Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:19 GMT +7
Một trong những người tiên phong đưa nấm đông trùng hạ thảo về nuôi trồng, sản xuất thành công ở Gò Công là chị Trần Thị Luôn (thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây). Xuất phát điểm từ một cơ sở nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhỏ lẻ, sau hơn 15 năm không ngừng nỗ lực, đến nay chị đã mở rộng nhà máy với vốn đầu tư 40 tỷ đồng. Ngoài liên kết sản xuất với hơn 500 hộ trong vùng dự án, chị còn mày mò nghiên cứu, phát triển 14 dòng sản phẩm được chế biến từ đông trùng hạ thảo. Trong đó, 11 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao với 30 đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh tại các điểm du lịch nổi tiếng như Phú Quốc, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng…
Tiếp chúng tôi trong khuôn viên nuôi trồng và sản xuất các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo khang trang, hiện đại rộng hàng nghìn mét vuông, chị Luôn cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học Nông Lâm (năm 1997), chị lập gia đình và cùng chồng phát triển một số nghề sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, gia đình chị khá thành công với lĩnh vực sản xuất nhang sạch xuất khẩu, trung bình mỗi tháng xuất bán sang thị trường các nước Thái Lan, Malaysia… 150 tấn nhang. Ngoài ra, vợ chồng chị còn thực hiện liên kết sản xuất, tạo việc làm cho hàng trăm hộ gia đình.
Trong một lần chăm người nhà nằm viện, vô tình chị thấy có bệnh nhân được người nhà biếu tặng cho một hộp sản phẩm đông trùng hạ thảo, khi đó đang có giá rất cao. Sau khi dùng thì sức khỏe bệnh nhân này được cải thiện nên đã mách cho mọi người trong phòng mua về dùng thử. Lúc này chị tự đặt câu hỏi cho mình “Vì sao có sản phẩm tốt như vậy mình không sản xuất để “bình dân hóa” sản phẩm?”. Thế rồi, cái tên nấm đông trùng hạ thảo lại xuất hiện trong đầu chị, thôi thúc chị không chỉ nghiên cứu về công dụng của sản phẩm mà còn về quy trình nuôi cấy nhân tạo để cho ra đời một sản phẩm chất lượng. Và như một sức hút kỳ lạ, đông trùng hạ thảo đã đến với chị từ đó.
“Ai đã từng trải qua ốm đau, bạo bệnh mới hiểu được sức khỏe quan trọng đến mức nào. Nó được ví như là “vàng”, là “khởi nguồn hạnh phúc” và là yếu tố không thể thiếu để hiện thực hóa những ước mơ của mỗi người. Cũng bởi lẽ đó mà tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo hiện đại nhằm tạo ra loại sản phẩm mà y học xưa và nay đã từng công nhận”, chị Luôn nói.
Theo chị Luôn, để được thành quả như ngày hôm nay, đam mê thôi chưa đủ. Mặc dù được đào tạo chuyên môn bài bản từ trường đại học Nông Lâm, nhưng kiến thức nhà trường chỉ thiên về lý thuyết và mang tính định lượng, chưa kể thời điểm bắt tay sản xuất, đông trùng hạ thảo chủ yếu được nhập khẩu với giá cực kỳ đắt đỏ, trên cả nước chưa có mô hình nào thành công thực sự để “mục sở thị”.
Theo đó, chị phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kiến thức bản thân chưa đủ, chị tham vấn các viện, trường. Trải qua nhiều lần thất bại, không biết bao nhiêu công sức tiền của cứ “đội nón ra đi”. Thế nhưng, bằng sự kiên trì, sau mỗi lần như vậy chị lại tự nhủ những mất mát đó xem như là học phí để chị tiếp tục thực hiện.
Với nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng sự hỗ trợ về giống, tài liệu nghiên cứu của thầy Nguyễn Sinh Hiển (Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hà Nội) và người bạn công tác tại một trường đại học ở Thái Lan, cộng với kinh nghiệm tích lũy từ trước, cuối cùng mô hình nuôi cấy đông trùng hạ thảo “Made in Viet Nam” đã thành công ngoài mong đợi. Hạnh phúc trào dâng khi chị cầm bản xét nghiệm dược chất trong tay và tự tin kiểm soát được quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo.
