Thứ sáu, 13/12/2024 | 17:00 GMT +7
Chất thải chăn nuôi khó xử lý, phần lớn thải ra môi trường gây ô nhiễm là vấn đề nan giải của các hộ chăn nuôi vừa và nhỏ khi chi phí đầu tư và vận hành hệ thống xử lý chất thải là rất lớn.
Là thành viên HTX Nông nghiệp Tiên Phong (xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, Thái Nguyên), trang trại của anh Lộc Văn Tịnh có quy mô 14.000 con gà lông màu và 170 con lợn (150 lợn thịt và 20 lợn nái), lượng chất thải mỗi tháng từ gà và lợn lên tới gần 30 tấn.
Trước các yêu cầu ngày càng khắt khe về xử lý chất thải trong chăn nuôi, trong khi bản thân chưa đủ khả năng để đầu tư hệ thống xử lý đạt chuẩn, anh Tịnh đã tự tìm hiểu và triển khai phương pháp xử lý phân hữu cơ bằng các chế phẩm vi sinh.
“Trước kia, để xử lý vấn đề chất thải, mình thường bán phân tươi cho các hộ dân cùng xã với giá 500 - 600 đồng/kg. Sau thời gian dài sử dụng, mình nhận thấy việc bán phân tươi không chỉ có giá thấp mà cây trồng bón phân tươi cũng gặp nhiều bệnh do phân chưa qua xử lý, chứa amoniac và các nấm bệnh, vi khuẩn, có mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường”, anh Lộc Văn Tịnh cho hay.
Nhược điểm khác khi thu phân tươi theo anh Tịnh là chuồng trại mất vệ sinh, gà vì thế cũng mắc nhiều bệnh, việc thu gom phân tươi cũng khó khăn do mùi hôi thối và phải thực hiện thường xuyên.
Để tạo ra phân gà ủ vi sinh, anh Tịnh sử dụng lớp đệm lót sinh học trên bề mặt chuồng bao gồm các nguyên liệu trơ, không bị nhũn nước như trấu, cám gạo… kết hợp cùng hệ vi sinh vật có lợi như Emuniv, Trichoderma…
Trấu sạch trộn cám gạo được rải trên sàn chuồng 10cm (nền đã rải vôi khử trùng) và tạo ẩm để cấy vi sinh vào nền trấu. Các chất thải như phân, nước tiểu của gà hoặc thức ăn thừa rơi vãi trên nền chuồng sẽ được tập đoàn vi sinh xử lý trước khi chúng kịp phân hủy thành các chất gây mùi hôi thối, hạn chế các mầm bệnh nguy hiểm.
Đặc biệt, khả năng tiêu hóa, hấp thụ thức ăn của gà được cải thiện tốt hơn mà không cần trộn các chất kích thích do gà đã được ăn một số vi sinh vật có lợi sẵn có trong lớp đệm sinh học. Mặt khác, quá trình đào xới lớp đệm lót còn giúp gà được vận động nhiều, không bị stress so với nuôi trên nền bê tông cứng.
Cứ 10 - 13 ngày rải thêm trấu vào đệm lót và bảo dưỡng, đảm bảo đệm lót thông thoáng, thoát ẩm tốt, khô ráo và kiểm soát tốt các khí độc như NH3 và H2S. Ra phân sau 3 tháng rồi đưa phân vào bãi ủ tập trung. Trong quá trình ủ, 10 ngày đảo phân 1 lần.
Đối với phân lợn, anh Tịnh trộn phân tươi với các loại mùn hữu cơ với tỷ lệ 1:1. Tương tự như phân gà, ủ phân lợn cũng sử dụng các chế phẩm vi sinh có lợi giúp phân hủy nhanh các chất hữu cơ, biến các chất khó tiêu tạo thành các chất dễ tiêu để cây trồng dễ hấp thụ. Sau 3 tháng, khi phân đã chuyển sang màu nâu đen, tơi xốp, thoảng mùi tanh nồng là có thể sử dụng được.
Nhờ phân ủ vi sinh, trang trại của anh Tịnh không chỉ giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra nguồn thu ổn định nhờ việc bán phân hữu cơ vi sinh với giá khoảng 1.200 đồng/kg - cao gấp đôi so với bán phân tươi trước đây.
Để xem hiệu quả cây trồng khi được bón phân ủ vi sinh, không phải đi đâu xa, có thể kiểm chứng chính cánh đồng mướp đắng rừng (khổ qua rừng) của HTX Nông nghiệp Tiên Phong (xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, Thái Nguyên) rộng 0,7ha đang sử dụng phân bón hoàn toàn từ phân ủ vi sinh từ trang trại anh Lộc Văn Tịnh. Kể từ khi bà con trong HTX chuyển hoàn toàn sang sản xuất mướp đắng và một số cây dược liệu bằng phân hữu cơ vi sinh, cây mướp chống chịu sâu bệnh tốt hơn, cho thu hoạch bền hơn, quả chắc, khi phơi sấy khô thơm hơn, chất lượng tăng rõ rệt...
Việc sản xuất hữu cơ cũng giúp sản phẩm cây dược liệu của HTX hoàn toàn yên tâm về vấn đề dư lượng hóa chất, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ làm dược liệu.
Theo các bà con xã viên, tuy chi phí sản xuất mướp đắng rừng hữu cơ bằng phân ủ vi sinh cao hơn so với canh tác truyền trống nhưng chất lượng mướp cải thiện hơn đáng kể và nhận được sự đón nhận lớn từ người tiêu dùng.
Một ưu điểm khác của phân ủ vi sinh đối với cây mướp hữu cơ là dinh dưỡng của phân được cung cấp trực tiếp cho cây trồng. Bón phân hôm nay, qua ngày hôm sau là cây trồng đã hấp thụ được dinh dưỡng của phân ngay.
Không chỉ đem lại thu nhập cao cho gia đình, anh Tịnh còn tạo việc làm cho 4 - 5 lao động địa phương thực hiện quá trình ủ phân hữu cơ vi sinh với tiền công từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.