Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:06 GMT +7
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên, chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh đang phát triển nhanh và dần thay thế chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô nông hộ với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong chăn nuôi.
Hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi ở Thái Nguyên đã sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín, tuần hoàn trong cung cấp thức ăn, giống, thuốc thú y, xử lý môi trường và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất như sử dụng 100% giống ngoại năng suất, chất lượng cao, hệ thống chuồng kín, trang bị đèn sưởi, silo, máng ăn tự động, máy tiêm, máy bấm răng nanh, gắn chíp điện tử thẻ tai, đầu tư hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động...
Một số trang trại chăn nuôi cũng đã áp dụng hệ thống dọn chất thải tự động, hệ thống quạt hút giảm nhiệt độ bằng bộ phận cảm ứng, áp dụng các biện pháp xử lý môi trường chăn nuôi như công nghệ phủ bạt, đệm lót sinh học, máy ép tách phân để sản xuất phân hữu cơ, máy lọc sục khí, công nghệ vi sinh hữu hiệu, chế phẩm sinh học để xử lý chất thải…
HTX gà đồi Tân Tiến (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) có 22 thành viên liên kết chăn nuôi theo chuỗi, chuyên nuôi gà ta. Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường từ 150 - 170 tấn gà thịt, đem lại thu nhập cho mỗi xã viên trung bình từ 200 - 300 triệu đồng. Do nuôi gà với quy mô lớn nên đòi hỏi HTX phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín, tuần hoàn và quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo ông Bùi Quang Hữu, Giám đốc HTX gà đồi Tân Tiến, từ khi thiết kế chuồng trại, người dân đã phải lắp đặt hệ thống nước làm mát, quạt gió… trị giá hàng trăm triệu đồng để chuồng trại được thông thoáng vào mùa hè, ấm về mùa đông.
“Với đàn gà của HTX, hiện tất cả thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, có ghi chép nhật ký sản xuất như tuân thủ tiêm phòng vacxin đúng thời điểm, giảm thiểu kháng sinh hoặc không sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng chế phẩm được chiết xuất từ thảo dược. Hay như với đệm lót, chúng tôi sử dụng sản phẩm sinh học, xử lý được mùi hôi và một số mầm bệnh nên đàn gà sinh trưởng tốt”, ông Bùi Quang Hữu cho hay.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40% số hộ, doanh nghiệp, HTX chăn nuôi theo hình thức trang trại. Các trang trại này đều đạt cơ sở an toàn dịch bệnh và dần hình thành các vùng an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Để xây dựng được như vậy, tỉnh đã khuyến khích và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAP, chăn nuôi theo hướng hữu cơ.
“Để phát triển chăn nuôi tuần hoàn, các huyện, thành phố đã quy hoạch, bố trí đất đai dành cho phát triển chăn nuôi, quy hoạch địa điểm để thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã có 75 HTX chăn nuôi hoạt động sản xuất theo chuỗi từ tổ chức sản xuất đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các vùng chăn nuôi gà thả vườn có thương hiệu tại huyện Phú Bình, Định Hóa; vùng chăn nuôi lợn tại TP Phổ Yên, huyện Phú Bình; vùng chăn nuôi bò tại huyện Định Hóa, Phú Bình, TP. Phổ Yên”, ông Đỗ Đình Trung thông tin.
Bên cạnh đó, một số HTX chăn nuôi quy mô lớn như HTX Chăn nuôi - Trồng trọt - Dịch vụ nông nghiệp Đông Thịnh (xã Tân Khánh, huyện Phú Bình), HTX Chăn nuôi bò 3B Thanh Bình (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ), HTX Chăn nuôi Xanh (xã Lương Sơn, TP Sông Công), HTX Chăn nuôi bò và dịch vụ sản xuất nông nghiệp Nga My (xã Nga My, huyện Phú Bình)... đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô lớn theo quy trình tuần hoàn, kép kín, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng tổng đàn lợn thêm trên 200.000 con…
Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn là hoạt động chăn nuôi theo chu trình kép kín, tuần hoàn, giúp chất thải được xử lý làm nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất. Đây là hướng đi bền vững, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế. Điển hình như việc các mô hình chăn nuôi tuần hoàn được áp dụng nhưng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao, phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng đồng bộ tại mô hình trang trại tổng hợp. Việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại, cơ sở giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi có quy mô lớn.
Chăn nuôi quy mô nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao (trên 60%), hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ, hạn chế về kiến thức khoa học để áp dụng vào thực tiễn nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi tuần hoàn, VietGAP khó thực hiện đồng bộ...
Để giải quyết những vấn đề trên, ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, triển khai các dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tái sử dụng chất thải chăn nuôi góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững.
“Tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, ứng dụng công nghệ cao để kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, thực hiện đồng bộ biện pháp phòng chống dịch bệnh; áp dụng công nghệ tiên tiến trong xử lý môi trường chăn nuôi, thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ cho ngành trồng trọt”, ông Trung nhấn mạnh.
Tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ của trung ương về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi tập trung, thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Ngành nông nghiệp xây dựng, nhân rộng mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, nhất là mô hình trồng trọt - chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ cho trồng trọt; khuyến khích người dân xây dựng các mô hình trồng trọt - chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu...
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.