Thứ bảy, 27/04/2024 | 16:13 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 09:05, 16/02/2017

Thái Nguyên nhất định phải làm nông nghiệp hữu cơ

Đó là khẳng của lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên tại Lễ ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Cty CP Tập đoàn Quế Lâm ngày 15/2 để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh này.

Thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Quế Lâm nhằm mục đích xây dựng các chương trình, kế hoạch dự án về sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021. Một giai đoạn mà lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên tham vọng sẽ thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp tỉnh này theo đúng định hướng đã vạch ra.

17-07-17_ql1
Lễ ký biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giữa Thái Nguyên và Tập đoàn Quế Lâm
 

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, ông Vũ Hồng Bắc khẳng định: Việc Thái Nguyên lựa chọn ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư sản xuất tiêu thụ nông sản hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm thể hiện tư duy tầm nhìn và thái độ cầu thị mong muốn có sự tiến bộ, chọn hướng đi cho phù hợp.

Tất cả cho mục tiêu: Xây dựng nền nông nghiệp nhanh hơn, tiến bộ hơn. Nói cách khác, nông nghiệp Thái Nguyên phải là nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao...

Ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên bổ sung: Theo định hướng, nông nghiệp Thái Nguyên sẽ phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn. Muốn như vậy, không có con đường nào khác ngoài con đường phát triển nông nghiệp hữu cơ.

"Năm ngoái, khi tôi tham dự hội nghị hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm tổ chức ở Huế, đã được nghe quá trình tổ chức sản xuất, ứng dụng sản xuất của các tỉnh đang liên doanh liên kết với Tập đoàn Quế Lâm càng củng cố thêm quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ của Thái Nguyên. Có thể nói rằng, đây là hướng đi đúng, phù hợp và bắt buộc, kịp thời trong bối cảnh hiện nay".

Cũng theo ông Tuấn, về sản xuất nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên những năm gần đây, các chỉ tiêu kinh tế đều hoàn thành vượt mức. Những lợi thế về lĩnh vực chăn nuôi, lợi thế về cây chè cho phép lãnh đạo và nông dân tỉnh Thái Nguyên đặt tham vọng về một nền nông nghiệp hàng hóa có lợi nhuận cao.

Đặc biệt hơn nữa là lợi thế về thị trường tiêu thụ, đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 8 trường đại học, 26 trường cao đẳng, trung cấp... và nhiều khu công nghiệp với số lượng công nhân lên đến hàng trăm nghìn người. Chưa kể, vị trí địa lý nằm trong qui hoạch vùng thủ đô cũng mở ra cơ hội về thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên.

Từ định hướng xác định xây dựng nền nông nghiệp sạch, nền nông nghiệp an toàn, Thái Nguyên liên tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

"Nếu doanh nghiệp không đầu tư, bộ mặt nền nông nghiệp không thể thay đổi" được xem như là tôn chỉ. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của Thái Nguyên cũng đã tập trung quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp như vùng chè, vùng cây ăn quả, vùng lúa... nhằm hướng đến các loại hình sản xuất mũi nhọn với mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên tăng năng suất, thay đổi tích cực đời sống người nông dân.

Mặc dù vậy, với tham vọng, mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên dường như chỉ có Tập đoàn Quế Lâm có thể đáp ứng một cách phù hợp nhất. Là bởi, dường như chưa có một doanh nghiệp nào liên kết với các địa phương sản xuất, tiêu thụ nông sản hữu cơ đạt được những thành công giống như Tập đoàn Quế Lâm.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm nói rằng: Chúng tôi có một nguyên tắc, khi đến các địa phương thường không vội vàng đầu tư ngay mà thường phải chờ mất 2 - 3 năm, quãng thời gian tìm hiểu xem thái độ, tư duy của lãnh đạo địa phương đó nhìn nhận về nông nghiệp hữu cơ như thế nào.

"Quyết định hợp tác với Thái Nguyên, tôi thực sự ngưỡng mộ ý chí lãnh đạo tỉnh trong quyết định đồng hành với Quế Lâm, đồng hành với người nông dân, bởi đây thực sự là vấn đề mấu chốt nếu muốn hướng đến một nền nông nghiệp hữu cơ.

Kinh nghiệm của chúng tôi sau 6 năm làm nông sản hữu cơ chỉ ra rằng, muốn thành công, muốn đạt kết quả thì phải kéo được người dân đi chung đường với mình. Tất nhiên đây là vấn đề khó, nhưng chúng tôi đã thành công ở các tỉnh miền Trung.

17-07-17_ql2
Các sản phẩm nông sản hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm

 

Ví dụ ở Quảng Ngãi bây giờ đã hình thành phong trào người người sử dụng nông sản hữu cơ. Từ chỗ chỉ sản xuất vài ba tấn, năm 2016 chúng tôi sản xuất 500 tấn gạo hữu cơ, xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Quế Lâm. Thực tế ở Thái Nguyên chúng tôi cũng đã đầu tư xây dựng thương hiệu Trà hữu cơ Quế Lâm ở vùng Tân Cương. Một khi có sự đồng thuận của lãnh đạo, của doanh nghiệp, của nhân dân thì không có lí do gì không thực hiện thành công cả", ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định.

Theo thỏa thuận hợp tác, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Quế Lâm xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên; hợp tác đào tạo, tập huấn về nông nghiệp hữu cơ cho các DN, HTX và người dân; trên cơ sở vùng sản xuất nông nghiệp đã có quy hoạch, hợp tác đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đối với một số loại cây trồng chủ yếu, đặc sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017 - 2021 với 2 loại hình: Mô hình sản xuất hữu cơ 100% và mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ.

Dự kiến quy mô thực hiện trên 5.000ha chè, 250ha lúa, 500ha rau. Thành lập chuỗi chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản hữu cơ, xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Chứng kiến lễ ký kết, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam phát biểu: Rất mừng là hiện nay Chính phủ đang rất quan tâm đến phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tại kỳ họp Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói “nông nghiệp hữu cơ là thế mạnh của nền nông nghiệp nước ta”, còn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhiều lần khẳng định phát triển nông nghiệp hữu cơ có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Chính vì vậy, chúng tôi cảm thấy phấn khởi và trân trọng khi chứng kiến lễ ký kết để cùng nhau phát triển nông nghiệp hữu cơ giữa UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Quế Lâm.

Nông sản hữu cơ được sản xuất theo quy trình của Tập đoàn Quế Lâm phải đảm bảo “nguyên tắc 6 không”, đó là không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu hóa chất, không chất bảo quản, không hương liệu và không tẩy trắng hóa chất.

 

Hoàng Anh

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm