Chủ nhật, 15/12/2024 | 13:04 GMT +7
Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Xanh Việt Nam (GIC Việt Nam) vừa tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình canh tác lúa bền vững (SRP). Mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5A, xã Tân Hiệp A, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang với diện tích 10ha, của 10 xã viên tham gia.
Canh tác lúa bền vững SRP dựa trên nền sản xuất lúa “1 phải, 5 giảm” giúp nông dân quản lý lượng nước tưới tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV khi áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), giảm thiểu tác động tới môi trường, thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, mô hình triển khai trong vụ đông xuân 2022 - 2023 với lượng giống gieo sạ 100 - 120kg/ha, giống lúa Đài Thơm 8 thế hệ mới, quản lý nước theo quy trình ngập - khô xen kẽ. Theo đó, tất cả nông dân tham gia mô hình được tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và áp dụng quy trình canh tác lúa bền vững.
Ông Đỗ Văn Luông, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Kênh 5A cho biết, tham gia thực hiện mô hình, các xã viên được hỗ trợ 50% chi phí mua phân bón hữu cơ, đạm cá để thay thế 50% lượng phân hóa học so với cách sản xuất truyền thống. Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang hỗ trợ toàn bộ chi phí sử dụng máy bay không người lái (Drone) để bón phân, phun thuốc trong suốt vụ canh tác.
Với việc áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, nông dân giảm khoảng 50% số lần sử dụng thuốc BVTV (tương ứng 3 lần/vụ) để phòng trừ sâu bệnh hại, đạt mục tiêu về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm.
Ông Vũ Xuân Hòa, xã viên tham gia thực hiện dự án khẳng định, mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ về lợi ích kinh tế mà cả về môi trường. "Gia đình tôi có 3,5ha đất trồng lúa, dự án hỗ trợ thực hiện 1ha nhưng tôi tự nguyện bỏ thêm chi phí để áp dụng toàn bộ diện tích", ông Hòa cho biết.
Theo ông Hòa, chi phí sử dụng phân bón hữu cơ trong mô hình tăng thêm khoảng 2 triệu đồng/ha nhưng bù lại nhờ giảm được lượng lúa giống gieo sạ, giảm lượng nước tưới, số lần phun thuốc BVTV… nên tổng chi phí sản xuất giảm được hơn 2,5 triệu đồng. Hiện lúa đã vào giai đoạn chín, chuẩn bị thu hoạch, giá thương lái đặt cọc thu mua là 6.200 đồng/kg lúa tươi. Qua thu hoạch thử 1m2 và so sánh với ruộng đối chứng, năng suất ruộng mô hình ước cao hơn trên 1 tấn/ha. Như vậy, lợi nhuận tăng thêm tối thiểu 6 triệu đồng/ha.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho rằng, canh tác lúa bền vững SRP là xu thế sản xuất mới, do đó, Trung tâm sẽ triển khai hỗ trợ đưa công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe người sản xuất. Mô hình đã đạt mục tiêu đề ra là tăng thu nhập và cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng nông sản, thúc đẩy phát triển bền vững trên vùng đất bị tác động của biến đổi khí hậu...
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.