Thứ tư, 17/04/2024 | 20:00 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 14:15, 31/05/2022

Tinh hoa nông sản Việt

Chanh dây ngọt- đặc sản của lão nông sáng tạo

Chanh dây ngọt của lão nông Sáu Công là một trong những sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021 của Sóc Trăng đang hút khách dù giá “chát” 110.000 đồng/kg, nhưng vẫn không đủ bán.
Lão nông Nguyễn Hữu Công bên dàn chanh leo ngọt do chính mình lai tạo. 

Lão nông Nguyễn Hữu Công bên dàn chanh leo ngọt do chính mình lai tạo. 

Lai tạo thành công giống chanh leo ngọt trên đất mặn

Chúng tôi gặp lão nông Sáu Công tại Hội chợ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM 2022 được tổ chức tại thành phố Thủ Đức sau thời gian cả nước trở lại trạng thái bình thường mới. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn những trái chanh được trưng bày tại gian hàng OCOP của tỉnh Sóc Trăng, ông Sáu Công không ngần ngại bổ đôi những trái chanh ngọt ấy mời chúng tôi ăn thử.

Vừa đưa cho chúng tôi thử, ông Nguyễn Hữu Công – hay còn gọi là Sáu Công (62 tuổi, ngụ ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) vừa say sưa giới thiệu về những trái chanh dây (chanh leo) ngọt vàng ươm, căng bóng với niềm tự hào.

Đây chính là sản phẩm độc quyền do chính ông tự lai tạo từ giống chanh dây của Columbia (Nam Phi) với cây nhãn lồng (hay còn gọi là lạc tiên). Với kết quả lai tạo thành công giống cây này, đã giúp cho ông và nhiều hộ nông dân trong tỉnh Sóc Trăng nói riêng và nông dân các tỉnh thành khác trên cả nước có thêm nguồn thu nhập từ một loại trái cây thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng.

Kể về quá trình lai tạo được loại trái cây có vị ngọt thanh, hương thơm, ông Sáu Công cho biết, ông có bệnh về máu nên trong quá trình làm nông nghiệp, ông luôn tìm kiếm những loại nông sản tốt cho sức khỏe. Trong một lần được người em ở Úc gửi hạt giống cây chanh dây Columbia về Việt Nam, ông đã đem ra trồng thử thì lên được 5 cây. Tuy nhiên, để cây sinh trưởng tốt trên vùng đất mặn nhiễm phèn của xã Song Phụng, là điều không dễ. Khi ra trái thì ăn có vị chua, không ngọt, cây èo uột không khỏe. Vì vậy, năm 2017, ông quyết định lai tạo loại cây này với cây nhãn lồng - một loại dây leo sống tốt trên vùng đất này, có những đặc tính giống chanh leo mà thời gian sống lâu, phát triển tốt trên đất hạn mặn.

“Cả hai loại cây này đều cùng họ lạc tiên. Mà theo ông bà ta ngày xưa, thì lạc tiên trị được bệnh tim mạch, mất ngủ, rất tốt cho sức khỏe; trái chanh leo là loại quả giàu chất dinh dưỡng, tính mát, hỗ trợ phòng một số bệnh như tiểu đường, ung thư, tốt cho tim mạch…”, ông Sáu Công nói.

Ông Sáu Công giới thiệu giống cây chanh leo ngọt tại hội chợ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Sáu Công giới thiệu giống cây chanh leo ngọt tại hội chợ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ở lần lai tạo đầu tiên, ông Sáu Công cho “úp nụ” 5 cây chanh dây Columbia với bông nhãn lồng. Nhưng, chỉ 2 cây “sống”, thụ phấn, đậu trái, ông chọn những trái già để lấy hột trồng cây giống mới. Cứ trồng, ra trái, lấy hạt, ăn thử và lại trồng, cứ như thế, sau gần 3 năm bền bỉ thử nghiệm lai tạo, nhiều lần sang chiết… cuối cùng, ông Sáu Công đã lai tạo thành công giống chanh dây ngọt với cây nhãn lồng, chẳng những kéo dài được “tuổi thọ” của cây trên vùng đất mặn, mà còn thu được những trái chanh leo mỏng vỏ vàng ươm, có vị ngọt thanh, giá trị dinh dưỡng cao.

