Thứ sáu, 13/12/2024 | 16:00 GMT +7
Phương pháp sản xuất nước mắm truyền thống tại Lê Gia
Nước mắm Lê Gia được ủ trong trong vòng 2 năm bằng thùng chượp bằng gỗ bời lời với muối hạt tinh khiết để lâu, theo phương pháp nén gài truyền thống, đặt trong nhà tôn kín. Các sản phẩm mắm (mắm kho quẹt, mắm tôm, mắm tép, mắm nêm..) với chung giá trị: An lành – tự nhiên, vị thanh- mùi dịu cũng được tạo nên từ những tinh túy từ biển mẹ với sự kỳ công, tỉ mẩn và tâm huyết của những người con biển xứ Thanh.
Xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là nơi có nghề khai thác hải sản và làm mắm từ bao đời nay. Nhưng cái nghèo đã trở thành thứ đặc sản không mong muốn ở vùng đất này.
Cũng như bao người khác, Lê Anh cố gắng học hành để mong được đổi đời. Điều bất ngờ là, khi đã có được công ăn việc làm ổn định với mức lương 2 nghìn USD/tháng, Lê Anh bất ngờ “quay xe”, trở về quê sản xuất nước mắm truyền thống.
“Tôi lớn lên cùng những bát cơm nóng hổi chan nước mắm, cùng mùi nước mắm mẹ khuấy trong chum bốc lên mỗi trưa hè quyện vào từng giấc ngủ. Tình yêu nước mắm lớn lên trong tôi tự bao giờ, nó thấm vào từng thớ thịt và trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ”, nhà sáng lập hãng nước mắm Lê Gia chia sẻ.
Năm 2015, Lê Anh bỏ công việc đang làm về quê làm mắm, thành lập Công ty TNHH Lê Gia sản xuất mắm truyền thống. Quyết định ấy khiến bạn bè hoài nghi, người thân lo lắng.
Hoằng Phụ quê anh, nơi nghề cá phát triển và trở thành nguồn thu nhập chính cho ngư dân nhưng từ bao đời nay vẫn không thể làm ăn lớn. Cảng cá quê anh vì thế chỉ là nơi neo đậu của những con thuyền công suất nhỏ. Ngư dân ở đây gần như không có khái niệm xuất khẩu hải sản, sản phẩm làm ra đa phần bán ở chợ gần, chợ xa... Thế nhưng, Hoằng Phụ cũng là nơi thường xuyên đưa từ lòng biển về những mẻ cá cơm tươi xanh, béo ngậy. Đây là nguồn nguyên liệu tốt nhất cho ra đời những giọt nước mắm tinh khiết.
Ấy cũng là lý do từ bao đời nay, nước mắm ở Hoằng Phụ trở thành thương hiệu của miền quê biển xứ Thanh. Thế nhưng, nước mắm Hoằng Phụ chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, họa hoằn mới có vài chuyến hàng đi ra các tỉnh bạn.
Lê Anh muốn thay đổi điều đó! Anh không chỉ sản xuất nước mắm truyền thống phục vụ thị trường trong nước mà còn muốn chinh phục thị trường thế giới. Với anh, xuất khẩu nước mắm cũng là một kênh giới thiệu văn hóa ẩm thực của người Việt với bạn bè quốc tế. Nói như cách Lê Gia vẫn thường nói, nước mắm là tấm hộ chiếu ẩm thực của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Lê Anh bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên trên hành trình đầy chông gai của mình. Năm 2015, anh cho xây nhà xưởng, thuê thợ đóng thùng gỗ bời lời, áp dụng các phương pháp sản xuất nước mắm. Dù lúc này trong tay chưa có chút tài sản gì đáng giá nhưng Lê Anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để đóng thùng ướp chượp khổng lồ bằng gỗ bời lời để sản xuất nước mắm.
Khởi nghiệp trong thời điểm nước mắm truyền thống bước vào một cuộc chiến khốc liệt thế nhưng Lê Anh đã tạo được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng và vươn ra thị trường quốc tế.
Với Lê Gia, việc xuất khẩu được nước mắm không chỉ là hoạt động thương mại thuần túy mà còn là “xuất khẩu văn hóa ẩm thực” đến với bạn bè quốc tế. Thế nhưng, muốn đi ra biển lớn thì phải làm tốt ở sân nhà. Món ăn, gia vị không chỉ là nghệ thuật ẩm thực mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa. Việc gia tăng giá trị cho sản phẩm truyền thống bằng cách thổi hồn bởi những câu chuyện chân thật, mộc mạc và đóng gói thành quà tặng sang trọng là Lê Anh nghĩ đến ngay từ khi khởi nghiệp.
Những sản phẩm được chắt lọc tinh túy từ biển mẹ, với sự đầu tư trong thiết kế bao bì đã tạo nên những sản phẩm quà tặng thiết thực, độc đáo và sang trọng; nó còn là tinh hoa văn hóa ẩm thực của cha ông.
Năm thứ 2 khởi nghiệp, người ta thấy một cặp vợ chồng trẻ mang sản phẩm đến khu du lịch trong tỉnh nài nỉ từng cửa hàng cho đặt kệ, đến từng mâm cơm mời khách nếm thử sản phẩm của mình. Chưa có thương hiệu, chưa có hệ thống phân phối, vợ chồng Lê Anh tìm đủ mọi cách để giới thiệu sản phẩm của mình đến người tiêu dùng.
