường thực phẩm Hà Nội với những sản phẩm hữu cơ.
'Mẹ bỉm sữa' Đỗ Phan Hoàng Sương đi kêu gọi đầu tư cùng hai con nhỏ. Ảnh: Sharktank Việt Nam. 

"Mẹ bỉm sữa" Đỗ Phan Hoàng Sương đi kêu gọi đầu tư cùng hai con nhỏ. Ảnh: Sharktank Việt Nam. 

Đây là kết quả của nhiều tháng đấu trí với Shark Nguyễn Thanh Việt sau chương trình kêu gọi vốn trên truyền hình vào tháng 10/2019.

“Mẹ bỉm sữa” làm nông nghiệp

Mới đây, tại Hà Nội, CEO của DalatFoodie - Đỗ Phan Hoàng Sương đã đặt bút ký bản hợp tác kinh tế cùng Intracom Group - đứng đầu là ông Nguyễn Thanh Việt, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT.

Trong chương trình “Sharktank Việt Nam” mùa 3 lên sóng VTV3 ngày 9/10/2019, “mẹ bỉm sửa” Đỗ Phan Hoàng Sương gây ấn tượng mạnh với các nhà đầu tư và khán giả xem truyền hình về câu chuyện khởi nghiệp của mình. Hình ảnh bà mẹ mang theo hai con nhỏ đi kêu gọi vốn khởi nghiệp lưu lại trong tâm trí hàng triệu khán giả.

Xuất phát từ sự đồng cảm với nỗi trăn trở chung của các “mẹ bỉm sữa” về sự an toàn, sức khỏe con cái kể từ khi còn trong bụng mẹ, DalatFoodie đặt mục tiêu mở rộng cộng đồng nuôi trồng, sản xuất thực phẩm hữu cơ, nâng cao nhận thức về sức khỏe, môi trường cũng như phát triển nông nghiệp bền vững.

Bà mẹ hai con chia sẻ rằng, khởi nghiệp nông nghiệp rất dễ để bắt đầu, nhưng thực sự khó phát triển, thành công. Và, nông nghiệp Việt Nam là một bức tranh đẹp, nhưng bị phân mảnh.

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có một vùng nguyên liệu sản xuất rộng lớn. Tuy nhiên, về đầu ra, người sản xuất chưa thực sự làm chủ. Các khâu từ thu hoạch cho tới sơ chế, bảo quản chưa thực sự tiên tiến.

“Nhiều người nói, khởi nghiệp nông nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ còn khó vạn lần. Bởi tại Việt Nam, thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn rất mới. DalatFoodie ngay từ khi bắt đầu đã xác định phát triển các sản phẩm hữu cơ. Mục tiêu là ai cũng có thể sử dụng thực phẩm hữu cơ”, Đỗ Phan Hoàng Sương chia sẻ.

CEO của DalatFoodie cũng cho rằng, chỉ khi làm chủ được đầu ra và chuỗi giá trị, lợi ích các bên từ người nông dân cho tới người tiêu dùng mới cân bằng. Người nông dân phải sống và làm giàu được chính từ những gì mình làm ra, sản phẩm ấy mới thực sự bền vững. Để làm được điều này, đó cũng là một phần nghĩa vụ, trách nhiệm của những người trẻ hôm nay.

CEO DalatFoodie - Đỗ Phan Hoàng Sương tại lễ ký kết đầu tư tại Hà Nội. Ảnh: KT. 

CEO DalatFoodie - Đỗ Phan Hoàng Sương tại lễ ký kết đầu tư tại Hà Nội. Ảnh: KT. 

Từ đầu năm 2020, vô vàn khó khăn cùng nhưng cơ hội xuất hiện đồng hành cùng các doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bị ngưng trệ, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Trở lại câu chuyện kêu gọi vốn đầu tư, Đỗ Phan Hoàng Sương cho biết, sau khoảng 6 tháng thẩm định mọi điều kiện, Intracom Group mới quyết định đầu tư chính thức số tiền 5 tỷ đồng cho DalatFoodie. “Từ cuối năm 2019, chúng tôi luôn ấp ủ ý định mở rộng thị trường ra phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Với ký kết đầu tư lần này, tháng 7 tới đây, dự kiến các sản phẩm hữu cơ của DalatFoodie sẽ xuất hiện tại Hà Nội”.

Song song với việc cung cấp rau củ quả tươi về để khách hàng tự chế biến, DalatFoodie sẽ bán thêm các sản phẩm Jarganic gồm nước ép trái cây, các món salad ăn liền và phát triển dòng sản phẩm ăn dặm chuyên sâu Weabie dành cho trẻ em.

Đặc biệt, khi mua hàng theo combo, DalatFoodie sẽ sơ chế và tặng kèm công thức gợi ý nấu để giúp khách hàng tiết kiệm thời gian mà vẫn chế biến được những món ăn tươi ngon, đảm bảo dinh dưỡng.

Làm nông nghiệp không thể nóng vội

Thành lập doanh nghiệp từ tháng 1/2015, Đỗ Phan Hoàng Sương luôn đặt tầm nhìn: Vì tương lai trẻ em phát triển tự nhiên khỏe mạnh nhờ được nuôi dưỡng bằng thực phẩm hữu cơ.

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của DalatFoodie. Ảnh: dalatfoodie.com. 

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của DalatFoodie. Ảnh: dalatfoodie.com. 

Hiện nay, DalatFoodie đang liên kết với nhiều nông dân, kỹ sư nông nghiệp tại nhiều vùng miền để sản xuất nguyên liệu. Hiện tại, với danh mục hơn 90% sản phẩm tại DalatFoodie đã và đang được trồng và chế biến theo hướng hữu cơ, và 10% sản phẩm còn lại được trồng, sản xuất và chế biến theo tiêu chuẩn an toàn có kiểm soát.

Năng suất trung bình canh tác hữu cơ tại các vườn khoảng 4 tấn/1.000m2/năm cho rau củ quả, riêng đối với gạo thì đạt 4 tấn/ha/2 vụ/năm.

Cùng với đó, DalatFoodie đang liên kết sản xuất hơn 50 loại trái cây, hơn 100 loại rau củ quả và ngũ cốc. Tất cả đều được đa canh, luân canh, xen canh trồng và thu hoạch theo mùa vụ, phù hợp với đặc điểm từng giống cây.

Vùng nguyên liệu của DalatFoodie trải dài khắp các tỉnh từ Cần Thơ, Long An, Lâm Đồng cho tới vùng sản xuất gạo đặc sản của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Shark Nguyễn Thanh Việt cho rằng, trong kinh doanh, tiền không phải là tất cả, đạo đức kinh doanh rất quan trọng. Nếu như mỗi sản phẩm được làm ra bằng cái tâm, tình yêu và trách nhiệm thì thành công chỉ là vấn đề sớm hay muộn.

Trao đổi về thương vụ đầu tư này, Shark Nguyễn Thanh Việt cho biết: “Sau Shark Tank mùa 3, DalatFoodie nhận được phản hồi tốt, lượng đơn hàng tăng vọt nên xin lùi thời gian thẩm định để phục vụ khách hàng và chuẩn bị hồ sơ. Intracom cũng xác định nông nghiệp không phải là ngành tăng trưởng nóng mà cần bền vững nên đồng ý. Cuối tháng 5 vừa qua, hai bên có vòng thẩm định cuối cùng và đi đến quyết định đầu tư”.

Từ tháng 7/2020, sản phẩm hữu cơ của DalatFoodie sẽ có mặt tại Hà Nội sau lễ ký kết đầu tư. Ảnh: KT. 

Từ tháng 7/2020, sản phẩm hữu cơ của DalatFoodie sẽ có mặt tại Hà Nội sau lễ ký kết đầu tư. Ảnh: KT. 

Shark Nguyễn Thanh Việt nhận xét, hiếm có người nào vừa tỉ mỉ vừa năng động như “mẹ bỉm sửa” Đỗ Phan Hoàng Sương. Sản phẩm của DalatFoodie khá đa dạng, tươi ngon, các combo chia theo phân khúc khách hàng đi kèm với các tiện ích hấp dẫn. Điều Sương thiếu là một hệ sinh thái có thể nâng đỡ, sự định hướng trong kinh doanh để mang sản phẩm sạch và tươi ngon từ nông trại hiện diện trên bàn ăn mỗi gia đình Việt Nam và Intracom sẽ giúp đỡ.

