Thứ sáu, 22/11/2024 | 15:11 GMT +7
Tả Lèng là xã vùng cao của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, nơi có đỉnh núi Pu Ta Leng cao hơn 3.049m. Toàn xã có hơn 882 hộ dân với hơn 4.612 nhân khẩu, đồng bào ở đây chủ yếu là người Mông, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trồng lúa, ngô, chăn nuôi trâu bò, lợn gà…
Người Mông ở Tả Lèng có một giống lúa quý gọi là Tẻ Râu. Đó là thứ lúa gieo cấy trên nương, những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Người đồng bào gọi là gạo dâu, mỗi năm trồng duy nhất một vụ. Có lẽ nhờ gieo trồng ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, nơi chất đất, khí trời, gió núi hòa hợp với nhau mà thành thứ gạo có hạt dài và mẩy, khi nấu chín có vị ngọt và hương thơm không thể lẫn với bất cứ thứ gạo nào khác.
Mặc dù vậy, từ bao đời nay, do bà con vẫn quen với lối canh tác truyền thống, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học nên đã gây ảnh hưởng đến chất lượng cũng như thương hiệu của giống lúa quý này.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tam Đường cho biết, từ đầu năm nay, căn cứ vào nội dung của Biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư giữa UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Quế Lâm về việc phối hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ, mô hình sản xuất lúa Tẻ Râu hữu cơ đã được triển khai thực hiện.
Ban đầu, mô hình dự định tổ chức triển khai trên diện rộng, mặc dù vậy việc vận động bà con tham gia gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ của Tập đoàn Quế Lâm cùng với Phòng NN-PTNT, Chủ tịch xã Tả Lèng đã nhiều lần tổ chức gặp mặt một số trưởng bản trong xã, hộ nông dân tiêu biểu để giới thiệu mục tiêu của mô hình liên kết, ý nghĩa của việc sản xuất lúa Tẻ Rây theo hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu lúa gạo tỉnh Lai Châu...
Tuy nhiên, với tư duy của bà con địa phương, muốn thay đổi tập quán canh tác từ thâm canh, sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học sang sản xuất nông nghiệp sạch, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, bảo vệ đất và môi trường, nâng cao thu nhập là vấn đề rất khó. Bà con phải thấy rõ hiệu quả mô hình thì họ mới thay đổi để làm theo. Dù rất tích cực vận động, song cuối cùng chỉ có 9 hộ người Mông ở bản Nùng Than, xã Tả Lèng ký kết hợp đồng để trở thành những người Mông đầu tiên ở trên đỉnh trời này trồng lúa hữu cơ.
Trên diện tích 5,1ha của 9 hộ dân ở bản Nùng Than, phía Tập đoàn Quế Lâm đã hướng dẫn bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa theo hướng sản xuất hữu cơ và hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ. Sau khi thu hoạch, Quế Lâm thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 15.000 đồng/kg.
Với phương thức liên kết này, Tập đoàn Quế Lâm đã hỗ trợ cho các hộ trồng lúa Tẻ Râu theo hướng hữu cơ tại Tà Lèng là 1,26 triệu đồng/1.000m2. Tổng chi phí Tập đoàn hỗ trợ các hộ dân trong vụ đầu tiên là hơn 52 triệu đồng. Ngoài ra, khi tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, kinh phí đưa đón các chuyên gia khảo sát và kiểm tra trong suốt quá trình thực hiện. Chỉ sau vụ đầu tiên đã cho thấy sự khác biệt rất rõ rệt. Lúa Tẻ Râu hữu cơ đang dần thay thế phương pháp canh tác lúa truyền thống trên đỉnh trời Tả Lèng.
Gia đình anh Hàng A Kho ở bản Nùng Than vốn trồng lúa Tẻ Râu từ nhiều năm nay. Anh chia sẻ: "Ngày trước, bà con người Mông mình trồng lúa vẫn thường dùng nhiều thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học. Sau này được tuyên truyền mới biết như thế là ảnh hưởng đến chất lượng lúa và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà con. Sau khi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm làm lúa theo hướng hữu cơ, gia đình mình thấy có nhiều cái hay".
Anh Kho bảo, cũng trồng lúa nhưng lạ lắm, không phải sử dụng phân bón hóa học và phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thế mà cây lúa vẫn sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh ít, đặc biệt là đảm bảo năng suất, chất lượng lúa và an toàn sức khỏe cho bà con. Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch nhưng chắc chắn năng suất lúa sẽ cao hơn so với canh tác lúa thông thường.
