Thứ sáu, 26/04/2024 | 14:46 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 22:33, 19/12/2023

Chuyển biến thấy rõ về nhận thức sản xuất hữu cơ của nông dân Tiền Giang

Nông dân Tiền Giang ngày càng có ý thức tăng sử dụng phân hữu cơ trong canh tác rau màu do giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm, vừa thân thiện với môi trường.
Rau màu là mặt hàng thế mạnh của nông dân Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Rau màu là mặt hàng thế mạnh của nông dân Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Rau màu là mặt hàng thế mạnh của nông dân Tiền Giang. Theo thống kê của Sở NN-PTNT Tiền Giang, năm 2023, diện tích sản xuất rau màu các loại của tỉnh đạt trên 54 nghìn ha, sản lượng gần 1,2 triệu tấn. Nhóm cây trồng này được phát triển tại các địa phương vùng trung tâm của tỉnh, nhiều nhất là ở huyện Châu Thành với diện tích sản xuất đạt trên 15 nghìn ha, sản lượng trên 350 nghìn tấn.

Những năm qua, công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bản tin thời tiết nông vụ của Sở NN-PTNT ngày càng phát huy hiệu quả. Qua đó nhận thức và kinh nghiệm người sản xuất được nâng lên. Đặc biệt, việc thay đổi dần tập quán sản xuất của nông dân trong giảm phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần giảm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng cao. Trong đó, nhiều mô hình sử dụng phân bón hữu cơ để bón lót, bón bổ sung trong quá trình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Người trồng rau màu thu được lợi nhuận từ 63 - 310 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa từ 1,1 - 3,3 lần. Riêng cây ớt thu nhập cao hơn 9,2 lần so với cây lúa.

Ông Phạm Tấn Hùng ở xã Thân Cửa Nghĩa (huyện Châu Thành) nuôi cá tai tượng dưới mương trong đám rẫy. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Phạm Tấn Hùng ở xã Thân Cửa Nghĩa (huyện Châu Thành) nuôi cá tai tượng dưới mương trong đám rẫy. Ảnh: Minh Đảm.

Tại ấp Thân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành), cũng như nhiều bà con trồng màu ở địa phương, ông Phạm Tấn Hùng có thu nhập khá cao (khoảng 20 triệu đồng/tháng) từ 3.000m2 trồng luân canh các loại rau màu quanh năm như cải bẹ xanh, hẹ, hành lá, rau dền. Ông Hùng cho biết, do canh tác liên tục nên để đất không bị chai, bạc màu, ông đã tăng cường sử dụng phân hữu cơ bón lót, bổ sung dinh dưỡng cho đất.

“Trước đây, tôi tự mua phân bò, phân gà về ủ với men vi sinh để bón lót trước khi xuống giống. Bây giờ đã có nhiều sản phẩm phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp sản xuất sẵn nên rất tiện lợi. Chẳng hạn như bây giờ tôi sử dụng phân trùn quế của Công ty Trang trại sạch bón cho hẹ với cải bẹ xanh, thấy đất rất tốt, tơi xốp, cây xanh lâu, ít bệnh”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, để bảo vệ an toàn sức khỏe cũng như thân thiện với môi sinh, ông Hùng lựa chọn các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học, ít độc, thời gian cách ly ngắn mỗi khi trừ sâu bệnh hại. Chỉ tay về đàn cá tai tượng dưới mương trong đám rẫy, ông Hùng bảo nếu sử dụng thuốc độc quá nuôi cá đâu có được. Ao cá này được ông tận dụng rau vụn, cỏ cho ăn, cứ 3 năm thu hoạch một lần, bán được cả trăm triệu đồng.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ của ông Trần Trung Thành ở ấp Tây 2, xã Long Định, huyện Châu Thành mang lại hiệu quả khá. Ảnh: Minh Đảm.

Mô hình sử dụng phân hữu cơ của ông Trần Trung Thành ở ấp Tây 2, xã Long Định, huyện Châu Thành mang lại hiệu quả khá. Ảnh: Minh Đảm.

Nhằm nhân rộng mô hình sử dụng phân hữu cơ trong canh tác rau màu, năm nay Sở NN-PTNT Tiền Giang còn phối hợp với Công ty TNHH Tập đoàn An Nông thực hiện mô hình “Ứng dụng phân hữu cơ trong sản xuất rau an toàn” tại huyện Châu Thành với diện tích 3ha rau húng cây, rau om, rau má.

Qua đánh giá cho thấy, ruộng bón lót phân hữu cơ và giảm 10 - 15 % phân hóa học giúp cây phát triển xanh tốt, chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giảm tỷ lệ chết cây con, tăng lợi nhuận từ 5,5 - 12,5 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.

Ông Huỳnh Kim Quang, Tổ trưởng Tổ canh tác rau màu trong mô hình này (tại xã Long Định, huyện Châu Thành) nhận xét: Khi sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây xanh mướt và thời gian kéo dài hơn nên giảm lượng phân bón ở lần sau. Ông khẳng định sử dụng phân hữu cơ và giảm phân hóa học rất hiệu quả. Mỗi ngày, ông thu hoạch từ 50 - 200kg/rau quế với giá bán dao động từ 6.000 – 15.000 đồng/kg, tùy thời điểm.

Dẫn chúng tôi ra sau vườn đang trồng 7.000m2 cây rau quế và tía tô xanh mướt, ông Quang giải thích: Đối với cây rau quế, sau một đợt thu hoạch phải bón phân 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 10 ngày. Đợt đầu tiên sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ. Hai đợt sau đó mới sử dụng phân hóa học kết hợp với phân hữu cơ. Với việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, ông Quang ước tính giảm được chi phí về phân bón khoảng 20% so với việc chỉ sử dụng phân hóa học bởi giá bán phân hữu cơ rẻ hơn nhiều so với phân hóa học.

Cây rau quế của ông Huỳnh Kim Quang lá xanh mướt, to, khỏe nhờ sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Cây rau quế của ông Huỳnh Kim Quang lá xanh mướt, to, khỏe nhờ sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, hiện nay, ước tổng lượng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học cho trồng trọt trên địa bàn tỉnh hàng năm khoảng 553.800 tấn. Trong đó có hơn 111.180 tấn phân bón hữu cơ, phân bón sinh học thương mại và gần 149.370 tấn phân bón hữu cơ không thương mại.

Theo kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đề ra nhiệm vụ sản xuất rau theo hướng hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với quy mô dự kiến 100ha vào năm 2025 và 250ha vào năm 2030 tại các huyện Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây và thị xã Gò Công.

Năm 2024, Sở NN-PTNT Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 3019 ngày 16/8/2022 về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến rau quả trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2030. Thời gian qua, việc nông dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ trong canh tác cho thấy sự thay đổi nhận thức, hành động hướng tới sản xuất thực phẩm an toàn, hướng hữu cơ.

Minh Đảm

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm