Thứ tư, 27/11/2024 | 07:45 GMT +7
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, trong năm 2024, trên quê hương khoán hộ đã xây dựng được thêm 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ, 4 mô hình sản xuất cây dược liệu hữu cơ, 5 mô hình lúa, 3 mô hình chăn nuôi và 420ha rau hữu cơ… Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ năm 2024 của tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 8,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Nông nghiệp hữu cơ giờ đây đã trở thành phong trào phát triển khá rộng khắp ở Vĩnh Phúc. Đó là nhờ từ năm 2019, khi thực hiện Nghị định của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, Vĩnh Phúc là tỉnh tiên phong ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ.
“Hàng năm tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ một phần phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và thảo mộc để khuyến khích nông dân, xây dựng các mô hình điểm trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất lúa hữu cơ bằng việc hỗ trợ chế phẩm vi sinh và đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức nhằm phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn.
Nhờ đó đến năm 2023, Vĩnh Phúc đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích trên 4,8 nghìn ha tại 71 xã, phường, thị trấn. Nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã hình thành tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Trong giai đoạn 2021 - 2023, Vĩnh Phúc đã hỗ trợ 267 tấn chế phẩm sinh học, 2.520 tấn đệm lót sinh học để xử lý môi trường cho 15.363 hộ chăn nuôi với quy mô 21,5 triệu con gà, 350.000 con lợn, 5.000 con bò sữa và 2.800 con bò thịt…”, ông Dương chia sẻ.
Mới đây, qua kiểm tra các mô hình nông nghiệp hữu cơ ở Vĩnh Phúc, đoàn công tác của Bộ NN–PTNT đánh giá, sau 5 năm xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, Vĩnh Phúc đã cho thấy hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và môi trường. Đơn cử như mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình ông Nguyễn Văn Mai và bà Phạm Thị Hảo ở khu Trại Lớn (thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc).
Mỗi năm gia đình ông Mai nuôi 10 con lợn nái, hơn 200 con lợn thịt, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Đặc biệt ở chỗ, từ nguồn đệm lót sinh học trong chăn nuôi, gia đình ông đã sử dụng để ủ làm phân hữu cơ bón cho vườn bưởi 150 gốc, kết hợp với đào ao thả cá tạo thành mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) khép kín hiện đại.
“Về kinh tế, mỗi năm cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng, nhưng quan trọng hơn là chuyển sang làm nông nghiệp hữu cơ chúng tôi cảm thấy người khỏe, đất đai cũng khỏe, môi trường được cải thiện trông thấy”, ông Mai phấn khởi.
Tương tự gia đình ông Mai, bà Hảo, hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn, những mô hình kiểu VAC thời đại mới.
Có thể kể đến như gia đình anh Năng Văn Hiệp ở xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo; mô hình hợp tác xã trồng lúa hữu cơ ở Tân Phong (huyện Bình Xuyên); mô hình 3ha cây ba kích, 4ha trà hoa vàng tại huyện Tam Đảo; 2ha nho hạ đen tại huyện Yên Lạc; 10ha thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch…; mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với quy mô 1.500 con tại các huyện Bình Xuyên, Tam Đảo, Tam Dương, Lập Thạch và Yên Lạc; chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ quy mô 2.000 con tại xã Đồng Quế (huyện Sông Lô)...
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả và tạo được chuyển biến khá rõ nét, tuy nhiên ngành NN-PTNT Vĩnh Phúc đánh giá, sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như quy mô nhỏ lẻ, chủng loại sản phẩm chưa phong phú, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh...
Chính vì vậy, để tiếp tục triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh năm 2025.
Mục tiêu của Kế hoạch này nhằm xây dựng 6 mô hình cây ăn quả hữu cơ, mỗi mô hình 2ha gồm thanh long, bưởi, chuối, ổi, na; xây dựng 4 mô hình cây dược liệu với quy mô 1ha/mô hình gồm cây trà hoa vàng và cây ba kích. Xây dựng 5 mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ với quy mô 200ha (20ha/mô hình/2 vụ/năm) tại các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch, Sông Lô.
Cùng với đó, Vĩnh Phúc cũng sẽ hỗ trợ để xây dựng 500ha rau hữu cơ hằng năm, xây dựng các mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ với số lượng 300 con lợn thịt tại các huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường; mô hình chăn nuôi gà thịt quy mô 2.000 con/năm...
Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ năm 2025 của tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 46,605 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 9,963 tỷ đồng và 36,642 tỷ đồng là tiền đối ứng của cơ sở tham gia.
“Mục tiêu đến năm 2025, diện tích đất trồng trọt hữu cơ của tỉnh Vĩnh Phúc đạt khoảng 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực; tỷ lệ sản phẩm thịt lợn, thịt gà hữu cơ đạt khoảng 1% tổng sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5% tổng diện tích.
Đối với sản phẩm dược liệu từ tự nhiên, tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 90%, đối với hình thức thâm canh tỷ lệ sản lượng hữu cơ trên tổng sản lượng đạt khoảng 75%. Hiệu quả sản xuất hữu cơ trên một đơn vị diện tích đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản cao hơn khoảng 1,3 lần so với sản xuất phi hữu cơ”, Kế hoạch của tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ.
THANH HÓA Từ khi nhân nuôi kiến vàng, vườn bưởi của anh Mão rất sạch sinh vật gây hại, không còn phải phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất bưởi tăng, mẫu mã quả đẹp, ngon.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT cho phép xã hội hóa các chương trình đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Vườn 'trái cây vua' này không chỉ mang lại giá trị cao, bền vững mà còn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch.
Trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái của HTX Vạn Thành Phát (phường Hải Yên, TP Móng Cái) được cấp giấy chứng nhận hữu cơ đầu tiên ở tỉnh Quảng Ninh.