Đưa cho chúng tôi xem những cây giống chanh ngọt của mình được tỉnh Sóc Trăng chọn là một trong những sản phẩm OCOP đem trưng bày quảng bá tại hội chợ, ông Sáu Công cho biết, lá của cây chanh dây ngọt này tròn nhỏ bởi được lai tạo với cây nhãn lồng, thân hơi tím, trái hơi dài và nhỏ có đường kính trung bình từ 35-45cm đổ lại, khi chín nó màu vàng chứ không tím như chanh leo thường.

Từ cây giống, ông đem trồng, sau khoảng 3,5 - 4 tháng thì ra bông, đậu trái, mất thêm khoảng 2 tháng để trái chín là sẽ thu hoạch. “Sau khoảng 7 tháng là có thu, mỗi dây trung bình cho từ 300 - 400 trái/năm. Tuy nhiên, yếu điểm là trái nhẹ cân hơn so với chanh dây thường. Đặc biệt, loại quả này nhờ ghép với gốc nhãn lồng, một loại dây leo hoang dã, nên chanh phát triển rất mạnh, đạt năng suất cao, chỉ cần làm giàn cho dây leo, không tốn nhiều phân bón và công chăm sóc, trái sẽ ra liên tục và có thời gian sinh trưởng từ 3 đến 4 năm”, ông Sáu Công nói.

Không những tự lai tạo giống chanh dây ngọt đặc biệt này, ông Sáu Công còn là một trong những nông dân đầu tiên ở Sóc Trăng ứng dụng thành công công nghệ tưới tự động.

Chanh dây ngọt Sáu Công được chọn là 1 trong những sản phẩm OCOP đại diện tỉnh Sóc Trăng trưng bày tại Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chanh dây ngọt Sáu Công được chọn là 1 trong những sản phẩm OCOP đại diện tỉnh Sóc Trăng trưng bày tại Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM 2022. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lão nông Sáu Công nhớ lại cái lúc ông tự mày mò nghiên cứu để đối phó với hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô ngày càng gay gắt của vùng đất Song Phụng. “Tôi chỉ là nông dân thôi, chả được học hành gì, nhưng mê khoa học, mê nghiên cứu lắm. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, tôi hướng tới sản xuất sạch, hạn chế đối đa việc dùng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Để cây sống tốt trên đất này, tôi mày mò tìm hiểu trên mạng, rồi tự tay phác thảo sơ đồ, thiết kế hệ thống vòi phun tự động tiết kiệm nước điều khiển tầm xa bằng điện thoại thông minh”, ông Sáu Công kể.

Nhớ hồi đầu năm 2020 hạn mặn bắt đầu xâm lấn, chính hệ thống tưới tự động cho 3ha chanh dây đã giúp ông giảm được vài triệu đồng chi phí thuê nhân công và tiền điện, nước mỗi tháng. “Trước đây nếu tưới theo truyền thống sẽ mất 1 công lao động trong thời gian 10 giờ để tưới hết 3ha, thì nay chỉ còn 10 phút. Về chi phí tưới nước bằng hệ thống này cũng tiết kiệm đáng kể, vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm nước”, ông Sáu Công cho hay.

Chanh leo ngọt Sáu Công đạt chứng nhận VietGAP năm 2021.

Chanh leo ngọt Sáu Công đạt chứng nhận VietGAP năm 2021.

Chanh dây ngọt không đủ nguồn cung

Điều mà ông Sáu Công tâm đắc nhất là loại trái cây này mang lại giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời cũng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương, đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân vùng đất hạn mặn, bởi giá bán hiện nay trên thị trường của loại chanh dây đặc biệt này là 110.000 đồng/kg.

“Giá cao gấp 4 - 5 lần chanh dây thường, nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho khách hàng, nhiều người hỏi lắm mà tôi không có đủ hàng để bán. Như đợt này mang hàng lên TP.HCM trưng bày, tôi chỉ đem lên hơn 100kg, mà mới 1 ngày đã bán hết, phải gửi thêm từ Sóc Trăng lên”, ông Sáu Công hào hứng nói.

