Thứ tư, 24/04/2024 | 04:56 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 08:05, 13/07/2022

'Tái thiết' cây có múi Hòa Bình từ nền móng hữu cơ

HÒA BÌNH Trả giá đắt cho giai đoạn 'phát triển nóng', Hòa Bình đang tái thiết lại sản xuất cây ăn quả có múi, với nền tảng căn bản là giải pháp sản xuất hướng hữu cơ.

Hệ lụy lạm dụng phân, thuốc hóa học

Hòa Bình có diện tích sản xuất cây ăn quả có múi lớn, chiếm trên 5% diện tích của cả nước. Những năm qua, diện tích cây ăn quả có múi của Hòa Bình không ngừng tăng. Đến năm 2020, diện tích đạt khoảng 11.500ha, trong đó diện tích kinh doanh khoảng 7.400ha.

'Phát triển nong', chạy theo năng suất bằng mọi giá đã đẩy nhiều vùng cây có múi của Hòa Bình vào tàn lụi. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Phát triển nong", chạy theo năng suất bằng mọi giá đã đẩy nhiều vùng cây có múi của Hòa Bình vào tàn lụi. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đến nay, sau quá trình phát triển tăng nhanh diện tích và sản lượng, cây ăn quả có múi đã nảy sinh những vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của sản phẩm này, cần thiết phải thay đổi.

Ví dụ tại huyện Cao Phong, do quá trình canh tác lâu năm, lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc BVTV hoá học… đã khiến nhiều diện tích đất chai cứng, mất kết cấu; hệ vi sinh vật đất nghèo nàn, tích lũy nhiều nguồn sâu bệnh, có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu phát triển bền vững cây ăn quả có múi.

Do đó, Đề án tái canh cây ăn quả có múi được xác định là tổ chức lại sản xuất, với vai trò nòng cốt là doanh nghiệp, HTX có liên kết chặt chẽ với các hộ sản xuất, theo chuỗi giá trị, khép kín, đồng bộ, bền vững từ phát triển vùng nguyên liệu tới sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu của Đề án là tập trung tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt trên quy mô khoảng 1.500ha.

Sang giai đoạn 2026 – 2030, mở rộng diện tích thực hiện tái canh cây ăn quả có múi đối với diện tích còn lại của huyện Cao Phong và các huyện trồng cây ăn quả có múi tập trung của tỉnh (Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Sơn) với quy mô tổng diện tích trên 4.500 ha.

Nhiều diện tích cam tại Cao Phong (Hòa Bình) đã nhiễm bệnh, 'vô phương cứu chữa' do dịch bệnh và chịu hậu quả của giai đoạn dài lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nhiều diện tích cam tại Cao Phong (Hòa Bình) đã nhiễm bệnh, "vô phương cứu chữa" do dịch bệnh và chịu hậu quả của giai đoạn dài lạm dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phục hồi, tạo nguồn "đất sạch"

Theo Đề án Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh này sẽ tập trung tái canh trên địa bàn huyện Cao Phong với cây cam, quýt quy mô khoảng 1.500ha.

Trong 9 nhóm giải pháp được Hòa Bình đưa ra, có việc tập trung nguồn giống sạch bệnh và nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, tái canh cây có múi. Bênh cạnh đó, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất, tạo quỹ đất sạch nguồn sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi, đồng thời đẩy mạnh chế biến, xúc tiến thương mại…

Trong giải pháp về giống, đến nay tỉnh đã công nhận được 227 cây đầu dòng của 9 giống cây có múi đang trồng phổ biến trong tỉnh (cam Xã Đoài cao, cam Xã Đoài lùn, CS1 (cam lòng vàng), cam BH (cam Marrs) cam Canh, quýt Ôn Châu, quýt Hà Giang, quýt Miên Đồi, bưởi đỏ).

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình, số lượng cây đầu dòng này có khả năng cung cấp trên 350 ngàn mắt ghép/năm làm vật liệu nhân giống. Hàng năm, các cây đầu dòng được Sở NN-PTNT kiểm tra về sinh trưởng phát triển và tình hình sâu bệnh.

Hòa Bình đang phải lấy lại sự cân bằng cho hệ sinh thái trong sản xuất cây có múi thông qua giải pháp phục hồi lại hệ sinh thái đất. Ảnh: Tùng Đinh.

Hòa Bình đang phải lấy lại sự cân bằng cho hệ sinh thái trong sản xuất cây có múi thông qua giải pháp phục hồi lại hệ sinh thái đất. Ảnh: Tùng Đinh.

Tỉnh cũng đã tiếp nhận và đưa vào sử dụng hệ thống nhân giống 3 cấp đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia tại Trung tâm Giống cây trồng - Vật nuôi và Thủy sản của tỉnh gồm vườn cây S0, S1 và hệ thống nhà lưới trồng cây S2. Hệ thống nhân giống 3 cấp này đáp ứng đủ nhu cầu về giống cây ăn quả có múi của tỉnh. Đến nay, hệ thống này đã gieo được khoảng 3 vạn cây gốc ghép (từ hạt bưởi chua), dự kiến sẽ bắt đầu ghép mắt từ tháng 6/2022 và từ tháng 8/2022 sẽ có cây giống đủ tiêu chuẩn cung cấp cho sản xuất.

Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Hòa Bình cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý, khai thác cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả lâu năm trên địa bàn tỉnh.

