Thứ bảy, 23/11/2024 | 23:32 GMT +7
Lục bình hay còn được biết đến với những tên gọi khác như bèo tây, bèo Nhật Bản… là loài thủy sinh phổ biến ở miền Tây, có tốc độ sinh trưởng và phát triển rất nhanh, đặc biệt trong điều kiện thủy vực ô nhiễm hữu cơ và lưu thông nước kém do ảnh hưởng của dòng chảy sông Mê Kông và cống ngăn mặn.
Trong môi trường tự nhiên, lục bình có vai trò lọc nước, giúp giảm ô nhiễm môi trường do có khả năng hấp thụ những kim loại nặng như chì, thủy ngân. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng đã khiến lục bình mang đến nhiều phiền toái cho nông dân. Lục bình mọc um tùm, dày đặc, kín cả khúc sông làm cho ghe xuồng không thể lưu thông được.
Nhận thấy tiềm năng cây lục bình rất dồi dào ở vùng nông thôn, anh Lê Văn Khoa, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh phân hữu cơ truyền thống Lê Khoa ở ấp Mỹ Thị A, xã Mỹ An, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đã nghiên cứu tận dụng lục bình để sản xuất thành phân hữu cơ để phục vụ ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường.
Qua thời gian miệt mài nghiên cứu, anh Khoa bắt tay vào vừa sản xuất vừa nghiên cứu các quy trình sản xuất phân hữu cơ từ lục bình. Sau thời gian thử nghiệm, cuối năm 2020, anh Khoa đã có trong tay mẻ phân hữu cơ từ lục bình đầu tiên.
Tuy công việc ban đầu rất khó khăn, hơn 1 năm liền thất bại, sản phẩm làm ra không được tin dùng do quá mới mẻ nhưng anh vẫn quyết không từ bỏ và nghiên cứu thêm để hoàn thiện sản phẩm. Từ nguyên liệu là lục bình và hợp chất có sẵn trong vùng, anh xay nhỏ, phối trộn theo tỷ lệ nhất định, cấy các loại men vi sinh có lợi và ủ để tạo ra sản phẩm phân hữu cơ. Sau đó, anh tiếp tục thử nghiệm sản phẩm mới trên chính khu vườn cây ăn trái nhà mình và liên tục điều chỉnh công thức phối trộn để cho ra sản phẩm chất lượng nhất.
Đến cuối năm 2021, sản phẩm phân hữu cơ lục bình ra đời và bước đầu được thị trường đón nhận. Theo đó, sử dụng phân hữu cơ lục bình đã giúp cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho đất, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển tốt. Phân hữu cơ từ lục bình còn giúp cây dễ hấp thụ và hạn chế đổ ngã. Từ đó cây khỏe mạnh và giảm thiểu sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Đồng thời còn tiết kiệm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo vệ môi trường.
Đến nay, mỗi tháng anh Khoa cung ứng cho thị trường khoảng 7 - 8 tấn phân hữu cơ từ lục bình bón cho nhiều loại cây trồng, phân phối tại địa phương và các vùng lân cận như Tiền Giang, Bến Tre, An Giang...
Sản phẩm lục bình ủ của anh Khoa đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và hướng tới đạt chứng nhận sản phẩm OCOP.
Anh Khoa cho biết thời gian tới sẽ mở rộng xưởng sản xuất với quy mô tăng gấp 2 lần so với hiện tại nhằm cung cấp cho nhu cầu của nông dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời đầu tư thêm thiết bị máy móc, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm và nghiên cứu thêm các thành phần tốt hơn, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của nhiều loại cây trồng địa phương, góp phần nâng cao giá trị nông sản.
Trước tình trạng lục bình phát triển vượt tầm kiểm soát, ở một số địa phương ở ĐBSCL đã sử dụng thuốc diệt cỏ phun xịt để tận diệt lục bình, giải tỏa mặt sông. Việc làm này được cho là ít tốn kém, hiệu quả nhanh, nhưng đồng thời lại mang đến nhiều nguy hại cho cả môi trường và sức khỏe con người.
Theo nhiều người dân cho biết, sau khi phun khoảng 5 ngày, lục bình sẽ khô héo, nước đen và hôi thối. Sau đó phải xịt thêm một lần nữa lục bình mới thối rữa và chết hẳn. Trong điều kiện nguồn nước sông xuống thấp như hiện nay, một khi phun thuốc khai hoang diệt lục bình sẽ khiến cho nhiều loại cá đồng bị tận diệt theo. Ngoài ra, hành động này mang đến một mối nguy hại khác còn lớn hơn, đó là ô nhiễm nguồn nước, hủy hoại môi trường và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, Phó Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất 2,4D được nông dân ĐBSCL dùng để trừ cỏ lúa. Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất độc hại đối với sức khỏe con người. 2,4D có cấu tạo phân tử mạch vòng gần giống với chất độc da cam. Đáng lo ngại hơn, hiện nay các loại thuốc trừ cỏ chứa hoạt chất 2,4D có nguồn gốc không rõ ràng được bán rất nhiều, giá rẻ. Việc phun xịt loại thuốc này xuống sông để diệt lục bình là phản khoa học, có thể không gây tác hại tức thì nhưng về lâu dài thì rất khó lường.
Hiện nay có nhiều giải pháp để sử dụng lục bình vừa mang lại giá trị cao vừa bảo vệ môi trường như thu hoạch cây lục bình để làm đồ thủ công mỹ nghệ, dùng lục bình làm phân hữu cơ, làm giá thể trồng cây… Vì vậy, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tuyên truyền về vai trò, giá trị của lục bình, các giải pháp sử dụng lục bình để hạn chế việc người dân tự ý diệt lục bình bằng thuốc diệt cỏ gây ra những hậu quả khó lường.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.