Thứ bảy, 23/11/2024 | 16:00 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 15:33, 24/03/2020

Nông nghiệp hữu cơ Quảng Trị - cho đất nở hoa

Bài 1: Tự hào 'một nắng hai sương'…

Những năm gần đây, thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị đã được nhiều người biết đến. Bây giờ, hạt gạo như làm bừng sáng lên trên mỗi vùng đất khô cằn…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra đồng ruộng thực hiện lúa hữu cư tại xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh). Ảnh: T.N.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra đồng ruộng thực hiện lúa hữu cư tại xã Gio Mỹ (huyện Gio Linh). Ảnh: T.N.

Khi PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng Phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và hóa sinh (Đại học Hiroshima, Nhật Bản) công bố gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng, trong đó, điều bất ngờ nữa là hai hợp chất Momilactone A và Momilactone B trong gạo có tác dụng chống bệnh gout, tiểu đường, béo phì… thì người nông dân Quảng Trị đi từ ngỡ ngàng đến tự hào, chẳng bõ công lao “một nắng hai sương”.

Vạn sự khởi đầu…

Quảng Trị cũng như dọc dãy đất miền Trung vốn chịu nhiều khắc nghiệt của thiên tai. Cây lúa, hạt gạo chưa bao giờ được xướng tên bởi năng suất thấp, chất lượng kém.

Người nông dân tự bao đời vẫn gắn với tư duy sản xuất, phương thức canh tác truyền thống gắn với phân hóa học, thuốc trừ sâu...

Khi đang là “tư lệnh” của nghành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng cũng đã nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ tìm hướng đi làm đòn bẩy để người nông dân vươn lên từ cây lúa.

“Phải tạo cơ hội để bà con mạnh dạn đồng hành cùng nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và thành công”- ông Võ Văn Hưng suy tính.

Chúng tôi về huyện Gio Linh (Quảng Trị) và tìm về  vùng đất Gio Mỹ, nơi bắt đầu hình thành và tạo dựng nên thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị. Anh Nguyễn Giang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Thị (HTX Phước Thị), hồ hởi đón chúng tôi như những người bạn thân đi xa lâu ngày gặp lại.

Anh Nguyễn Giang kể lại, khi lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Trị về cơ sở và trao đổi làm mô hình nông nghiệp hữu cơ chúng tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là đã có được hướng đi mới, nhưng cái lo vẫn canh cánh liệu hiệu quả có được như mong muốn.

“Nhiều lần anh Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai mô hình. Thấy anh lăn lộn với cơ sở thì chúng tôi cũng rất mừng và tin tưởng sẽ vượt qua được khó khăn ban đầu”-anh Giang bộc bạch thêm.

Tại thời điểm vào vụ HT năm 2017, HTX Phước Thị là đơn vị được Sở NN-PTNT chọn là đơn vị đầu tiên canh tác lúa hữu cơ. Vì vậy mà gian nan, khó khăn không phải là ít. Khi triển khai họp dân, kêu gọi làm lúa hữu cơ, ai cũng lắc đầu ngại khó.

Ruộng đất đã chia, manh mún, giờ tích tụ lại đâu phải chuyện dễ. Có người còn bàn ngang: “Mấy chục năm rồi, cứ làm lúa vô cơ, tuần tự làm đất, gieo mạ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, rồi gặt mang vô nhà. Bây chừ làm lúa hữu cơ thì sao chịu được”.

Để có được thống nhất cao, cán bộ HTX phải đi từng hộ dân nói cho thuận lòng. “Những người lớn, có uy tín trong dòng họ, trong cụm dân cư thì chúng tôi đến tận nhà thuyết phục. Những người còn lại thì động viên với những cam kết có lợi cho nông dân. Dần dần, sự đồng thuận gần như cơ bản”- anh Giang kể lại.

Cái khó nữa của làm ruộng hữu cơ là cánh đồng mẫu lớn, trăm người như một. Chỉ cần một người không làm mà có liền địa, liền ruộng trong đó, thì tất cả còn lại cũng chịu thua, không triển khai được. Bởi quy trình nghiêm ngặt của lúa hữu cơ là không thể lọt vào một diện tích nhỏ nào, để tránh lây lan, nhiễm bệnh.

Lúa hữu cơ bén duyên trên vùng đất cằn Gio Linh (Quảng Trị). Ảnh T.N.

Lúa hữu cơ bén duyên trên vùng đất cằn Gio Linh (Quảng Trị). Ảnh T.N.

“Về quy trình kỹ thuật cũng phải thay đổi hoàn toàn”- anh Giang nói về khó khăn khác. Nông dân mình vốn bảo thủ, hơn 30 năm nay muốn bón phân lúc nào thì bón, giờ đâu có được.

“Nông dân bón phân vô cơ chỉ 10 kg/sào, nhưng hữu cơ là 105 kg/sào và phải bón 5 lần trong 1 vụ, thời gian 15-20 ngày/lần. Khâu này thôi, cũng phải chỉ rõ là tốn công cho bà con”- anh Giang nói.

Khi bắt tay vào làm lúa hữu cơ, nảy sinh ngay vấn đề là lúa xấu, bởi phân Ong Biển bón thì lúa không xanh đậm, hơi vàng, mật độ thưa lúc đầu nên nhìn ruộng lúa bà con lo lắng.

Có khi thấy sâu bệnh xuất hiện, nông dân hoài nghi, gọi cho cán bộ HTX chất vấn ngay trên bờ ruộng: “Các ông làm thế này, nếu mất mùa, HTX có đền không ? Làm gì có loại phân bón kháng được tất cả sâu bệnh”.

Trước những chất vấn của bà con, Giám đốc Nguyễn Giang lắm lúc cũng lo lắng. Nỗi lo như vợi đi được phần nào khi được Giám đốc Sở NN-PTNT Võ Văn Hưng và đại diện doanh nghiệp động viên, cam kết sẽ hỗ trợ cho bà con nếu có thất bát mùa màng.

Năng suất, hiệu quả vượt sự mong đợi

Diện tích ban đầu được triển khai 20 ha, dự kiến năng suất tầm 2 rạ/sào (40 tạ/ha). Những ngày đầu khi cây lúa trên đồng bắt đầu vào chín ươm. Gần như hôm nào các anh trong HTX cũng tranh thủ ra thăm đồng. Thông tin cũng được cập nhật cho lãnh đạo Sở NN-PTNT để nắm bắt tình hình.

Khi những hạt thóc đầu tiên được chở từ ruộng về sân bà con thì mọi người mới nhẹ nhõm trong lòng. “Cho dù lúc đó, năng suất cũng chỉ đạt 40 tạ/ha, nhưng chúng tôi và bà con nông dân đã có được lòng tin ban đầu”- anh Giang cho hay.

Có được những kinh nghiệm từ vụ đầu tiên, HTX  Phước Thị chỉ đạo bà con xuống vụ thứ hai trong khí thế mới. Cây lúa trên đồng cứ cứng cáp lên trong nắng gió khắc nghiệt. Năng suất thu hoạch cứ tăng lên 50 tạ/ha, rồi 60 tạ/ha.

Người nông dân càng vững chắc lòng tin nhìn ra đồng ruộng. Cứ hễ gặp nhau là chuyện trao đổi kinh nghiệm về canh tác lúa hữu cơ được mở ra hàng đầu. Người chưa làm được cũng nóng ruột muốn được tham gia làm ngay.

Cho đến vụ ĐX năm 2019, khi sản lượng trên đồng được xác định trung bình là 7 tạ/ha và có thửa ruộng đến 80 tạ/ha, ông Nguyễn Ngọc Thành, một nông dân có 1,5 ha diện tích làm lúa hữu cơ hồ hởi: “Đúng là như trong lúc nằm ngủ mơ thấy. Cây lúa khi vào canh tác thì cũng dễ chứ không phải là khó. Sâu bệnh càng ít thấy. Năng suất thì hiếm có lúa nào chạy theo kịp, hạt lúa đẹp lắm. Đó là chưa kể đến nguồn lợi lớn từ tôm, cá trên ruộng”.

Thương hiệu gạo Quảng Trị được mở rộng ra thị trường. Ảnh: T.N.

Thương hiệu gạo Quảng Trị được mở rộng ra thị trường. Ảnh: T.N.

Cũng như ông Thành, nhiều nông dân ở Gio Mỹ sau khi làm lúa hữu cơ, cũng đã phấn chấn cho hay, làm lúa hữu cơ cho lãi gấp 2-3 lần lúa vô cơ.

Ngoài ra, sức khỏe nông dân được gìn giữ, người ăn hạt cơm cũng vững dạ vì gạo sạch, cơm sạch. “Môi trường đồng ruộng được đảm bảo. Nhiều ruộng, cá tôm trở lại, có vụ bắt 2 tạ cá/ha. Bà con sướng lắm”- ông Thành vui cười khoe thêm.

Khi hội thảo đầu bờ vụ thứ 2 làm lúa hữu cơ tại Gio Mỹ, ông Võ Văn Hưng (lúc đó là Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị) đã chỉ đạo: “Mô hình này là cơ sở để nông dân Quảng Trị bắt tay vào làm nền nông nghiệp hữu cơ. Phải mở rộng mô hình ra một số địa phương khác để từ đây làm cho được thương hiệu gạo hữu cơ Quảng Trị”.

Tâm Nguyên

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Cách làm bò sốt tiêu đen đơn giản và thơm ngon

Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

Doanh số bán sản phẩm tăng bình quân 40% sau khi tham gia chương trình OCOP

HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.

Sắp diễn ra lễ hội về bưởi lần đầu tiên tại Đồng Nai

Sắp diễn ra lễ hội về bưởi lần đầu tiên tại Đồng Nai

Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.

Mạnh tay chi tiền tỷ, quyết tâm nâng tầm đặc sản địa phương

Mạnh tay chi tiền tỷ, quyết tâm nâng tầm đặc sản địa phương

QUẢNG NINH Nhận thấy giá trị của giống hàu đại dương, anh Nguyễn Văn Cường quyết tâm đầu tư hệ thống hiện đại để chế biến và bảo quản, từ đó nâng tầm đặc sản địa phương.

Xem Thêm