Chủ nhật, 24/11/2024 | 23:19 GMT +7
A Lưới là huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên - Huế có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, thích hợp với nhiều loại cây trồng. Những năm gần đây, bên cạnh trồng keo lấy gỗ, nhiều nông dân tại bản Pi Ây, xã Quảng Nhâm (huyện A Lưới) đã chuyển đổi một phần diện tích để trồng chuối già lùn, mở ra triển vọng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững, mang lại thu nhập khá.
Đến xã Quảng Nhâm hỏi thăm anh Nguyễn Hải Teo (sinh năm 1986, người đồng bào Pa Kô), ai cũng biết anh là nông dân sản xuất giỏi, có chí hướng làm ăn. Đặc biệt, anh Teo còn được biết đến là một trong những nông dân miền núi tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực tìm kiếm các loại cây con phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế.
Trong khi phần lớn người dân vùng cao chỉ tập trung trồng keo và luôn phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh thì anh Teo chuyển sang một hướng khác. Từ năm 2019, anh đã mạnh dạn chuyển đổi 1,5ha đất trồng keo sang trồng chuối già lùn theo hướng an toàn, hữu cơ với gần 1.500 gốc.
Anh cho biết, so với các cây trồng khác thì chuối già lùn là cây dễ chăm sóc, thời gian cho thu hoạch quả ngắn, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương. Theo ước tính của anh Teo, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, hàng năm vườn chuối già lùn của gia đình anh cho thu hoạch hơn 20 tấn quả. Với giá 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, cây chuối già lùn cho gia đình anh thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.
Theo anh Teo, chuối già lùn trồng tại vùng đất A Lưới cho chất lượng tốt, vị ngọt, thơm, vỏ dày đặc trưng, lại được canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn theo VietGAP nên rất được người tiêu dùng tại Thành phố Huế và du khách ưa thích. Nếu biết đầu tư tốt, đây có thể là cây trồng giúp cho nhiều người dân vùng cao có cơ hội vươn lên thoát nghèo bởi thị trường tiêu thụ khá tốt nhưng chi phí bỏ ra để đầu tư không nhiều, kỹ thuật trồng và chăm sóc không đòi hỏi cao.
"Cây chuối gần như không có sâu bệnh đáng kể nên không phải phun thuốc BVTV. Điều kiện môi trường đất, nguồn nước của miền núi ở đây rất trong lành nên cũng rất thuận lợi cho sản xuất theo hướng hữu cơ. Hiện nay bà con cũng đang tăng cường sử dụng phân hữu cơ để bón cho chuối, không phun thuốc trừ cỏ... theo định hướng sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường", anh Teo cho biết.
Ông Hồ Trọng Chăn, Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm chia sẻ: Ngoài phát triển rừng trồng, cây lúa, những năm gây đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Quảng Nhâm xem chuối già lùn là cây trồng mũi nhọn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình. Đến nay trên địa bàn xã có gần 70 hộ tham gia trồng chuối già lùn theo hướng hữu cơ, an toàn theo quy trình VietGAP với tổng diện tích gần 50ha.
Theo ông Chăn, trong thời gian tới, cây chuối già lùn sẽ tiếp tục mang lại lợi ích thiết thực, giúp tăng thu nhập cho người dân, góp phần ổn định và chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Đặc biệt, sau khi chuối già lùn A Lưới được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã mở ra cơ hội lớn để trái cây này tiếp cận, mở rộng thị trường.
Theo Phòng NN-PTNT huyện A Lưới, hiện toàn huyện có khoảng gần 400ha chuối, trong đó diện tích chuối già lùn 116ha. Bước đầu, chuối già lùn A Lưới đã tạo ra sản phẩm hàng hóa, khẳng định được thương hiệu, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với chương trình OCOP của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như phát triển phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, những năm gần đây, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương, cây chuối già lùn đang được nhiều hộ dân trồng và mở rộng quy mô diện tích. Đặc biệt, từ khi chuối già lùn A Lưới được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạo tiền đề để huyện có những chủ trương, chính sách khuyến khích người dân phát triển bền vững loại cây trồng này theo hướng hữu cơ, bền vững, gắn với nâng cao giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.