Nói về kỹ thuật nuôi cấy, chị Luôn chia sẻ, yếu tố quan trọng trong nuôi trồng đông trùng hạ thảo là phải điều chỉnh và kiểm soát các yếu tố của phòng nuôi cấy như nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, cùng các thông số của nguyên liệu đầu vào nhằm tạo ra thành phẩm thể nấm đạt chất lượng như mong muốn.
“Cơ chất để nuôi cấy nấm đông trùng có thể sử dụng từ 2 nguồn: Nhộng tằm nguyên con hoặc cơm lứt và dưỡng chất (gạo lứt, khoai tây, nước dừa hấp chín và bổ sung vitamin B1, B6) và thành phẩm thu được không có sự khác biệt nhiều về chất lượng (sử dụng cơ chất có nguồn gốc thực vật phải qua công đoạn hấp chín bằng lò hơi nước).
Công đoạn quan trọng là cấy giống đông trùng vào cơ chất và cho vào phòng tối để ủ (giai đoạn 1) đến khi tơ giăng và phủ kín cơ chất (chứa trong hộp nhựa) thì chuyển sang phòng sáng để nuôi tạo quả thể nấm (giai đoạn 2). Thời gian hoàn thành quy trình nuôi cấy và thu hoạch quả thể nấm đạt yêu cầu từ 60 - 75 ngày”, chị Luôn nói.
Sau nhiều năm miệt mài nghiên cứu, chị Luôn đã nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo và hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi trồng. Năm 2018 chị thành lập Công ty Thiên Ân và đưa vào nuôi trồng đông trùng hạ thảo quy mô lớn tại huyện Gò Công Tây. Công ty đã đầu tư 34 phòng nuôi nấm và 3 phòng ủ tối cơ chất. Mỗi phòng nuôi có thể nuôi được 5.000 hộp phôi nấm, cuối đợt thu hoạch từ 45 - 50kg nấm quả thể.
Chưa dừng lại, để đưa nấm đông trùng hạ thảo đến với người tiêu dùng, Công ty Thiên Ân đã nghiên cứu ra nhiều dòng sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo như: đông trùng hạ thảo tươi, khô, nước đóng lon, chưng tổ yến, rượu, mật ong, nước sốt, bánh quy với đông trùng hạ thảo …
Năm 2020, 4 sản phẩm đông trùng hạ thảo của Thiên Ân đã được cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP “4 sao”, tháng 6/2022 vừa qua thêm 7 sản phẩm nữa được công nhận. Đánh giá về hiệu ứng chương trình OCOP, chị Luôn cho biết, chương trình OCOP đã góp phần khuyến khích, động viên rất lớn trong quá trình sản xuất. Nhờ đó, Công ty đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi cấy khép kín và chế biến các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Những năm gần đây, doanh thu của Công ty tăng thêm khoảng 40%, trong đó có đóng góp không nhỏ từ chương trình OCOP.
“Hiện các sản phẩm của Thiên Ân đã được các hệ thống siêu thị lớn như: Saigon Co.op, Aeon… ký hợp đồng tiêu thụ dài hạn. Ngoài ra, Công ty còn phát triển hệ thống đại lý phân phối tại các tỉnh, thành trong cả nước. Công ty luôn xác định xây dựng nền tảng ban đầu vững chắc, đi từng bước ổn định, chú trọng về chất lượng và tập trung xây dựng quy trình an toàn thực phẩm. Mục tiêu thời gian tới là sản phẩm đầu tiên của địa phương đạt chuẩn OCOP “5 sao” và tiến tới xuất khẩu”, chị Luôn nhấn mạnh.
“Chương trình OCOP đã góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện; thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế nông thôn; đồng thời, giúp hình thành nền kinh tế “xanh”, phát triển các vùng sản xuất nông sản “sạch”. Trong đó, các sản phẩm OCOP của Công ty Thiên Ân góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm huyện Gò Công Tây ngày một vươn xa hơn trên thị trường, tạo sự lan tỏa trong xã hội, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh...”, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê nhìn nhận.
Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.
Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.
QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.
Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.