Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:23 GMT +7
Lợn Táp Ná là một giống lợn bản địa của huyện Thông Nông cũ, nay là huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Lợn Táp Ná có chất lượng thịt thơm ngon so với nhiều loại lợn khác, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ chăn nuôi.
Lợn Táp Ná được nuôi nhiều nhất tại xã Thanh Long và nuôi rải rác tại một số xã lân cận của huyện Hà Quảng. Bộ NN-PTNT đã công nhận đây là giống lợn địa phương của tỉnh Cao Bằng.
Lợn rất dễ nuôi vì chúng phàm ăn, ăn khoẻ, ăn bất cứ loại thức ăn nào, kể cả loại thức ăn hầu như không có chất dinh dưỡng. Chúng chống chịu bệnh tật rất tốt, hầu như không bị bệnh, kể cả nuôi trong điều kiện hoang vu, người nuôi chưa đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn dịch bệnh. Đây cũng là giống lợn thuần, gần như chưa có sự lai tạp của các giống lợn khác và đặc biệt chất lượng thịt thơm ngon, đã thực sự trở thành thịt lợn đặc sản.
Tỷ lệ mắc bệnh chết của lợn nái và đực giống, lợn con từ sơ sinh đến cai sữa cũng như lợn trong giai đoạn nuôi vỗ béo khai thác thịt của giống Táp Ná nuôi tại huyện Thông Nông rất thấp, chỉ chiếm 3 - 4%.
Đến xã Thanh Long, huyện Hà Quảng, nơi được coi là quê hương của giống lợn Táp Ná, đa số người chăn nuôi nơi đây đều nuôi giống lợn này. Hộ ít thì nuôi vài con, hộ nhiều nuôi gần 20 con trong chuồng.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Thanh Long, chúng tôi đến gia đình bà Đặng Mùi Mụi, dân tộc Dao đỏ ở xóm Táp Ná, xã Thanh Long, một trong những hộ điển hình trong chăn nuôi lợn Táp Ná ở địa phương. Trong chuồng gia đình bà Mụi luôn duy trì 2 - 3 con lợn nái Táp Ná, đàn lợn thịt duy trì hơn 10 con/lứa.
Bà Mụi tâm sự: Từ xưa đến nay, bà chỉ nuôi giống lợn Táp Ná bản địa của địa phương. So với lợn trắng cao sản, lợn Táp Ná dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở vùng cao, có thể nhốt trong chuồng hoặc thả rông xung quanh vườn nhà.
Thức ăn chủ yếu để chăn là rau, cỏ rừng, chuối, bã rượu. Có thể nấu thêm ngô để cho ăn từ 1 - 2 bữa/ngày. Dù sức đề kháng, chống chịu bệnh tật tốt so với các loại lợn khác, nhưng bà Mụi vẫn thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ để đàn lợn phát triển khỏe mạnh, hạn chế bị bệnh tật. Mỗi năm, gia đình tôi thu nhập 60 - 80 triệu đồng từ nuôi lợn Táp Ná.
Bà Tô Thị Hải Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng cho biết: So với các loại lợn khác, lợn Táp Ná có chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Tuy nhiên, do chăn nuôi theo kiểu tự phát tại các hộ dân nên số lượng nhỏ lẻ, không tập trung. Muốn phát triển chăn nuôi lợn Táp Ná tập trung với quy mô lớn, thành sản phẩm hàng hóa thì huyện Hà Quảng và các ngành liên quan cần tạo được chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi.
Giống lợn Táp Ná vẫn giữ được mức độ thuần chủng cao, chưa bị lai tạp nhiều với các giống lợn nội và ngoại khác vì chúng được nuôi tại một vùng núi cao, nơi mà nền kinh tế còn kém phát triển, điều kiện địa lý xa xôi.
Núi non hiểm trở, đặc biệt hệ thống giao thông rất kém nên việc pha tạp lợn Táp Ná với các giống lợn nhập ngoại và lợn nội khác của vùng đồng bằng hầu như không thể thực hiện được. Giống lợn Táp Ná vẫn là nguồn cung cấp thịt lợn chủ yếu người dân địa phương.
