Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:59 GMT +7
Chia sẻ về vấn đề ứng dụng phân bón hữu cơ vào trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp hữu cơ là một trong những giải pháp căn cơ và quan trọng trong việc góp phần phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm.
Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp người dân nâng cao nhận thức, tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để tạo dựng nền nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho nông dân và người tiêu dùng.
Do vậy, các chủ trương, chính sách để phát triển phân bón hữu cơ đã được xây dựng ngay từ giai đoạn trước đây. Điển hình là Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao ứng dụng, sử dụng hiệu quả phân bón nói chung, trong đó đặc biệt có những chương trình, chính sách ủng hộ việc phát triển phân bón hữu cơ.
Bên cạnh đó, sự khuyến khích dành cho phân bón hữu cơ còn được thể hiện trong Luật Trồng trọt năm 2018 cũng như Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ để khuyến khích ứng dụng phân bón hữu cơ.
Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ thực vật đã tham mưu cho Bộ NN-PTNT xây dựng những kế hoạch, chủ trương, chính sách để phát triển phân bón hữu cơ từ năm 2017.
Điển hình là Chỉ thị 117/CT-BNN-BVTV tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ nhằm phát triển phân bón hữu cơ với mục tiêu đề ra là nâng tỉ lệ, số lượng các sản phẩn phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên 25% so với tỉ lệ dưới 10% như trước đây; tăng số lượng các nhà máy, công suất sản xuất phân bón hữu cơ lên 1,5 lần; tăng lượng sử dụng phân bón hữu cơ lên 2 - 2,5 lần...
"Cục Bảo vệ thực vật cũng đã xây dựng các quy trình canh tác cho 9 nhóm cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu cây trồng của Chính phủ, của ngành nông nghiệp, đặc biệt là hướng dẫn cho người dân tận dụng, phát triển phân bón hữu cơ cho 9 nhóm cây trồng này”, ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, để triển khai được các mục tiêu đề ra, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng các chủ trương, chính sách và phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương để xây dựng, triển khai các kế hoạch cụ thể.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và ký kết với 23 doanh nghiệp lớn tham gia vào chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Các doanh nghiệp đã đồng hành với Cục tham gia xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân, xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, phát triển các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ để có các mô hình điển hình triển khai tại các địa phương, từ đó nhân rộng ra các tỉnh/thành khác.
“Cục Bảo vệ thực vật cũng đã phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp để đổi mới công nghệ, đầu tư các dây chuyền công nghệ mới trong sản xuất, nâng cao công suất sản xuất phân bón hữu cơ. Qua đó, các doanh nghiệp đã và đang tiếp tục phát triển và nâng công suất sản xuất phân bón hữu cơ từ 1,7 triệu tấn/năm lên đến 4 triệu tấn/năm như hiện nay”, ông Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ.
Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật đã và đang phối hợp với các địa phương tham gia tập huấn, xây dựng các mô hình điển hình để nhân rộng các chương trình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; cùng các trung tâm, các viện, trường, hiệp hội xây dựng các quy trình canh tác với phân bón hữu cơ cho từng nhóm cây trồng chủ lực ở một số địa phương.
Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng hơn 10 triệu tấn các loại phân bón mỗi năm, trong đó lượng phân bón vô cơ đã giảm xuống còn khoảng gần 8 triệu tấn, phân bón hữu cơ tăng lên khoảng 2,8 triệu tấn/năm. Bên cạnh đó là 11 triệu tấn sản phẩm phân bón hữu cơ được người dân sản xuất theo phương thức truyền thống. Dư lượng và trữ lượng để phát triển phân bón hữu cơ từ các nguồn phế phụ thẩm trong nông nghiệp là khoảng 200 triệu tấn/năm.
“Có thể thấy, tiềm năng phát triển phân bón hữu cơ còn nhiều triển vọng, đặc biệt trong bối cảnh giá phân bón vô cơ trên thị trường đang tăng cao nên người dân có xu hướng tăng cường tận dụng các phế phụ phẩm để sản xuất phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, vẫn cần phải nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như của địa phương, nhận thức của người dân để cùng nhau đồng hành, phát triển bền vững”, ông Huỳnh Tấn Đạt bày tỏ.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.