Mới đây, Tập đoàn Quế Lâm và huyện Tam Đường cũng đã tổ chức hội thảo đánh giá mô hình lúa Tẻ Râu theo hướng hữu cơ ở Tả Lèng. Ông Nguyễn Chí Hội, Chủ tịch UBND xã Tả Lèng cho biết: Thực hiện mô hình liên kết trồng lúa Tẻ Râu theo hướng hữu cơ, xã nhận thấy nhiều lợi ích cho nông dân như: Cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hơn so với trồng lúa theo phương pháp truyền thống.
"So sánh với mô hình đối chứng, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng và giá thành đầu tư đều có những ưu điểm vượt trội. Quan trọng hơn cả là người dân đã thay đổi tư duy, nắm bắt được kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm và sức khỏe, bảo vệ môi trường đất, môi trường sinh thái… Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, từng bước xây dựng vùng lúa hữu cơ của địa phương", ông Hội cho biết.
Mô hình trồng lúa Tẻ Râu hướng hữu cơ ở Tả Lèng là một trong những thành quả từ sự hợp tác giữa Tập đoàn Quế lâm và UBND tỉnh Lai Châu. Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu chia sẻ: Triết lý phát triển của nông nghiệp là hướng tới đa giá trị, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển sản phẩm đặc sản gắn với chuỗi giá trị.
Để tái cơ cấu được và phát triển lĩnh vực nông nghiệp thì việc liên kết giữa người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi liên kết là rất quan trọng, góp phần giúp người dân thay đổi cuộc sống, thay đổi tư duy sản xuất, giảm nghèo, hướng tới thoát nghèo, nâng cao tri thức, hội nhập nhanh hơn trong bối cảnh công nghệ số…
Với tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu, định hướng phát triển nông nghiệp của Lai Châu phải gắn với chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn và hướng tới xuất khẩu.
Tại hội nghị tổng kết đánh giá mô hình trồng lúa Tẻ Râu theo hướng hữu cơ ở Tả Lèng, các đại biểu, hộ nông dân tham gia đều có chung đánh giá, lúa ở trong mô hình có rễ phát triển to, dài, cây lúa có bộ lá to, cứng với mầu xanh sáng nên sâu, bệnh hại ít, thường ở dưới ngưỡng phòng trừ, vì vậy từ khi trồng đến khi thu hoạch thường không phải phòng trừ sâu, bệnh hại.
Quy trình canh tác đã giảm từ 1 - 2 lần phun thuốc so với bên ngoài, không hại tới sức khỏe của người sản xuất và môi trường. Trong khi đó ruộng sản xuất đại trà ngoài mô hình của người dân bị bệnh bạc lá nặng, mật độ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân cao hơn trong mô hình nhiều, một số hộ đã phải phun phòng trừ những đối tượng trên từ 1 - 2 lần bằng thuốc hóa học.
Ngoài ra, người dân địa phương vẫn quen tập quán bón 100% bằng phân NPK hóa học, lá lúa xanh đậm, dài hơn và lá non hơn nên không cứng vì vậy thu hút sâu bệnh nhiều hơn. Theo đại diện của Tập đoàn Quế Lâm, đây là vấn đề cần phải tiếp tục thay đổi, bởi đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng cây trồng của Viện Thổ nhưỡng Nông hóa cho biết, hiện nay việc bón phân hóa học cho cây lúa ở Việt Nam cây chỉ sử dụng được từ 40 - 45%, số còn lại làm chai cứng đất, tồn dư trong đất và nước ngầm, nước mặt ảnh hưởng đến sức khỏe đất và người.
Để tiếp tục thực hiện Biên bản ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ giữa Quế Lâm và tỉnh Lai Châu, năm 2023 và các năm tiếp theo, Tập đoàn Quế Lâm mong muốn được phối hợp nhiều hơn với các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và đặc biệt là bà con nông dân các dân tộc của tỉnh Lai Châu tiếp tục thực hiện các mô hình liên kết sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn để cùng nhau giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng khắp cả nước những sản phẩm đặc hữu của tỉnh Lai Châu.
'"Sau thời gian dài tìm hiểu, được biết Tập đoàn Quế Lâm là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, tháng 12/2021, UBND tỉnh Lai Châu đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm để phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Song song với việc ban hành các chính sách hỗ trợ, tỉnh Lai Châu luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến và đồng hành với tỉnh để phát triển nông nghiệp bền vững như Tập đoàn Quế Lâm", ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nói.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.