Thứ ba, 08/10/2024 | 09:42 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 07:45, 09/07/2024

Cánh chim đầu đàn làm nông nghiệp hữu cơ ở Quảng Trị

Đóng vai trò là doanh nghiệp 'đầu kéo', Công ty Thương mại Quảng Trị đang từng bước hoàn thiện quy trình tuần hoàn khép kín trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Đãi cát tìm vàng

Theo kết quả khảo sát, phân tích của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong số trên 20 nghìn ha đất canh tác lúa của tỉnh Quảng Trị có khoảng 5 nghìn ha đủ điều kiện sản xuất lúa đảm bảo an toàn theo VietGAP. Trong đó có 3 nghìn ha đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ, tập trung tại một số huyện như Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh… Nhưng quỹ đất, nước để canh tác đạt tiêu chuẩn hữu cơ phải trải qua một thời gian “giải độc” và làm giàu hệ vi sinh vật có lợi.

Phân bón hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị được sản xuất từ nguồn phân chuồng được thu mua tại các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Phân bón hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị được sản xuất từ nguồn phân chuồng được thu mua tại các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Dũng.

“Giải độc đất và nước, có thời gian và làm đúng quy trình sẽ giải quyết được. Nhưng với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, một điều quan trọng nữa là suốt quá trình canh tác phải sử dụng 100% phân bón hữu cơ, chế phẩm BVTV sinh học. Đó thực sự là thử thách đối với nông dân bởi chúng ta đã quen với việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV để giảm công lao động và nâng cao năng suất tức thì” – ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) chia sẻ.

Không chỉ với cây lúa, Công ty Thương mại Quảng Trị còn muốn người trồng sắn, dong sử dụng phân bón hữu cơ. Quá trình “bẫy” vi sinh vật bản địa vì thế cũng phải được thực hiện trên nhiều lập địa khác nhau, từ đồng bằng, ven biển tới miền núi. Mỗi loại cây trồng ở những vùng miền khác nhau đều cần một loại vi sinh vật bản địa riêng để nhân bản phục vụ quá trình sản xuất phân bón hữu cơ.

Từ mong muốn cung cấp đủ lượng phân bón hữu cơ cho nhu cầu sản xuất trong các chuỗi liên kết của mình, năm 2021, Công ty Thương mại Quảng Trị đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng vi sinh vật bản địa xử lý phân bò, phân gà thành phân bón hữu cơ chuyên dùng cho cây lúa”. Quá trình nghiên cứu đã tạo ra 2 dòng men, một dùng cho vùng đồng bằng, một dùng cho vùng miền núi.

Với công suất 600 tấn/năm như hiện nay, Công ty Thương mại Quảng Trị chỉ đủ cung cấp phân bón hữu cơ cho người dân trong chuỗi liên kết. Ảnh: Võ Dũng.

Với công suất 600 tấn/năm như hiện nay, Công ty Thương mại Quảng Trị chỉ đủ cung cấp phân bón hữu cơ cho người dân trong chuỗi liên kết. Ảnh: Võ Dũng.

Sau 6 vụ thử nghiệm, phân bón hữu cơ sử dụng cho cây lúa đạt hiệu quả cao. Bình quân mỗi năm Công ty Thương mại Quảng Trị sản xuất khoảng 600 tấn phân hữu cơ cho cây lúa. Nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ chủ yếu thu mua từ một số trang trại chăn nuôi bò, gà trên địa bàn. Tuy nhiên, lượng phân này cũng chỉ đủ nhu cầu phục vụ cho các diện tích sản xuất do Công ty liên kết với người dân với khoảng 200ha lúa hữu cơ và lúa VietGAP mỗi năm.

Trong khi đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay rất dồi dào, nhu cầu phân bón hữu cơ tại địa phương rất lớn. Nếu chỉ dừng lại ở việc tự cung tự cấp thì nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ trên các cánh đồng vẫn sẽ biến thành tro sau mỗi vụ gặt. Hàng trăm, hàng nghìn gia trại, nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn đang loay hoay tìm cách xử lý chất thải...

Phân hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị đã góp phần tạo ra thương hiệu Gạo hữu cơ Sepon. Ảnh: Võ Dũng.

Phân hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị đã góp phần tạo ra thương hiệu Gạo hữu cơ Sepon. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi đang tiến hành các thủ tục để xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Khi đi vào vận hành, nhà máy này sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu thị trường, đồng thời tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, nguồn chất thải dồi dào tại địa phương để sản xuất phân bón hữu cơ”, ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Quảng Trị cho biết.

Giải quyết nỗi lo ô nhiễm do chăn nuôi

Trang trại chăn nuôi gà của ông Võ Trung Tuyển tại thôn Minh Chính, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) mỗi năm nuôi khoảng 20 nghìn con gà. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, trước mỗi lứa thả nuôi, ông Tuyển thu mua trấu về xử lý, phun men vi sinh để làm đệm lót sinh học. Sau mỗi lứa xuất bán, toàn bộ đệm lót sinh học được thu dọn, đem ủ làm phân bón cho cây ăn quả trong vườn và xuất bán lẻ. Nguồn thu từ bán phân bù đắp một phần chi phí nhân công nhưng quá trình này mất thời gian và chi phí.

Ông Tuyển đang loay hoay tìm lời giải thì hay tin sắp tới Công ty Thương mại Quảng Trị xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Điều đó có nghĩa là nguồn phân gà của trang trại ông Tuyển sẽ được cung cấp nguồn đệm lót đã qua xử lý và toàn bộ sẽ được Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua.

Đối tượng hướng tới trong kế hoạch sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị là các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Dũng.

Đối tượng hướng tới trong kế hoạch sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị là các gia trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: Võ Dũng.

