Thứ tư, 04/12/2024 | 10:40 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 08:10, 10/11/2023

Quýt Lai Vung làm nên nông thôn mới ở… Bàu Cam

Một vùng đất heo hút, đất rộng người thưa, nay Tân Thành đã là xã nông thôn mới nâng cao của Bình Phước. Kết quả đến từ những vườn quýt đường nức tiếng xuất xứ Lai Vung.

Tân Thành (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) là một trong những xã đã về đích nông thôn mới từ lâu và cách đây 3 năm đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Mấy chục năm trước, xã Tân Thành chỉ là vùng rừng rú heo hút, ít dấu chân người. Nhưng bây giờ, vùng đất này đã trở nên trù phú, rất nhiều căn biệt thự hoành tráng nằm lẩn khuất trong những vườn cây ăn trái sum suê. Trong đó, nhiều nhất là quýt đường - cây ăn trái giúp nhiều gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả. Nơi cây quýt bén rễ đầu tiên là ấp Bàu Cam.

Người đưa giống quýt đường Lai Vung về Bàu Cam

Qua giới thiệu của Hội Nông dân xã Tân Thành, chúng tôi tìm đến nhà bà Thạch Thị Póm (64 tuổi, dân tộc Nùng Cao Bằng ở ấp Bàu Cam). Bà Póm là người được cho là có công mang giống quýt đường Lai Vung (Đồng Tháp) về Bàu Cam trồng từ khoảng 20 năm trước. Dọc con đường bê tông vào ấp, nằm lẩn khuất trong vườn cao su, cây ăn trái sum suê là những căn biệt thự hoành tráng. Và, căn nhà của bà Póm cũng là một căn biệt thự.

Bà Thạch Thị Póm, người đầu tiên mang cây quýt đường Lai Vung về vùng đất Tân Thành. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Bà Thạch Thị Póm, người đầu tiên mang cây quýt đường Lai Vung về vùng đất Tân Thành. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nghe chúng tôi giới thiệu và mục đích gặp, bà Póm kể: “Tôi quê ở Cao Bằng, di cư vào Bàu Cam năm 1988. Lúc đó vùng đất này hoang vắng lắm, đường đất đỏ chỉ đủ cho 2 xe đạp tránh nhau, mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi mù, đi lâu lâu mới có một căn nhà lá. Nhưng nhìn đất đỏ thấy tốt lắm, nghĩ là canh tác tốt nên chúng tôi dừng chân, dựng tạm căn chòi lá cho cả nhà 4 người ở. Ban đầu vợ chồng tôi đi làm thuê, tích cóp dần, vài năm sau thì đủ tiền mua được hơn 1ha đất trồng cao su. Nhưng diện tích ít nên thu nhập không đáng kể, chỉ đủ cho 2 vợ chồng, 2 đứa con sống tằn tiện qua ngày.

Năm 2000, một lần đi chợ Đồng Xoài, tôi thấy có một người đàn ông chở quýt và cả cây giống quýt bán. Tôi lại hỏi thăm thì biết đó là một chủ vựa cây giống ở Lai Vung (Đồng Tháp) mang cây giống quýt đường lên bán, trái quýt mang theo là để mọi người mua ăn thử để biết chất lượng. Tôi ăn thử thấy trái quýt này rất thơm, ngọt, nhiều nước. Ông bán giống nói với tôi, đất ở đây trồng cây này rất tốt, kêu tôi mua về trồng thử”, bà Póm kể.   

Sau đó, bà Póm mua 5 chục cây quýt về Bàu Cam trồng thử, 2 năm sau thấy cây ra trái và phát triển rất tốt. Điều không ngờ là trái nhiều và rất ngọt, chứng tỏ giống quýt này rất hợp thổ nhưỡng, khí hậu ở đây.

“Tôi nhớ lần đầu hái được chừng mấy tạ, mang ra chợ Đồng Xoài bán chỉ vài ngàn đồng/ký. Người ta mua về ăn thử, nhưng sau đó thấy ngon nên lại chạy ra mua tiếp. Sau đó, mỗi ngày hái được bao nhiêu tôi bán hết bấy nhiêu. So với quýt "chính gốc” ở Lai Vung cho vị ngọt đậm thì quýt Bàu Cam có vị ngọt thanh và chua nhẹ. Nhưng đây lại là cái mà nhiều người, nhất là nữ thích hơn so với loại chỉ ngọt đậm”, bà Póm kể.

Căn nhà khang trang như biệt thự của gia đình bà Thạch Thị Póm nhờ cây quýt. Ảnh: Hồng Thủy.