Lợn Táp Ná có nhiều điểm đặc trưng như lông và da đều đen, ngoại trừ 6 điểm trắng ở giữa trán, ở 4 cẳng chân và chóp đuôi. Đầu to vừa phải, tai hơi rủ cúp xuống, bụng to nhưng không bị sệ và võng xuống. Chân to, cao, chắc khỏe, lưng tương đối thẳng, mặt thẳng và không bị nhăn nheo. Loài lợn này có tầm vóc nhỏ, khối lượng thấp và tốc độ lớn chậm, thường phải nuôi gần một năm mới có thể giết thịt, nhưng thịt heo có mùi vị rất thơm ngon.
Do từ xưa tới nay, lợn Táp Ná thường được người dân nuôi thả rông, chọn lọc tự nhiên nên hầu như không mất công chăm sóc, phàm ăn, chống chịu bệnh tật rất tốt. Tỷ lệ mắc bệnh chết của heo nái và đực giống, heo con từ sơ sinh đến cai sữa cũng như heo trong giai đoạn nuôi vỗ béo chỉ 3 - 4%.
Tuy nhiên, do việc thả rông nên thức ăn dành cho lợn chưa đảm bảo đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tập quán thả rông, chăm sóc thiếu bài bản, trải qua nhiều thế hệ lợn Táp Ná giao phối cận huyết nên giảm năng suất.
Nhằm lưu giữ nguồn gen quý của lợn Táp Ná, những năm qua, đã có nhiều đề tài, dự án để bảo tồn và phát triển nguồn gen lợn Táp Ná tại tỉnh Cao Bằng.
Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng đã lựa chọn huyện Hà Quảng làm điểm triển khai thực hiện mô hình Chăn nuôi lợn sinh sản giống Lợn Hương, Lợn Táp Ná thuộc Dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi Lợn Hương, Lợn Táp Ná để nâng cao sinh kế cho đồng bào dân tộc miền Núi giai đoạn 2020 - 2022.
Theo cơ quan chuyên môn, để đảm bảo công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen giống lợn Táp Ná, nhân thuần giống là giải pháp quan trọng nhất. Muốn nhân thuần, tuyển chọn nguồn nguyên liệu đảm bảo độ thuần chủng là điều tiên quyết. Việc lựa chọn giới tính đực và cái phù hợp, có đặc trưng tốt nhất và tránh được sự đồng huyết để xây dựng ghép phối, qua đó giúp số lượng lợn Táp Ná tăng nhanh, chất lượng tốt hơn.
Sinh kế nhờ lợn Táp Ná
Những năm gần đây, ngoài các hộ kinh doanh tự phát, nhiều nhóm sở thích chăn nuôi lợn Táp Ná tại xã Thanh Long đã hình thành và được hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ của tỉnh. Toàn xã có 16 Nhóm Sở thích nuôi lợn Táp Ná, mỗi nhóm có trung bình từ 10 - 12 thành viên, được Dự án hỗ trợ 70 - 80 triệu đồng/nhóm để cho các thành viên xoay vòng vay vốn để đầu tư con giống.
Anh Nông Văn Nam, Bí thư chi bộ, Trưởng nhóm Sở thích nuôi lợn Táp Ná xóm Bình Minh, xã Thanh Long cho biết: Xóm có 75 hộ thì trên 70% số hộ nuôi lợn Táp Ná. Nhóm Sở thích nuôi lợn Táp Ná của xóm có 11 thành viên. Mỗi hộ nuôi trung bình có từ 5 - 10 con lợn Táp Ná/lứa. Hàng tháng, nhóm sẽ họp các thành viên để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi lợn Táp Ná để đàn lợn của các thành viên đều phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Triệu Văn Cản, Chủ tịch UBND xã Thanh Long cho biết: Xã có 680 hộ dân, đa số các hộ nuôi lợn trong xã đều có nuôi giống lợn Táp Ná bản địa. Tổng đàn lợn của xã hiện nay có khoảng hơn 3.000 con, trong đó trên 70% là lợn Táp Ná, tập trung nhiều ở các xóm: Táp Ná, Thanh Sơn, Gằng Thượng, Tẩn Phung, Thanh Chung, Lũng Lạn… Từ nuôi lợn Táp Ná, nhiều hộ dân cho thu nhập trung bình từ 40 - 60 triệu đồng/năm.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.
Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.
QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.
Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.