Thứ năm, 12/12/2024 | 18:12 GMT +7
Thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đang có rất nhiều vườn rau, củ được trồng với kỹ thuật tiên tiến, hoàn toàn sử dụng phân phón hữu cơ. Nhưng ấn tượng nhất thuộc về vườn rau hữu cơ với thương hiệu Happy Vegi của HTX Rau hoa và Du lịch Thanh Niên do chị Trần Ngọc Diệp và Nguyễn Thị Quỳnh Viên làm chủ.
Chị Trần Ngọc Diệp và Nguyễn Thị Quỳnh Viên bắt đầu khởi nghiệp trồng rau từ năm 2012 với diện tích khoảng 5.000m2 tại TP.HCM. Tuy nhiên đến năm 2014, vườn rau của họ có nguy cơ phải đóng cửa do mẫu mã sản phẩm không đẹp nên bán ra thị trường không được giá. Lúc bấy giờ, chị Diệp cùng cộng sự phải tính đến bài toán xây dựng thương hiệu nhằm truyền thông về rau hữu cơ sao cho khác biệt với các sản phẩm rau bày bán ngoài chợ.
Ngay khi xây dựng được thương hiệu rau hữu cơ với tên gọi Happy Vegi, sản phẩm được thị trường đón nhận, giá bán cao. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, tại TP.HCM chỉ trồng được các loại rau nhiệt đới, không có các loại rau xứ lạnh.
Phải mất 2 năm đi tìm, thậm chí tính đến chuyện bỏ cuộc thì chị Diệp phát hiện vùng đất Măng Đen rất phù hợp để xây dựng mô hình rau hữu cơ. Không lâu sau đó, chị Diệp và cộng sự chính thức sỡ hữu trang trại rau trên diện tích 1,8ha tại trung tâm thị trấn Măng Đen.
“Lúc đầu hai chị em cũng rất háo hức, nhưng khoảng 1 năm sau thì thấy mệt mỏi bởi chặng đường di chuyển từ TP.HCM lên Măng Đen quá xa, phương tiện đi lại thì hạn chế. Quan trọng hơn, mình cũng không nghĩ được rằng, phần lớn người lao động nơi đây là người địa phương tay nghề còn yếu, cần phải đào tạo lại từ đầu”, chị Diệp bộc bạch.
Mất 2 năm trang trại rau hoạt động trầy trật, lao động ngày làm ngày nghỉ, còn bản thân chị Diệp cũng không thể túc trực ở đây hàng ngày, trong khi vườn rau còn mới, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc rất công phu.
Để mọi thứ đi vào quỹ đạo, chị Diệp quyết định đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng dãy nhà cho công nhân lưu trú để thuận tiện việc chăm sóc hơn. Bản thân chị Diệp và chị Viên cũng cam kết với nhau mỗi tuần 1 người thay phiên nhau lên quản lý, điều hành công việc.
Sau 3 tháng, vườn rau cho thấy sự ổn định với khoảng trên 10 loại rau. Có sản lượng, chị Diệp thực hiện nâng cấp phần mềm và các phương pháp quản lý từ xa để phát triển hiệu quả. Cùng với đó, chị Diệp thực hiện đào tạo nhân viên quản lý theo quy trình chuẩn để có thể kiểm soát công việc một cách dễ dàng hơn.
Ngay từ đầu đến với nghề trồng rau, chị Diệp và chị Viên đã hướng đến mô hình hữa cơ. Thời điểm đó, chị Viên là giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP.HCM với chuyên ngành kỹ sư hóa. Đề tài khoa học lúc bấy giờ được chị Viên thực hiện là xử lý nước rỉ rác bằng vi sinh. Sau đó, dùng nước đã qua xử lý để tưới cho các loại rau.
Trong khi, chị Diệp xuất thân từ bác sỹ, trong quá trình điều trị cho người dân nhận thấy tình trạng ung thư rất cao, mà nguyên nhân phần lớn do ăn phải "thực phẩm bẩn". Với sự thôi thúc giúp cho sức khỏe của người tiêu dùng tốt hơn, hai chị em đã quyết định tiên phong xây dựng vườn rau theo hướng hữu cơ.
Thời điểm năm 2012, không mấy người biết đến mô hình rau hữu cơ. Phải đến năm 2016 khi xây dựng được thương hiệu rau Happy Vegi, mọi người bắt đầu biết về rau hữu cơ, nhưng lại không hình dung về cách làm hữu cơ ra sao.
Để giúp người tiêu dùng hiểu nhanh nhất về rau hữu cơ, chị Diệp và cộng sự ngồi nghĩ nát óc xem làm thế nào để đơn giản hóa những kiến thức về nông nghiệp hữu cơ để họ có thể dễ hiểu. Thế là nguyên tắc “6 không” ra đời gồm: Không sử dụng thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không thuốc kích thích làm tăng trưởng, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng giống biến đổi gen, không trồng trên đất và nước nhiễm hóa chất nông nghiệp.
Thông điệp “6 không” sau đó được in trên bao bì với mục tiêu đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng, cũng như duy trì sự màu mỡ của đất. Để người tiêu dùng trực tiếp nhìn thấy quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn hữu cơ, chị Diệp cho xây dựng phần mềm về nhật ký trồng và chăm sóc.
Ban đầu, thương hiệu rau Happy Vegi chủ yếu được bán online cho những khách hàng quen thuộc. Sau đó, một số cửa hàng nhỏ bán rau sạch biết đến thương hiệu Happy Vegi để nhập về bán.
Đến năm 2018, nhà nước bắt đầu đưa ra quy chuẩn hữu cơ và Happy Vegi là thương hiệu đầu tiên được chứng nhận ở khu vực phía Nam lúc bấy giờ.
Ngay khi có chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, thương hiệu rau Happy Vegi đã được các siêu thị, trung tâm thương mại lớn đến đặt vấn đề hợp tác. Hiện tại, thương hiệu rau Happy Vegi đã có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn tại TP.HCM như I-Mart, Big C, Aeon Mall, Vinmart…, mỗi tháng cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn rau củ các loại với giá dao động khoảng 80 ngàn đồng/kg.
Đến nay, chị Diệp cùng cộng sự đang sở hữu hệ sinh thái sản xuất sản phẩm hữu cơ với 6 mô hình trồng rau củ quả và thảo dược theo tiêu chuẩn hữu cơ tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum.
“Canh tác hữu cơ không có năng suất cao nên chưa thể là giải pháp về thực phẩm cho tất cả mọi người. Mong ước của mình là có thể chuyển giao đến mỗi tỉnh 1 vườn rau theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chỉ cần mỗi tỉnh 1 vườn rau với diện tích khoảng 3.000m2, một tháng sẽ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn rau. Khi đó, người dân địa phương có thể tiếp cận được với nguồn rau sạch với giá hợp lý. Đặc biệt, mô hình hữu cơ cũng sẽ được lan tỏa khắp nơi, giúp sức khỏe người dân được đảm bảo hơn”, chị Diệp tâm huyết.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.