Thứ bảy, 23/11/2024 | 03:51 GMT +7
Anh Thuận (sinh năm 1981) kể, từ nhỏ ở với gia đình ngoài xã Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai). Mối tình đầu của Thuận là… cô vợ hiện tại, hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Ia Pia, huyện Chư Prông. Cưới xong, Thuận theo vợ về xã Ia Pia, mở một cửa hiệu chuyên sửa chữa xe máy.
Cũng trong thời điểm này (năm 2009), ở xã Ia Pia và các xã lân cận đang có phong trào trồng hồ tiêu. Tiêu lúc đó rất tốt, giá lại cao ngất ngưởng nên người trồng tiêu ai cũng giàu. Vợ chồng anh bàn với nhau, lấy khoản tiền để dành được, vay mượn thêm nội ngoại hai bên, mua được hai sào đất để trồng tiêu. Ban đầu tiêu phát triển tốt, nhưng chỉ hai năm sau, đến lúc dây tiêu phủ trụ, cũng là lúc đồng loạt những vườn hồ tiêu ở Tây Nguyên nhiễm bệnh và chết. Vườn tiêu “khởi nghiệp” của vợ chồng anh Thuận tất nhiên cũng không thoát khỏi thảm cảnh trên.
Vậy rồi, cơ duyên cũng đã đến: Năm 2012, khi mà một hôm, anh Thuận nằm xem tivi, thấy ở Nghệ An, Hà Tĩnh họ nuôi hươu và nai lấy nhung rất thành công. Từ đó, anh tìm hiểu qua sách báo, qua Internet, thậm chí làm hẳn một chuyến ra tận nơi để học hỏi kinh nghiệm.
Năm 2013, sau nhiều lần “thuyết trình dự án” và được sự thống nhất của vợ, anh Thuận mang tiền ra Hà Tĩnh, mua 3 con nai hết 75 triệu đồng, mang về nuôi ở vườn nhà. “Do phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng và thức ăn, và do được chăm sóc đúng cách nên 3 con nai lớn nhanh và rất khỏe mạnh”, anh Thuận nói.
Năm đầu cắt nhung, anh Thuận cắt được hai đợt. Cứ một con nai, một đợt cắt được 1 kg nhung. 3 con, cắt hai đợt trong năm đầu, được 6 kg nhung. Giá nhung nai lúc ấy là 15 triệu đồng/kg, anh Thuận “bỏ túi” được 90 triệu đồng ngay trong năm đầu tiên thu hoạch.
Từ thành công như trên nên lần này, ngay từ lần đầu “thuyết trình dự án”, vợ chồng anh Thuận đã đi đến thống nhất chung: Mở rộng quy mô. Lần này, anh mua thêm 11 con hươu sao, gồm 10 con đực và 1 con cái. Để “phục vụ” cho 14 con cả hươu lẫn nai, anh đã mở rộng chuồng trại, đồng thời mua thêm 5 sào đất để trồng cỏ voi lấy thức ăn.
“Thức ăn của hươu, nai cũng đơn giản và sẵn có ở địa phương như lá bơ, lá sung, lá mít, chuối cây, cỏ voi. Sắp đến vụ lấy nhung thì bổ sung thêm tinh bột bắp là đủ”, anh Thuận chia sẻ.
Trong hai năm 2020 và 2021, anh Thuận xuất bán trên 100 con hươu giống, giá 26 triệu đồng mỗi cặp khoảng 7 tháng tuổi. Hiện trong chuồng còn trên 30 con cả hươu lẫn nai.
Anh Thuận cho biết, nhung nai lấy vào mùa thu, còn nhung hươu thì lấy vào mùa xuân. Nhung hươu thu được ít hơn nai, mỗi năm, một con hươu thu được khoảng 5 lạng nhung.
Ban đầu, anh Thuận chỉ bán nhung thô cho những khách hàng có nhu cầu. Tuy nhiên sau nhiều lần tham khảo tài liệu, học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia, anh đã cho ra các sản phẩm bổ dưỡng từ nhung. Hiện nhung hươu của anh Thuận sau thu hoạch đã được chế biến sâu, cho ra các sản phẩm độc đáo như nhung hươu tán bột ngâm mật ong, nhung hươu thái lát khô, đặc biệt là sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong. Trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, ngoài việc bán con giống, anh Thuận còn thu được gần 15kg nhung, làm ra các sản phẩm độc đáo như trên để bán ra thị trường.
“Niềm vui lớn nhất của tôi, đó là đã xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm nhung hươu ngâm mật ong cho riêng mình. Cuối năm 2021, sản phẩm ‘Nhung hươu ngâm mật ong’ của tôi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh”.
Nhận xét về mô hình này, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, ông Từ Ngọc Thông, cho biết: Những sản phẩm OCOP như sản phẩm “Nhung hươu ngâm mật ong” ở xã Ia Pia đã thực sự là thế mạnh, giúp giới thiệu hiệu quả những sản vật riêng có của địa phương ra thị trường trong nước lẫn nước ngoài. Từ những sản phẩm được đầu tư trở thành thương phẩm có giá trị cao trên thị trường đã giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao được giá trị trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương, đặc biệt đã góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới của huyện.
Hỏi về kế hoạch sắp tới, anh Thuận cho biết: Hiện gia đình đang phát triển quy mô chăn nuôi, xây dựng trang trại mới rộng rãi, bài bản hơn, duy trì thường xuyên từ 100- 150 con cả hươu lẫn nai.
Từ thành công của mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung của anh Thuận, nhiều hộ dân trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm để áp dụng cho gia đình mình. Hiện xã Ia Pia, ngoài gia đình anh Thuận, còn có 4 hộ dân khác đang áp dụng mô hình nuôi hươu lấy nhung. Anh Thuận bán con giống và chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ này, khi có sản phẩm nhung hươu, anh mua lại của bà con để làm ra các sản phẩm được chế biến sâu.
“Chúng tôi đã có những hỗ trợ kịp thời như tư vấn, kết nối với các cơ quan chức năng có liên quan để doanh nghiệp, người dân có các sản phẩm đạt chất lượng, được công nhận OCOP có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao thêm giá trị sản phẩm...", ông Từ Ngọc Thông cho biết.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.
QUẢNG NINH Nhận thấy giá trị của giống hàu đại dương, anh Nguyễn Văn Cường quyết tâm đầu tư hệ thống hiện đại để chế biến và bảo quản, từ đó nâng tầm đặc sản địa phương.