“Căng nhất trong chăn nuôi vẫn là xử lý chất thải. Tôi đang định mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng nguồn phân thải ra chỉ sử dụng một phần và bán ra cũng nhỏ lẻ, rất mất thời gian và cũng không được giá cao. Nếu được cung ứng đệm lót và thu mua phân gà với số lượng lớn thì còn gì bằng”, ông Tuyển phấn khởi.

Còn ông Lê Thành Trung, một hộ chăn nuôi gà tại thôn Dương Đại Thụ, xã Triệu Thuận (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã có 2 năm liền cung ứng phân cho Công ty Thương mại Quảng Trị. Theo ông Trung, đây là cách tốt nhất để giải tỏa những nỗi lo của người chăn nuôi trong vấn đề ô nhiễm môi trường.

“Mỗi năm tôi chỉ cung cấp cho Công ty Thương mại Quảng Trị khoảng 10 tấn phân gà thôi. Nhưng tôi nghĩ, chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay gặp áp lực rất lớn về chất thải chăn nuôi. Nếu gia đình nào cũng có hướng giải quyết vấn đề này thì ô nhiễm môi trường tại các vùng nông thôn sẽ được cải thiện đáng kể”, ông Trung phân tích.

Các gia trại, nông hộ chăn nuôi hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ sẽ rất thuận lợi để cung cấp nguồn phân để sản xuất phân bón hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Các gia trại, nông hộ chăn nuôi hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ sẽ rất thuận lợi để cung cấp nguồn phân để sản xuất phân bón hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Đó có lẽ cũng là lý do khiến Công ty Thương mại Quảng Trị lĩnh xướng việc sản xuất phân bón hữu cơ trong tương lai gần.

"Việc sản xuất phân bón hữu cơ hiện nay của chúng tôi chủ yếu để tự cung cấp trong các chuỗi liên kết với nông dân chứ chưa đủ cung ứng cho thị trường. Là doanh nghiệp, chúng tôi tìm kiếm lợi nhuận nhưng còn gì ý nghĩa hơn khi điều đó gắn với việc giải quyết những nỗi lo của người chăn nuôi và tạo ra một vòng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại Quảng Trị chia sẻ.

Theo ông Hiếu, đối tượng người chăn nuôi được hướng đến trong dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Công ty sẽ trực tiếp dùng máy cuộn thu mua rơm rạ, xé nhỏ, xử lý cùng với trấu và men vi sinh để cung cấp đệm lót sinh học cho các hộ chăn nuôi. Sau 1 chu kỳ chăn nuôi, toàn bộ chất thải này sẽ được Công ty thu mua để xử lý và sản xuất phân bón hữu cơ. Như vậy, sẽ giải quyết đầu vào lẫn đầu ra cho các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vấn đề ô nhiễm chăn nuôi tại các vùng nông thôn sẽ sớm có giải pháp.

Việc xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị sẽ giải quyết nỗi lo ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện nay. Ảnh: Võ Dũng.

Việc xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty Thương mại Quảng Trị sẽ giải quyết nỗi lo ô nhiễm môi trường chăn nuôi hiện nay. Ảnh: Võ Dũng.

“Chúng tôi đã khảo sát để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Các gia trại, nông hộ chăn nuôi khi hợp tác với chúng tôi sẽ không phải mất thời gian, chi phí dội rửa chuồng trại mà hoàn toàn chăn nuôi trên đệm lót. Nếu họ chăn nuôi hữu cơ, hướng hữu cơ thì càng tốt. Đây sẽ là điều kiện để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang trở thành xu hướng hiện nay”, ông Hồ Xuân Hiếu phân tích thêm.

Ngày 5/4/2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt kế hoạch triển khai đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đến năm 2050, Quảng Trị phấn đấu có 50% diện tích; 90% huyện, thành phố, thị xã sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Hiện nay, Công ty Thương mại Quảng Trị đang khảo sát xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ công suất 9 nghìn tấn/năm.

Võ Dũng

Giữ hồn cốt 'tiền chát hậu ngọt' của chè Tân Cương

Giữ hồn cốt 'tiền chát hậu ngọt' của chè Tân Cương

THÁI NGUYÊN Thay vì chạy theo sản lượng bằng các giống chè lai, nông dân tại xã Tân Cương, TP Thái Nguyên vẫn chung thủy lưu giữ và phát triển giống chè trung du bản địa.

Hợp tác xã liên kết hàng nghìn hộ thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ

Hợp tác xã liên kết hàng nghìn hộ thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ

TUYÊN QUANG Có 4 sản phẩm OCOP, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thổ Bình (huyện Lâm Bình) là một trong những hợp tác xã có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Tuyên Quang.

Làm lúa hữu cơ, lợi nhuận tăng 30% trở lên

Làm lúa hữu cơ, lợi nhuận tăng 30% trở lên

ĐỒNG THÁP Các mô hình sản xuất lúa hữu cơ ở huyện Tam Nông không chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận ít nhất 30% mà còn thân thiện với môi trường sinh thái.

Tây Ninh dành nhiều chính sách cho nông nghiệp hữu cơ

Tây Ninh dành nhiều chính sách cho nông nghiệp hữu cơ

Người nông dân Tây Ninh có thể làm giàu từ nông nghiệp, đó là mục tiêu Tây Ninh đặt ra dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Dâu tằm chuẩn hữu cơ hút khách du lịch

Dâu tằm chuẩn hữu cơ hút khách du lịch

Tây Ninh Từ kiến thức khi làm việc với người Nhật, anh Nguyễn Thanh Vũ đã bước chân vào nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, mở ra hướng đi mới trên đất Tây Ninh.

Xem Thêm