Chủ nhật, 15/12/2024 | 16:43 GMT +7
Thời gian qua, TP Hải Phòng đã có những chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy vậy, đến nay mới có 40ha sản phẩm được chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia và việc xuất khẩu những sản phẩm này còn rất hạn chế.
Đáng lưu ý, trong số diện tích 40ha sản phẩm được công nhận hữu cơ chủ yếu là lúa, chưa ghi nhận đơn vị, tổ chức cá nhân trồng rau hoặc trồng cây ăn quả được công nhận sản phẩm hữu cơ.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Hải Phòng, sản xuất rau trên địa bàn thành phố hiện tại chủ yếu theo hướng hữu cơ, chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký và được đánh giá, cấp chứng nhận sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Cụ thể, diện tích gieo trồng rau theo hướng hữu cơ toàn thành đạt khoảng gần 72,4 ha. Một số mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ điển hình như: Xã An Thọ, An Tiến (An Lão); xã Tú Sơn, xã Thụy Hương, xã Ngũ Phúc, xã Thanh Sơn (huyện Kiến Thụy); xã An Hưng (huyện An Dương); xã Quang Phục, xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng); xã Hùng Tiến, xã Thắng Thủy, xã Tân Hưng (huyện Vĩnh Bảo)...
Với cây ăn quả, trên địa bàn TP Hải Phòng cũng chưa ghi nhận tổ chức cá nhân nào triển khai sản xuất cây ăn quả được chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Hiện tại, toàn TP Hải Phòng mới ghi nhận một số vùng trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ cụ thể như: Ổi tại xã Trường Thành có 3 ha, thanh long tại xã Bát Trang, huyện An Lão có 3 ha.
Trên thực tế, sản xuất hữu cơ đòi hỏi có quy mô sản xuất theo vùng, tính liên kết cao giữa các hộ sản xuất trong vùng và quy trình sản xuất khắt khe, các loại vật tư đầu vào phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Về đất đai và nguồn nước phải đáp ứng yêu cầu trong khi môi trường đất và nước đang bị ảnh hưởng bới quá trình sản xuất phi hữu cơ trong một thời gian dài trong khi đó, nông dân đang quen việc canh tác truyền thống sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hoá học.
Bên cạnh đó, khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đặc biệt giai đoạn đầu mới thực hiện, người sản xuất gặp khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh do áp lực sâu bệnh còn cao; cân bằng sinh thái môi trường đất, nước, thực vật đã bị phá vỡ do canh tác không an toàn, mất cân đối trong nhiều năm trước. Vì vậy cần thời gian để thiết lập, khôi phục lại hệ sinh thái ban đầu.
Ghi nhận từ những đơn vị đã có sản phẩm được công nhận hữu cơ cho thấy, thông thường sản xuất hữu cơ năng suất giảm trong đó chi phí nhân công tăng dẫn đến giá thành sản xuất cao.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm có hình thức không đẹp, không bắt mắt như: vết sâu ăn, đốm bệnh… cũng ảnh hưởng đến giá cả của sản phẩm trên thị trường.
Điều này chưa tính đến thu nhập của một bộ phận người dân vẫn ở mức trung bình, thì việc bỏ tiền để mua sản phẩm hữu cơ với giá cao hơn 25-30% thì cũng không dễ dàng.
Một điểm đáng lo ngại nữa đó là trên thị trường vẫn còn hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
“Phần lớn các doanh nghiệp và hộ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có quy mô sản xuất còn nhỏ, việc đầu tư sản xuất chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ. Về tổng thể, chưa có quy hoạch hay định hướng đối tượng cũng như thị trường cho sản phẩm hữu cơ”, anh Nguyễn Mạnh Hùng, một người trồng dưa theo hướng hữu cơ ở An Lão chia sẻ.
Xu hướng chuyển đổi tư nền nông nghiệp hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay.
Thực tế phát triển nông nghiệp hữu cơ đã và đang gia tăng liên tục trong những năm qua và có xu hướng tiếp tục tăng cao.
Hải Phòng là một trong địa phương tiếp cận và triển khai các mô hình canh tác hữu cơ sớm, ngoài những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai và nguồn nước thì các cấp, các ngành luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm.
UBND TP Hải Phòng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời về phát triển nông nghiệp hữu cơ, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
Trong số đố, đáng chú ý là Quyết định số 30 ngày 11/11/2020 UBND TP Hải Phòng quy định về canh tác hữu cơ trên địa bàn, Nghị quyết số 15 ngày 10/2/2021 của HĐND TP Hải Phòng về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.
Tuy nhiên, để nông nghiệp hữu cơ thật sự phát triển mạnh mẽ, chắc chắn sẽ đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội và hơn hết là sự chỉ đạo của các cấp chính quyền trong khâu quy hoạch, ban hành chính sách.
Đặc biệt, cần sớm hoàn chỉnh, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể về các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm về sản xuất hữu cơ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân phải sâu rộng hơn, vì mục tiêu bảo đảm sức khỏe cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường bền vững.
Từ ngày 6 - 8/12, tại Trung tâm Thương mại GO! Thăng Long, Central Retail Việt Nam tổ chức Tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản tỉnh Yên Bái năm 2024.
HÀ TĨNH Chưa năm nào giá cam giòn ở Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cao như năm nay. Đầu vụ, hiện giá cam giòn từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
ĐẮK NÔNG Từ nhiều năm nay, vườn tiêu của ông Hùng luôn đạt chuẩn hữu cơ do Tổ chức Control Union Hà Lan tại Việt Nam thẩm định, được thu mua giá cao hơn thị trường 25%.
HÀ TĨNH Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang ngày đêm đỏ lửa nấu mật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Làm sao để đồ xôi thơm ngon, dẻo, hạt xôi căng bóng như ngoài hàng? Bạn nhất định phải 'bỏ túi' một số bí quyết dưới đây!
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.