Hiện nay, vùng trồng chanh dây ngọt của lão nông Sáu Công gồm 1 ha cho trái và 2 ha chưa cho trái. Dự kiến, mỗi năm thu được khoảng 6,4 tấn chanh dây ngọt trên tổng số 3 ha vùng trồng. Chia sẻ về việc tại sao chanh dây ngọt này lại có giá cao gấp mấy lần chanh dây thường, ông nói: “Nếu như chanh dây thông thường khi uống cần lấy ruột pha với nước và bỏ thêm đường, thì chanh leo ngọt này khi dùng chỉ cần bổ đôi lấy muỗng múc hạt bên trong ăn hoặc dùng để pha thức uống kèm với đá lạnh đã có vị ngọt mát, mùi thơm hấp dẫn”.

Với những kết quả đạt được từ việc nghiên cứu thành công giống cây này, nhiều lần ông Sáu Công được Hội Nông dân, Phòng Kinh tế huyện huyện Long Phú mời đi chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân. Đến nay, nhiều bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng cũng như bà con nông dân ở các tỉnh thành trên cả nước đều đặt mua cây giống chanh leo ngọt từ ông để về trồng, đem lại giá trị kinh tế cao. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, ông đã cung cấp gần 10.000 cây giống với giá 80.000 - 100.000 đồng/cây cho bà con nông dân trên cả nước.

Lão nông Sáu Công là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền, và được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình trồng chanh dây ngọt của ông Sáu Công vừa mới lạ, độc đáo vừa cho năng suất cao, đầu ra ổn định. Chính sự đam mê của người nông dân chịu thương chịu khó ấy, luôn miệt mài mày mò nghiên cứu, miệt mài lai tạo để không những đem lại lợi ích kinh tế cho chính mình, mà còn góp phần giúp nền nông nghiệp nước nhà ngày một vươn xa như chính kỳ vọng của những người nông dân một nắng hai sương sống chết với nghề nông như ông Sáu Công: “Tôi mong muốn có nhiều hội chợ triển lãm được tổ chức, để những trái chanh leo ngọt này được người tiêu dùng cả nước biết đến và có thể xuất đi các nước trên thế giới”.

Đầu năm 2019, chanh dây ngọt Sáu Công đoạt giải khuyến khích trái cây độc lạ quý hiếm tại Hội thi trái ngon, do Viện ăn quả miền Nam tổ chức tại TP.HCM do chưa có giấy chứng nhận về nguồn gốc. Năm 2021, giống chanh leo ngọt Sáu Công đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thuỷ sản (Sở NN-PTNT Sóc trăng trao chứng nhận VietGAP và được UBND tỉnh Sóc Trăng trao chứng nhận OCOP 3 sao tại Cuộc thi đánh giá xếp hạng sản phẩm đợt 2 năm 2021.

Nguyễn Thủy - Minh Sáng

Thị trường điện lạnh 'tăng nhiệt'

Thị trường điện lạnh 'tăng nhiệt'

TP.HCM Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, thị trường điện lạnh cũng 'nóng' lên không kém. Nắm bắt cơ hội, các siêu thị, đại lý tung nhiều khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Doanh nghiệp 'bắt chặt tay' cùng nông dân sản xuất quế hữu cơ

Doanh nghiệp 'bắt chặt tay' cùng nông dân sản xuất quế hữu cơ

YÊN BÁI Doanh nghiệp và nông dân đã hợp tác chặt chẽ xây dựng vùng trồng quế hữu cơ, đầu tư nhà máy với công nghệ cao để chế biến sâu các sản phẩm quế xuất khẩu

Hà Nội sẽ giám sát diện rộng về an toàn thực phẩm

Hà Nội sẽ giám sát diện rộng về an toàn thực phẩm

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch số 116 của UBND TP Hà Nội về hành động bảo đảm an toàn thực phẩm, nông, lâm, thủy sản năm 2024.

Mục tiêu 20.000ha quế có chứng nhận hữu cơ

Mục tiêu 20.000ha quế có chứng nhận hữu cơ

YÊN BÁI Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích ổn định khoảng 90.000ha, trong đó phấn đấu diện tích quế tập trung chuyên canh 35.000ha, khoảng 20.000ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Xem Thêm