Từ những thông tin phản hồi tích cực, nắm bắt xu hướng người tiêu dùng là các bà mẹ, Lê Anh quyết định chọn lối đi riêng. Anh tìm hiểu nhu cầu và quyết định sản xuất nước mắm dành cho bé với thành phần 100% tự nhiên, không có phụ gia, đầu tư thiết kế, bao bì phù hợp. Lê Gia quan niệm, nếu các sản phẩm dành cho bé tạo được sự tin tưởng thì các loại sản phẩm khác làm từ mắm của Lê Gia cũng sẽ được người tiêu dùng tin cậy.
Chiến dịch “vết dầu loang” được Lê Gia áp dụng ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp.
Lê Gia đầu tư gần nửa tỷ đồng thiết kế và làm khuôn sản xuất chai đựng có cổ chai có thể khống chế được lượng mắm rót ra, không đọng lại thừa trên cổ chai. Nắp chai thì thao tác mở, đóng dễ dàng, đảm bảo an toàn và sạch sẽ so với loại nắp bật thông thường; mẫu mã, bao bì, làm nên các hộp đựng đẹp, sang trọng, tinh tế, phù hợp để làm quà tặng, tiện dụng trong sử dụng cho người tiêu dùng.
Lê Anh tâm sự: “Có sản phẩm tốt nhưng kèm theo đó phải là sự thuận tiện trong tiêu dùng. Một chai nước mắm không chỉ ngon, chất lượng mà phải sang trong để có thể làm quà tặng. Với người dân Việt, nước mắm đậm đà, thể hiện cho kết giao tình thân, tình cảm mặn nồng. Việc dùng nước mắm truyền thống làm quà tặng như nâng tầm một sản phầm quốc hồn quốc túy của cha ông”.
Cùng với với mong muốn cùng quê hương đẹp lên, đóng góp tích cực cùng cộng đồng địa phương, truyền tải giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông đến với du khách và bạn bè, mắm Lê Gia đã tổ chức kết hợp dẫn khách du lịch từ khu du lịch biển Hải Tiến đến tham quan và trải nghiệm tại nhà thùng mắm Lê Gia.
Khách đến tham quan nhà thùng sẽ được trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu quy trình sản xuất nước mắm truyền thống; được thưởng thức những đặc sản cùng những sản phẩm mắm truyền thống trứ danh như mắm tép, mắm tôm, mắm nêm, mắm kho quẹt, mắm ruốc… Qua trải nghiệm thực tế, du khách có thể phân biệt, lựa chọn các sản phẩm mắm chuẩn ngon; cách sử dụng mắm truyền thống với từng món ăn và làm sao để tối ưu trong cách sử dụng… Tất cả những trải nghiệm thú vị này, giúp người tiêu dung thêm hiểu về mắm truyền thống, từ đó tin dùng các sản phẩm quốc hồn quốc túy cha ông, đồng thời cộng hưởng, gia tăng giá trị cho du lịch địa phương và cộng đồng dân cư.
Bằng sự bền bỉ, tận tụy, đến nay các sản phẩm mắm Lê Gia đã có mặt tại nhiều hệ thống bán lẻ trên cả nước, như: Vinmart, Vinmart+, AEON, BigC/Top Market/Go, Co.op Mart, MM Mega Marker…. Sản phẩm nước mắm cho bé là sản phẩm bán tốt nhất tại các hệ thống mẹ và bé uy tín (Concung, Bibomart, Kidplaza, shoptretho…).
Năm 2020, “Nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt” và “Mắm tôm Lê Gia” là 2 sản phẩm được UBND tỉnh Thanh Hóa lựa chọn là 2 sản phẩm OCOP đại diện cho tỉnh Thanh Hoá đề xuất xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Trải qua nhiều vòng đánh giá nghiêm ngặt, khách quan, công tâm từ phân loại, thẩm định hồ sơ, khảo sảt thực tế, chấm điểm… sản phẩm Mắm tôm Lê Gia đã được vinh dự đứng trong danh sách 20 sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia.
Làm tốt ở thị trường trong nước, mắm Lê Gia đã có mặt tại các thị trường khó tính, như: Hồng Kong, Đài Loan, CH Séc, Hàn Quốc, Nam Phi, Lào, Panama, Nga…. Và trở thành gia vị quen thuộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Bằng tình yêu cháy bỏng với nghề sản xuất nước mắm truyền thống, với sự tận tụy cùng những dự định tốt đẹp, Lê Gia đã cho ra đời những sản phẩm tinh túy nhất từ lòng biển. Hi vọng, những sản phẩm từ Lê Gia sẽ còn vươn xa hơn nữa, mang những gia vị an lành và giá trị truyền thống lan tỏa đến với nhiều mâm cơm người Việt và bè bạn quốc tế.
Năm 2021, Lê Gia cung ứng ra thị trường 2 triệu lít nước mắm và 200 tấn mắm tôm, mắm tép/năm và hệ thống chế biến các gia vị từ hải sản quy mô lớn. Các sản phẩm của Lê Gia được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 22000: 2018. Lê Gia đã sở hữu cho mình sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu quốc gia.
HÀ TĨNH Chưa năm nào giá cam giòn ở Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cao như năm nay. Đầu vụ, hiện giá cam giòn từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
ĐẮK NÔNG Từ nhiều năm nay, vườn tiêu của ông Hùng luôn đạt chuẩn hữu cơ do Tổ chức Control Union Hà Lan tại Việt Nam thẩm định, được thu mua giá cao hơn thị trường 25%.
HÀ TĨNH Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang ngày đêm đỏ lửa nấu mật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Làm sao để đồ xôi thơm ngon, dẻo, hạt xôi căng bóng như ngoài hàng? Bạn nhất định phải 'bỏ túi' một số bí quyết dưới đây!
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.