Phía Intracom cũng xác định ngành nông nghiệp sạch sẽ chiếm ưu thế trong tương lai, bởi dịch bệnh và các yếu tố môi sinh đang ngày càng ảnh hưởng rõ nét đến sức khỏe con người. “Chúng tôi sẽ kết hợp với các công ty công nghệ giúp DalatFoodie truy xuất nguồn gốc thực phẩm và rau củ quả, để làm sao tạo được niềm tin tuyệt đối từ khách hàng”, Shark Nguyễn Thanh Việt khẳng định.

Mua thực phẩm hoàn toàn bằng smartphone

Trong khuôn khổ lễ ký kết đầu tư cùng Intracom, DalatFoodie cũng ký kết hợp tác với ZaloPay để cung cấp nền tảng thanh toán online thuận tiện. Theo đó, ngay từ bây giờ, khách hàng có thể truy cập vào ứng dụng Zalo, trong mục danh bạ, tìm kiếm từ khóa “Dalat Foodie”.

Gian hàng của DalatFoodie trên ứng dụng Zalo. Ảnh chụp màn hình điện thoại. 

Gian hàng của DalatFoodie trên ứng dụng Zalo. Ảnh chụp màn hình điện thoại. 

Trong trường hợp lần đầu tiên truy cập, cần thực hiện thao tác nhấn “Quan tâm”, chọn lựa sản phẩm và cho vào giỏ hàng. Cuối cùng chọn thanh toán bằng ZaloPay để hoàn tất quá trình đặt hàng.

Đơn hàng thanh toán thành công, khách hàng nhận tin nhắn xác nhận qua Zalo. Khách hàng hoàn toàn chủ động trong việc nhận hàng bằng cách đến cửa hàng hoặc hẹn thời gian giao hàng phù hợp.

Bà Bùi Thị Thoa, Phó Tổng giám đốc Intracom Group đánh giá rất cao sự nỗ lực, tâm huyết của Đỗ Phan Hoàng Sương trong việc đưa sản phẩm hữu cơ gần hơn tới người tiêu dùng.

“Bên cạnh phát triển các thế mạnh sẵn có, trong thời gian tới, chúng tôi đã đưa ra kế hoạch đồng hành, làm sao để tối ưu quá trình sản xuất cũng như ứng dụng các công nghệ vào chuỗi thực phẩm hữu cơ. Làm sao để đưa sản phẩm hữu cơ sạch từ nông trại tới bàn ăn, xuất hiện trong mỗi mâm cơm người Việt Nam. Ngoài đầu tư vốn, Intracom Group cũng cam kết sẽ giúp DalatFoodie về nhân lực cũng như định hướng phát triển, mở rộng thị trường”, bà Bùi Thị Thoa bật mí.

Giảm giá thành để ai cũng có thể ăn hữu cơ

Bà mẹ "bỉm sữa" Đỗ Phan Hoàng Sương chia sẻ, định hướng phát triển tới năm 2025, DalatFoodie trở thành thương hiệu đầu tiên được lựa chọn khi khách hàng bước vào giai đoạn mang thai và cho con ăn dặm với hệ thống chuỗi cửa hàng, đại lý phân phối tại 10 thành phố lớn gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Kiên Giang, Cần Thơ, Hải Phòng.

Chuyên gia Nhật bản hướng dẫn canh tác trên vùng nguyên liệu sản xuất gạo của DalatFoodie. Ảnh: dalatfoodie.com.

Chuyên gia Nhật bản hướng dẫn canh tác trên vùng nguyên liệu sản xuất gạo của DalatFoodie. Ảnh: dalatfoodie.com.

Đồng thời, đưa giá thành của thực phẩm hữu cơ xuống mức giá hợp lý (chỉ cao hơn giá rau quả canh tác theo phương pháp thông thường 20 - 30%) để thực phẩm hữu cơ tiếp cận đến nhiều phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, tạo được mô hình chuẩn trong trồng trọt, quản lý và tiêu thụ thực phẩm hữu cơ. Mục tiêu là “Ai cũng có thể trồng hữu cơ, và ai cũng có thể ăn sản phẩm hữu cơ”.

Kế Toại - Kiên Cường

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm