Chủ nhật, 24/11/2024 | 03:16 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 06:45, 21/05/2024

Biến đất hoang thành nông trại sản xuất rau sạch

Nữ kỹ sư 9x ở Hà Tĩnh vừa sản xuất rau, củ, quả sạch, vừa phát triển cánh đồng thành địa điểm trải nghiệm cho du khách, lan tỏa ước mơ 'sống xanh'.

Những ngày hè oi ả, hoạt động sản xuất nông nghiệp vất vả hơn bao giờ hết. Trên cánh đồng rộng gần 2ha ở thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), nữ kỹ sư Trần Thị Hằng (31 tuổi) phơi mình giữa cái nắng 37 – 38 độ C để thu hoạch rau, củ, quả bán cho khách.

Nữ kỹ sư Trần Thị Hằng. Ảnh: TN.

Nữ kỹ sư Trần Thị Hằng. Ảnh: TN.

Là cô gái xinh đẹp, trắng trẻo nhưng sau bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làn da Hằng đã rám nắng và đôi tay cũng dần chai sạn. Dù vậy, cô gái 9x luôn cảm thấy vui, hạnh phúc vì đã thỏa ước mơ "sống xanh" và làm được những điều tử tế cho đời.

Hằng tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, chuyên ngành Kỹ sư Bảo vệ thực vật (Khoa Nông học) vào năm 2015. Rời ghế giảng đường, cô gái trẻ đi làm cho một số trang trại trồng rau sạch ở Đà Nẵng và Quảng Nam để lấy kinh nghiệm. Năm 2017, cô trở lại Huế làm kỹ sư nông nghiệp cho một nông trại. Công việc mang lại thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Hằng quyết định rời xứ Huế trở về quê hương Hà Tĩnh thực hiện ước mơ sở hữu một nông trại xanh, trồng ra nhiều loại rau, quả sạch đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

“Quyết định về quê lập nghiệp khi đó khiến người thân ngỡ ngàng. Có người ủng hộ, có người không bởi ai cũng nghĩ tôi là con gái, một mình làm nông nghiệp sẽ rất vất vả”, Hằng chia sẻ.

Nông trại 'Vườn nàng thơ' sản xuất nông nghiệp sạch trong nhà lưới và ngoài trời. Ảnh: Thanh Nga.

Nông trại "Vườn nàng thơ" sản xuất nông nghiệp sạch trong nhà lưới và ngoài trời. Ảnh: Thanh Nga.

Năm 2019, Hằng cụ thể hóa hoài bão của mình khi cùng với một người bạn thuê và khai hoang mảnh đất rộng hơn 1ha ở thôn Đông Xuân, xã Thạch Xuân, huyện Thạch Hà. Tại đó, cả hai đã trồng rau củ, nuôi gà, thả cá. Đến năm 2021, khi thấy khu đất tại thôn Liên Hương, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà rộng gần 2ha nhưng bỏ hoang lãng phí nên Hằng đã đề xuất ý tưởng với chính quyền địa phương và thuê lại để làm nông trại.

“Sau khi được chấp thuận, tôi tự tay khai hoang, làm cỏ, trồng các loại rau, củ, quả theo mùa như su hào, cà rốt, bắp cải; các loại đậu, bầu, bí; dưa hấu, dưa lưới, dưa chuột; rau gia vị… Tất cả sản phẩm đều được sản xuất theo hướng hữu cơ, không phun thuốc BVTV, chỉ sử dụng các loại phân bón vi sinh nhằm bảo vệ môi trường”, Hằng nói.

Ngoài làm rau sạch, Hằng còn tự tay làm xích đu, khu check-in cho giới trẻ, điểm nướng BBQ (bếp nướng dã ngoại), không gian thưởng thức cà phê, nước ép hoa quả giữa thiên nhiên. Cô gái đặt tên cho nông trại của mình là "Vườn nàng thơ".

