Thứ tư, 11/12/2024 | 22:17 GMT +7
Dưới chân núi Pù Lầu, thôn Phiêng Phàng (xã Yến Dương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) như nét chấm phá trong bức tranh vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ, nguồn nước mát lạnh, có thác nước, rừng trúc, nơi đây còn được biết đến nhờ danh tiếng của giống lúa nếp Tài độc nhất vô nhị.
"Chính dòng nước mát lạnh, không khí trong lành đã làm nên những hạt gạo nếp Tài với hương vị đặc trưng riêng biệt", bà Triệu Thị Mản, Bí thư chi bộ thôn Phiêng Phàng nói vậy.
Giống lúa nếp Tài không biết đã có từ bao giờ, từ nhỏ bà Mản đã thấy người dân trong bản trồng. Ngày trước bà con chủ yếu trồng để ăn, cuối năm thừa mới đem bán chút ít. Gạo nếp Tài là nguyên liệu không thể thiếu để làm bánh, đồ xôi trong những ngày lễ, Tết. Vì lẽ đó, lúa nếp Tài gắn bó với bà con, chất chứa tâm hồn dân bản.
Thời gian trôi đi, đến mùa lại cấy, thu hoạch, giống lúa nếp Tài vẫn âm thầm tồn tại. Nhưng sẽ không có gì để nói nhiều nếu không có bước ngoặt vào năm 2018, đưa giống lúa nếp này lên tầm cao mới.
Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Yến Dương vẫn còn nhớ, lúc đó HTX nhận thấy tiềm năng của loại lúa nếp này nên đã lặn lội lên bản bàn với bà con trồng lúa nếp Tài hữu cơ. Khởi đầu vô cùng gian nan, bà con quen lối canh tác truyền thống, khi nói làm hữu cơ họ cũng chỉ hiểu mơ hồ.
Hết vận động rồi ra thực địa, ai cũng hoài nghi, làm lúa hữu cơ sẽ như thế nào, bán có ai mua không, giá có cao hơn trồng bình thường không...? Đó là những câu hỏi không chỉ dân bản mà bản thân chị Ninh cũng chưa dám khẳng định vào thời điểm đó. Nhưng không làm làm sao biết được, vậy là vụ đầu tiên vài hộ tham gia trồng thử nghiệm.
Ở bản người Dao này, chị Mản, Bí thư chi bộ thôn Phiêng Phàng cũng là một trong những người tiên phong trồng lúa nếp Tài hữu cơ.
Trước đây, lúa đến mùa thu hoạch tốt um tùm, nhưng chỉ tốt lá, chứ bông ít, lại nhiều sâu bệnh, trồng 1.000m2 chỉ được vài bao thóc, đủ ăn chứ nói gì đến bán. Thời điểm đó, bà Mản cũng không biết nguyên nhân gì khiến lúa năng suất thấp.
Rồi đến khi trồng lúa hữu cơ, được tập huấn, bà Mản mới nhận ra, bà con bón phân chuồng nhưng không ủ, mạ cấy hàng chục dảnh một khóm cộng với phương pháp canh tác lạc hậu nên làm nhiều nhưng thu hoạch chả được bao nhiêu.
Bón phân chuồng tươi thu hút sâu bệnh, cây phát triển rất tốt nhưng lá um tùm, ít bông lúa, hạt không chắc mẩy.
Vậy là vụ đầu tiên trồng theo hướng hữu cơ, bà Mản phải thay đổi, thay vì bón phân chuồng tươi, bà được hướng dẫn ủ phân với chế phẩm vi sinh, một tháng sau mới đem bón.
Khi cấy, thay vì năm bảy dảnh một khóm, bà Mản được hướng dẫn chỉ cấy một dảnh, sau này cây sẽ tự nhân lên. Đến lúc này, bà Mản và một số hộ cùng làm bắt đầu nhận ra ưu điểm khi canh tác theo kỹ thuật mới. Nhưng chưa thu hoạch thì tất cả chỉ là trên lý thuyết.
Đổ mồ hôi rồi cũng đến ngày thu hoạch, vụ đầu tiên, nhìn đồng lúa rợp màu vàng, bà con đã cảm nhận được sự thay đổi. Thay vì tốt lá, những bông lúa đã trĩu hạt, vàng rực cả một góc trời.
Chị Ninh cũng thở phào nhẹ nhõm, vụ đầu tiên vậy là thành công, chứ nếu mà hỏng thì biết bao giờ mới vận động được dân bản làm theo, cũng không có vùng trồng nếp Tài nổi danh như hôm nay.
Đã 6 năm trôi qua, những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nếp Tài ở Phiêng Phàng ngày nào giờ đã khoác lên tấm áo mới. Đến Phiêng Phàng những ngày đầu tháng 11, bà con đang tất bật thu hoạch lúa nếp Tài, tiếng cười nói rộn cả bản làng.