Căn nhà khang trang như biệt thự của gia đình bà Thạch Thị Póm nhờ cây quýt. Ảnh: Hồng Thủy.

Sau khi khẳng định chất lượng cây quýt đường ở vùng đất Bàu Cam, bà Póm tìm về tận Đồng Tháp để tìm mua thêm cây giống quýt đường về trồng. Và cây quýt đã giúp gia đình bà từ chỗ không có gì, trở thành người giàu nhất vùng Bàu Cam khi đó.

Đến nay, gia đình bà Póm đã có hơn 20ha đất trồng cao su, quýt đường. Bà cho biết, cây quýt đường nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch từ 40 - 50 tấn quả/ha. Với giá bán tại vườn từ 20 - 30 ngàn đồng/kg (tùy mẫu mã), sau khi trừ chi phí, mỗi năm, 1ha quýt có thể thu bạc tỷ.

Căn biệt thự gia đình bà Póm đang ở hoàn thiện năm 2017, chi phí xây thô đã hết hơn 2 tỷ đồng. “Nếu không có cây quýt, gia đình tôi không thể được thế này. Đất của tôi đa số là cao su, mà giờ cao su mất giá quá, không ăn thua”, bà Póm nói.

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Tân Thành, hiện diện tích quýt đường toàn xã đã lên đến khoảng 400ha. Riêng ấp Bầu Cam có hơn 80 hộ, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 3/4 số hộ trồng quýt đường. Nhiều hộ giàu nhờ quýt như ông Lương Văn Toàn, Lương Văn Tờ, Hoàng Từ Liêm, Hoàng Văn Hợp, Lăng Văn Thắng, Hoàng Trúc An..., một số hộ đã đầu tư bài bản về kỹ thuật canh tác, áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Canh tác hữu cơ để phát triển bền vững

Mấy năm gần đây, diện tích quýt đường ở Bàu Cam nói riêng, xã Tân Thành nói chung tăng mạnh. Giống như các loại nông sản khác, trái quýt đường cũng từng gặp cảnh “được mùa mất giá”, từng có thời điểm giá tụt đáy. Ngoài diện tích tăng thì chất lượng trái là một trong những nguyên nhân khiến trái quýt mất giá. Vì thế, canh tác theo quy trình sạch, hữu cơ là con đường duy nhất để phát triển bền vững.

Vườn quýt của gia đình ông Lương Văn Toàn canh tác theo quy trình hữu cơ, sau vài năm đầu tụt năng suất nay đã trĩu quả. Ảnh: Minh Sáng.

Vườn quýt của gia đình ông Lương Văn Toàn canh tác theo quy trình hữu cơ, sau vài năm đầu tụt năng suất nay đã trĩu quả. Ảnh: Minh Sáng.

“Thấy nhiều người đổ xô trồng quýt nên tôi đã đoán trước sau gì cũng sẽ tới lúc mất giá. Vì thế, phải tìm hướng trước để có đầu ra ổn định. Mà muốn vậy thì sản phẩm phải chất lượng. Từ mấy năm trước, tôi đã hỏi thăm rồi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác VietGAP, hữu cơ của huyện, tỉnh tổ chức, sau đó nhờ mấy anh kỹ sư nông nghiệp về tận vườn hướng dẫn quay trình.

Đến giờ, tôi nắm rõ cách làm rồi, vườn quýt chỉ dùng phân chuồng ủ hoai trộn với phân xanh và bột vi sinh mua của nhà nước thôi. Không dùng thuốc trừ sâu hóa học, cỏ nhiều thì mình dùng máy cắt, xong rải ngay xuống quanh gốc, giữ ẩm cho cây, đến mùa mưa thì lớp cỏ này làm phân cho cây rất tốt.

Mấy vụ đầu làm cách này, năng suất giảm, nhưng tôi nghe cán bộ khuyến cáo là phải kiên trì. Bây giờ tôi thấy cán bộ nói đúng lắm, cây khoẻ hơn, năng suất ổn định, không kém hơn trước mấy, nhưng bù lại trái ngon hơn, mình có thể vào vườn nằm trên thảm cỏ mà không sợ nhiễm thuốc trừ sâu, chất kích thích”, bà Póm nói.

Canh tác hữu cơ chính là con đường phát triển bền vững cho vùng quýt Tân Thành. Ảnh: Hồng Thủy.

Canh tác hữu cơ chính là con đường phát triển bền vững cho vùng quýt Tân Thành. Ảnh: Hồng Thủy.