'Phiên chợ gánh' giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản sạch. Ảnh: TN.

"Phiên chợ gánh" giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản sạch. Ảnh: TN.

Nữ kỹ sư chia sẻ, trên chặng đường của mình, không phải mọi thứ cô trải qua đều thuận lợi. Ngày đầu khởi nghiệp, từ hai bàn tay trắng, cô vay gần 300 triệu đồng để hoàn thiện hạ tầng. Trong quá trình trồng rau, quả ngoài trời, do không phun thuốc BVTV nên khi bị sâu bệnh, côn trùng phá hoại phải làm lại từ đầu...

Khó khăn hơn nữa là vào mùa mưa, mảnh đất nơi xây dựng nông trại thường bị ngập lụt. Để khắc phục, Hằng xác định toàn bộ sản phẩm phải thu hoạch xong trước tháng 10 hằng năm, khi mùa lũ đến để nước ngập hết diện tích đất sản xuất, tận dụng phù sa sau lũ nhằm tăng độ phì nhiêu cho đất. Trong thời gian đó, cô tranh thủ ươm giống ở khu vực đất cao, đợi hết ngập lụt lại cải tạo trồng trọt vụ mới.

Sau hơn 3 năm nỗ lực, nông trại đã mang lại cho Hằng một khoản thu nhập ổn định. Cô kỹ sư không tiết lộ con số cụ thể mà nói đó là niềm an ủi lớn để động viên cô phát triển nông trại từng bước. Cụ thể, sau này, Hằng muốn trồng trọt quy mô lớn trong nhà lưới và đưa nơi đây thành điểm tham quan, trải nghiệm hữu ích cho mọi người.

Các sản phẩm rau, củ, quả sạch sản xuất tại nông trại. Ảnh: Thanh Nga.

Các sản phẩm rau, củ, quả sạch sản xuất tại nông trại. Ảnh: Thanh Nga.

Nhìn “Vườn nàng thơ” xanh mát, nhiều người cảm phục nghị lực của cô gái trẻ. Dù đang trên đà xây dựng thương hiệu nông sản nhưng Hằng đã tạo nên thương hiệu cá nhân đầy thú vị, lan tỏa trong những người trẻ lòng nhiệt huyết, tinh thần yêu thiên nhiên, dám nghĩ, dám làm.

Từ ý tưởng kết hợp sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch, đến nay, mô hình của Hằng đã đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan và thu hoạch tại vườn. Đối tượng chủ yếu thanh niên, các gia đình công nhân, viên chức và các em nhỏ.

Theo Hằng, cứ cuối tuần, vào ngày nghỉ, ngày lễ, các gia đình ở TP Hà Tĩnh lại đưa con em đến để tự trải nghiệm cuộc sống của nông dân, hòa mình với thiên nhiên. Đây là hoạt động giải trí rất bổ ích, thiết thực, giúp du khách thư giãn và lấy lại tinh thần cho một tuần làm việc mới.

Du khách trải nghiệm ẩm thực tại nông trại. Ảnh: TN.

Du khách trải nghiệm ẩm thực tại nông trại. Ảnh: TN.

Lãnh đạo UBND xã Thạch Đài đánh giá, mô hình sản xuất nông nghiệp sạch kết hợp du lịch trải nghiệm của kỹ sư Trần Thị Hằng đã “hồi sinh” những thửa đất khó khăn trong canh tác, phải để hoang hóa của các hộ dân thành những luống rau, củ, quả, hoa xanh mướt, an toàn với sức khỏe con người. Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Hằng trong việc vay vốn để hoàn thành những dự án phát triển trong tương lai.

Có trong tay sản phẩm nông nghiệp sạch để quảng bá, từ năm 2023, Hằng cùng các cộng sự đã tổ chức phiên “Chợ gánh” nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch. Dự tính, từ năm 2024, phiên chợ này sẽ duy trì mỗi tháng một lần.

Thanh Nga

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm