Thứ tư, 27/11/2024 | 11:33 GMT +7

  • Click để copy
Thứ ba- 09:07, 14/03/2023

Xây nền móng cho nông nghiệp hữu cơ

Ở ĐBSCL đang hình thành những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiêu biểu. Sự vận động của ngành nông nghiệp cũng đang xây nền móng cho nông nghiệp hữu cơ.

Những mô hình sản xuất hữu cơ tiêu biểu

Tại ĐBSCL, các mô hình nông nghiệp hữu cơ có quy mô tiêu biểu hiện nay có thể kể tới như: Nuôi heo rừng của anh Đoàn Phan Dinh (ấp An Hòa, xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp); trồng lúa không phun thuốc hóa học của anh Phan Hoàng Em (xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp); khổ qua rừng sạch của anh Trương Hữu Thuận (ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ); trồng nhãn hữu cơ tại HTX Nhãn Nhơn Nghĩa (xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ)…

Empty

Mô hình nuôi heo rừng quy mô lớn cho ăn rau củ và đệm lót sinh học của anh Đoàn Phan Dinh ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Những ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi heo rừng quy mô lớn cho ăn rau củ và sử dụng đệm lót sinh học của anh Đoàn Phan Dinh ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Đây là mô hình mỗi năm thu lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Anh Dinh cho biết, mô hình nuôi heo rừng hữu cơ của anh được quản lý chặt chẽ, khép kín nên mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với chủ trương của ngành nông nghiệp hiện nay.

Ngoài mở trang trại nuôi gần 100 con tại nhà, anh Dinh còn đứng ra hợp tác với nhiều hộ dân ở khắp các tỉnh thành vùng ĐBSCL nuôi hàng nghìn con heo rừng các loại (heo giống, heo thịt và heo sinh sản). Theo đó, anh Dinh hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Năm 2022, số heo được liên kết xuất bán lên tới hàng ngàn con, mang lại doanh thu khá lớn.

Theo anh Dinh, chuồng trại nuôi heo rừng hướng hữu cơ sinh học được xây dựng thông thoáng, sử dụng đệm lót sinh học để kiểm soát tốt chất thải, cách ly hiệu quả các mầm bệnh. Ngoài thức ăn là cám nhuyễn, heo rừng được ăn các loại rau, củ, quả… Heo bị bệnh thì cho uống thuốc nam hay một số loại men sinh học do anh tự làm hoặc mua lại từ các công ty bào chế dược liệu dành riêng cho gia súc, gia cầm.

Tại huyện Tam Nông, nông dân Nguyễn Minh Tuấn với mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với nuôi vịt và nuôi cá trong ruộng cũng gặt hái nhiều thành công. Anh Tuấn cho biết, vào mùa lũ, nông dân xã Phú Thành A có 8 hộ với diện tích gần 35ha gieo trồng theo hướng hữu cơ, đến mùa lũ thì thả cá giống vào ruộng để nuôi tự nhiên, thu được hàng trăm triệu đồng. Khi thu hoạch xong lứa cá đó, nông dân xuống giống lúa đông xuân, đa phần các ruộng này bà con bón vùi phân hữu cơ rồi sạ giống lúa ST25. Khi lúa lên cứng cáp, bắt đầu thả cá xuống ruộng nuôi, bên cạnh đó họ còn thả vịt ra ruộng để ăn các sinh vật có hại như sâu, rầy... nhằm giúp giảm chi phí phun xịt.

Empty

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn đang từng bước lan tỏa ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Lâu nay, huyện Tam Nông là vùng sản xuất lúa lớn của tỉnh. Mô hình nuôi trồng kết hợp lúa – cá - vịt này bước đầu cho thấy phù hợp với vùng đất trũng như Tam Nông mà cuối vụ lúa cho năng suất cao, giảm chi phí phân thuốc hóa học rất lớn, lại được doanh nghiệp đến bao tiêu mua lúa với giá cao”, anh Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

Mô hình nuôi trồng kết hợp lúa – cá - vịt theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Nông đã được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghé thăm và đánh giá cao tính sáng tạo của nông dân đất sen hồng. Theo ông, việc sản xuất lúa hữu cơ kết hợp nuôi vịt và nuôi cá tự nhiên là theo quy trình tuần hoàn, giảm phát thải, tăng thêm nguồn thu nhập trên một diện tích đất giới hạn. Mô hình này rất khả quan, do đó địa phương và ngành nông nghiệp cần tiếp tục hỗ trợ nông dân mở rộng quy mô, nghiên cứu nhân rộng ra những vùng có điều kiện tương tự.

Còn HTX Nhãn Nhơn Nghĩa ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) áp dụng quy trình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, chú trọng việc sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc BVTV sinh học. Qua đó, đã giúp giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận cho xã viên trồng nhãn (đạt từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm).

Ông Phạm Văn Lơ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa cho biết: HTX hiện có 29 thành viên, với diện tích canh tác nhãn hơn 22,8ha, trong đó chủ yếu là giống nhãn Ido. Đây là loại nhãn cho năng suất, sản lượng rất tốt và hầu như không bị bệnh chổi rồng, lại có thể xử lý cho ra trái rải vụ quanh năm.

Empty

Mô hình kết hợp lúa – cá - vịt theo hướng hữu cơ tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Từ hơn 2 năm nay, các xã viên tại HTX cũng đã thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP để tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện nay, HTX đang tiếp tục tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ và thuốc BVTV sinh học nhằm hạn chế dần lượng phân thuốc hóa học, không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn đảm bảo sản phẩm an toàn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Theo ước tính, nếu thực hiện tốt các quy trình sản xuất theo hướng an toàn và giảm phân bón hóa học, nông dân trồng nhãn có thể giảm hơn 20% chi phí sản xuất.

Xây nền móng cho nông nghiệp trách nhiệm

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Dựa trên lợi thế so sánh, tiềm năng thị trường, UBND tỉnh đã xác định 5 ngành hàng chủ lực để tập trung phát triển, gồm lúa gạo, xoài, hoa kiểng, cá tra và vịt. Trong đó, cá tra được quan tâm nhiều nhất nên tỉnh tích cực giúp các doanh nghiệp và hộ nuôi áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm chất lượng, an toàn, nhờ đó lợi nhuận đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm.

Đến nay, Đồng Tháp trở thành địa phương nuôi và xuất khẩu cá tra lớn nhất vùng ĐBSCL cũng như cả nước. Thành công bước đầu trong phát triển nông nghiệp bền vững của Đồng Tháp là nhờ chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, kéo được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư và liên kết với nông dân. Khoảng 6 năm trở lại đây, đã có hàng chục dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào nông nghiệp. UBND tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các loại hình hợp tác, hình thành hơn 180 HTX, 940 tổ hợp tác, 110 trang trại. Đây cũng là cơ sở để phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn một cách thuận lợi. 

Tại TP Cần Thơ, ngành nông nghiệp thành phố đã và đang phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ trên lúa, cây ăn trái. Bên cạnh đó, Thành phố cũng có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để làm nền tảng cho nông nghiệp hữu cơ. Với định hướng phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, TP Cần Thơ đã khảo sát, định hướng quy hoạch sản xuất hữu cơ khoảng 4.000ha lúa, 1.300ha cây ăn trái và 150ha rau; nuôi trồng thủy sản hữu cơ nằm trong ruộng lúa và vườn rau ăn trái.

Empty

Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy sản xuất đã giúp hình thành những nền tảng quan trọng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vùng ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, thời gian qua, tư duy về kinh tế nông nghiệp đã có những chuyển biến rõ nét. Đó là nhờ các doanh nghiệp, HTX, nông dân cùng nhận ra rằng, phải hướng đến những thị trường xuất khẩu nông sản cấp cao hơn nhằm mang về giá trị và lợi nhuận cao hơn. Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy sản xuất đã giúp hình thành các vùng nguyên liệu có liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân. 

“Chúng tôi luôn khuyến khích và đánh giá cao các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với các HTX, tổ hợp tác, nông dân, dẫn dắt từ khâu giống, thị trường đến số lượng, đồng thời nêu yêu cầu về quy trình canh tác theo tiêu chuẩn chất lượng cụ thể cho từng thị trường và hỗ trợ nông dân cách làm. Đây cũng là bước chuyển đổi đáng ghi nhận. Giờ đây, phải nghĩ cho đường dài, nghĩ cho các bên cùng tham gia vào chuỗi giá trị nông sản” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu định hướng, phải chủ động thay đổi nhằm xây dựng hình ảnh của một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Tại hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), Việt Nam đã cam kết vừa đảm bảo tăng trưởng sản xuất, vừa bảo vệ được môi trường, xây dựng nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia vào hệ thống cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu… Những cam kết này cần được chuyển hóa thành những hành động cụ thể, bằng trách nhiệm của ngành chức năng, của doanh nghiệp, nông dân.

Lê Hoàng Vũ

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Vườn bưởi tăng 20% sản lượng, quả đẹp, ngọt ngon, chi phí giảm nhờ kiến vàng

Vườn bưởi tăng 20% sản lượng, quả đẹp, ngọt ngon, chi phí giảm nhờ kiến vàng

THANH HÓA Từ khi nhân nuôi kiến vàng, vườn bưởi của anh Mão rất sạch sinh vật gây hại, không còn phải phun thuốc bảo vệ thực vật, năng suất bưởi tăng, mẫu mã quả đẹp, ngon.

Xem Thêm