Cách nhà bà Póm vài trăm mét là ngôi biệt thự của gia đình ông Lương Văn Toàn, người được mệnh danh là “vua quýt đường” ở Bàu Cam khi có diện tích quýt gấp đôi bà Póm với 4ha. Đồng thời, ông cũng là nông dân canh tác giỏi, quýt cho năng suất cao. Căn nhà của ông Toàn trị giá gần 3 tỷ đồng, chưa tính bạc tỷ sắm nội thất bên trong. Tất cả đều từ cây quýt mang lại.

Hiện nay, ông Toàn cũng đã thực hiện quy trình canh tác hữu cơ cho vườn quýt của gia đình. “Năm đầu tiên áp dụng quy trình canh tác hữu cơ, năng suất giảm nhiều, chỉ đạt khoảng 20 tấn/ha. Nhưng những năm sau, năng suất tăng dần, năm nay đã đạt khoảng hơn 40 tấn/ha”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, để cây quýt đường phát triển tốt, trước hết là từ khâu chọn giống, thứ hai là phải đủ nước tưới cho cây vào mùa khô. Mùa mưa phải làm rãnh thoát nước để tránh ngập úng. “Sản lượng bao nhiêu, chất lượng quả quýt thế nào, ngon hay không phụ thuộc nhiều yếu tố, ví dụ thổ nhưỡng, quy trình chăm sóc, loại phân bón, liều lượng và thời điểm bón… Vì thế, cùng một quy trình chăm sóc giống nhau, nhưng sản lượng và chất lượng trái có thể khác nhau. Ngoài nắm rõ kỹ thuật canh tác, mình không nên tham sản lượng cao, tức phải biết sức khỏe của cây để tỉa bớt”, ông Toàn chia sẻ kinh nghiệm.

Quýt canh tác theo quy trình hữu cơ được thương lái đến tận vườn thu mua nhờ chất lượng tốt . Ảnh: Hồng Thủy.

Quýt canh tác theo quy trình hữu cơ được thương lái đến tận vườn thu mua nhờ chất lượng tốt . Ảnh: Hồng Thủy.

“Cây quýt rất phù hợp với thổ nhưỡng vùng Tân Thành vì khí hậu ôn hòa, nguồn nước tưới dồi dào. Hiện nay, một số hộ đã nắm bắt, áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để canh tác quýt trái vụ, nhờ vậy giá trị tăng cao hơn. Như hộ anh Lê Hoàng Minh, nhờ canh tác trái vụ mà hơn 14ha quýt mang về cho anh hàng tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, xu hướng canh tác tất yếu hiện nay là VietGAP, hoặc cao hơn là hữu cơ nếu muốn tăng giá trị, phát triển bền vững. Hiện đã có một số nhà vườn canh tác theo hướng hữu cơ. Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con để hỗ trợ phát triển bền vững hơn, nâng cao chất lượng trái quýt đường Tân Thành”, bà Phạm Thị Yến Linh, Chủ tịch Hội Nông dân TP Đồng Xoài cho biết.

Hồng Thủy - Minh Sáng

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.

Táo đại - niềm tự hào của người dân Mường Bú

Táo đại - niềm tự hào của người dân Mường Bú

SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Ngẫm về ngày xưa, quyết chuyển sang sản xuất hữu cơ

Ngẫm về ngày xưa, quyết chuyển sang sản xuất hữu cơ

QUẢNG NINH Anh Đại nghĩ, các cụ hồi xưa chỉ sử dụng phân chuồng mà cây vẫn tươi tốt, cho năng suất cao, đất đai màu mỡ... nên quết tâm chuyển sang sản xuất hữu cơ.

Ông chủ vườn mắc ca hữu cơ với tư duy 'ăn chắc mặc bền'

Ông chủ vườn mắc ca hữu cơ với tư duy 'ăn chắc mặc bền'

ĐẮK NÔNG 'Vườn mắc ca này sẽ là một điểm du lịch sinh thái bền vững. Đó là lý do tôi trồng cây thực sinh mật độ thưa và canh tác theo quy trình hữu cơ'.

Trồng bưởi hướng hữu cơ, giun nhiều, đất khỏe

Trồng bưởi hướng hữu cơ, giun nhiều, đất khỏe

YÊN BÁI Khi sử dụng vật tư đầu vào sinh học, giun trong đất tăng lên, độ tơi xốp được cải thiện, cây trồng sinh trưởng tốt, giảm được nhiều chi phí.

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

Ông chủ Enjoy Coffee kiên trì cùng nông dân trồng cà phê hữu cơ

ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.

Xem Thêm