Để tái canh cây có múi, Hòa Bình cũng đẩy mạnh tạo quỹ đất sạch phục vụ tái canh cây có múi tại huyện Cao Phong. Cụ thể, tổ chức lại sản xuất đối trên diện tích cam già cỗi, hết chu kỳ khai thác bằng các giống cây trồng ngắn ngày như cây đậu đỗ, cây ngô sinh khối, cây chuối…

Hiện nay, một số mô hình sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ của Hòa Bình đã bước đầu đi vào ổn định, dần lan tỏa ra sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Hiện nay, một số mô hình sản xuất cây có múi theo hướng hữu cơ của Hòa Bình đã bước đầu đi vào ổn định, dần lan tỏa ra sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Đến nay, đã có khoảng 780ha cây có múi được trồng luân canh cây trồng khác để cải tạo đất với thời gian luân canh từ 2 - 4 năm. Hầu hết diện tích trồng luân canh đều được hỗ trợ kết nối trong khâu tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng sản phẩm.

Sở NN-PTNT Hòa Bình cũng phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, các cơ quan liên quan xây dựng giải pháp kỹ thuật cải tạo đất, tạo quỹ đất sạch sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi. Giải pháp này sẽ sớm được đánh giá, hoàn thiện và thông tin rộng rãi đến các địa phương, cơ sở và người sản xuất cây có múi...

Cắt đứt nguồn bệnh, phục hồi hệ sinh thái

Bên cạnh những hạng mục đã hoàn thành, Đề án Tái canh cây có múi của tỉnh Hòa Bình cũng đang gặp không ít khó khăn. 

Với việc cải tạo đất, hiện nay việc luân canh cây trồng khác để cải tạo đất đã được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên để khẳng định được đất sau luân canh đã đủ điều kiện trồng lại cây có múi hay chưa thì cần có đủ cơ sở khoa học bằng việc lấy mẫu để phân tích, đánh giá mức độ tồn dư của sinh vật hại trong đất. Mặt khác, sẽ cần giải pháp xử lý, cải tạo tiếp theo đối với những diện tích đất chưa đảm bảo sạch sâu bệnh để trồng tái canh.

Để giải quyết được những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, ông Đinh Công Sứ đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất nguồn vốn có tính chất ngân sách nhà nước và xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện Đề án. Trong đó, tập trung nội dung hỗ trợ về cây giống sạch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, hỗ trợ cải tạo đất và xử lý nguồn sinh vật hại trong đất.

Các mô hình sản xuất cây ăn quả có múi hữu cơ của Hòa Bình đang 'thấm dần' tới người dân và sẽ từng bước mở rộng thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Các mô hình sản xuất cây ăn quả có múi hữu cơ của Hòa Bình đang "thấm dần" tới người dân và sẽ từng bước mở rộng thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Riêng với huyện Cao Phong, ông Đinh Công Sứ yêu cầu xây dựng cánh đồng mẫu về tái canh cây cam, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, từ tỉnh, vốn của doanh nghiệp và người sản xuất để xây dựng cánh đồng mẫu, bám sát nội dung mà các giải pháp của Đề án đã nêu ra như tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ, sơ chế, bảo quản sản phẩm…

Bên cạnh đó, huyện Cao Phong phải đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, lấy HTX và doanh nghiệp là hạt nhân trong tổ chức lại sản xuất cây cam.

Đặc biệt, kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh buôn bán giống cây ăn quả có múi (cam, bưởi) không đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đã quy định.

Qua đề án này, sẽ tổ chức lại sản xuất cây ăn quả có múi một cách bền vững, thành những vùng trồng lớn, đảm bảo nguồn cung đồng đều về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Giải pháp đưa ra là tạo nguồn giống sạch bệnh phục vụ tái canh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để phát triển bền vững vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả sử dụng đất và bảo vệ môi trường sinh thái, theo hướng hữu cơ.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là đảm bảo yêu cầu an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm với nguồn cung nguyên liệu của mọi công đoạn (sản phẩm quả tươi, sản phẩm sơ chế, sản phẩm chế biến) và củng cố, nâng cao chuỗi giá trị đối với sản phẩm quả có múi.

Tùng Đinh - Phạm Hiếu

Mục tiêu 20.000ha quế có chứng nhận hữu cơ

Mục tiêu 20.000ha quế có chứng nhận hữu cơ

YÊN BÁI Yên Bái đặt mục tiêu đến năm 2025 diện tích ổn định khoảng 90.000ha, trong đó phấn đấu diện tích quế tập trung chuyên canh 35.000ha, khoảng 20.000ha được cấp chứng nhận hữu cơ.

Hợp tác xã có 1.000ha quế hữu cơ

Hợp tác xã có 1.000ha quế hữu cơ

YÊN BÁI_ Một hợp tác xã ở Yên Bái có gần 1.000ha quế hữu cơ với hơn 800 hộ tham gia, sản phẩm xuất sang các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp...

Cho lúa 'ăn' trứng gà, sữa tươi

Cho lúa 'ăn' trứng gà, sữa tươi

HÀ TĨNH Việc sử dụng hỗn hợp từ trứng gà, sữa tươi phun cho cây lúa nhằm cung cấp dưỡng chất, giúp hạt chắc mẩy, hạn chế mầm bệnh gây hại, cho chất lượng gạo thơm ngon.

Vườn rau hữu cơ đầu tiên ở Hải Phòng '5 không'

Vườn rau hữu cơ đầu tiên ở Hải Phòng '5 không'

HẢI PHÒNG Mô hình trồng rau hữu cơ tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đại Đồng cho năng suất cao, có thể canh tác nhiều lứa liên tục, giá sản phẩm cao gấp 3 thị trường.

Xem Thêm