Nhìn cánh đồng trĩu hạt, bà Mản và người dân trong thôn bây giờ đã không còn nghi ngờ hiệu quả trồng lúa hữu cơ nữa. Vụ này lúa tốt, năng suất cao, nhiều gia đình có thêm thu nhập.
“So với trước đây, trồng lúa hữu cơ cho hiệu quả cao gấp 2 đến 3 lần, trước chỉ đủ ăn, giờ đã trở thành hàng hóa. Lúc đầu cứ nghĩ không thể làm được nhưng dần rồi cũng quen, bây giờ trong thôn ngày càng nhiều người làm, quy trình cũng không quá phức tạp, nếu chịu khó đi tập huấn là có thể làm được”, bà Mản cho hay.
Ở không xa ruộng của bà Mản, chị Triệu Thị Tâm cũng đang tất bật cắt từng bông lúa. Thu hoạch lúa nếp tài không dùng máy móc, công cụ duy nhất là một lưỡi sắt nhỏ sắc nhọn được gắn vào miếng gỗ (người bản địa gọi là cái Hép).
Vừa thu hoạch, chị Tâm phấn khởi cho biết, lúa năm nay không có sâu bệnh, hạt đẹp, chắc mẩy nên bà con rất vui, từ chỗ chỉ lo đủ ăn, nay người Dao ở Phiêng Phàng đã nghĩ cách vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương với giống lúa nếp Tài đặc sản.
Vụ sản xuất năm nay, bên cạnh niềm vui được mùa, trên những thửa ruộng bậc thang dưới chân núi Pù Lầu, bà con còn vui hơn khi lúa nếp Tài bán được giá cao, nhiều nhà có thêm của ăn của để.
Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương cho biết, sau nhiều năm trồng lúa theo quy trình hữu cơ, năng suất đã nâng lên rõ rệt. Khi chưa thực hiện quy trình trồng lúa hữu cơ năng suất chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/ha, đến nay trung bình đã đạt 4,2 tấn/ha.
Trước đây bà con phải mang gạo đi bán ở chợ, giá rẻ, phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương. Hiện nay, theo quy trình liên kết, HTX Yến Dương thu mua toàn bộ gạo nếp Tài với giá 20.000 đồng/thóc, 30.000 đồng/kg gạo trở lên. Trồng lúa hữu cơ, bà con chủ yếu dùng phân chuồng đã ủ và các loại phân hữu cơ tại chỗ nên giảm được chi phí. Với giá thu mua này, bà con có lợi nhuận cao.
Năm nay, niềm vui của bà con ở Phiêng Phàng cũng như HTX Yến Dương được nhân lên khi ngày 3/10/2023, quy trình trồng và sản phẩm gạo nếp Tài đã được Tổng cục Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đạt tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ. Sản phẩm đã được đánh giá và xác nhận phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017; TCVN 11041-2:2017; TCVN 11041-5:2018.
Xuất phát điểm từ lối canh tác lạc hậu, nhỏ lẻ, việc đạt chuẩn hữu cơ như một kỳ tích ở bản người Dao này. Điều này cũng chứng minh, khi có sự tham gia liên kết chặt chẽ với HTX, được hướng dẫn kỹ thuật, nông dân hoàn toàn có thể đáp ứng theo quy trình sản xuất khắt khe.
Sản phẩm gạo nếp Tài của HTX Yến Dương cũng đã đạt OCOP 3 sao, hiện nay HTX Yến Dương đang hướng đến đạt OCOP 4 sao. Tuy nhiên, HTX không phát triển về số lượng mà tập trung nâng cao chất lượng để tạo ra sản phẩm đặc hữu, chất lượng cao, hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp.
Sản phẩm gạo nếp Tài cũng đang trong giai đoạn chuyển đổi để đáp ứng tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản cho trồng trọt hữu cơ và chứng nhận sản xuất thực vật hữu cơ.
“Khi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản, sẽ mở ra cơ hội đưa gạo nếp Tài xuất khẩu. Đây là mục tiêu mà HTX cùng bà con đang phấn đấu. Việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản đã được bắt đầu từ 6/2022, thời gian thực hiện trong 24 tháng. Như vậy nếu làm tốt thì đến tháng 6/2024, sản phẩm có thể đáp ứng những tiêu chí khắt khe về nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản”, chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương Ninh cho biết.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.
QUẢNG NINH Anh Đại nghĩ, các cụ hồi xưa chỉ sử dụng phân chuồng mà cây vẫn tươi tốt, cho năng suất cao, đất đai màu mỡ... nên quết tâm chuyển sang sản xuất hữu cơ.