Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:57 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 10:00, 26/04/2024

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Sầu riêng trái vụ đầy lợi thế cạnh tranh

Năm 2016, trong quá trình cải tạo vườn tạp, phá bỏ cây keo để chuyển sang trồng các loại cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao trên diện tích 10ha tại thôn Thạch Long 1, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định), ông Đặng Văn Cấp vào tận miền Tây Nam bộ mua 30 cây sầu riêng giống Monthong về trồng thử nghiệm. 30 cây sầu riêng của ông Cấp được trồng bên cạnh 7.000 trụ tiêu được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, nên nghiễm nhiên chúng cũng được "ăn theo" quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ.

Năm nay là năm thứ 3 vườn sầu riêng của ông Đặng Văn Cấp cho quả. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay là năm thứ 3 vườn sầu riêng của ông Đặng Văn Cấp cho quả. Ảnh: V.Đ.T.

Sầu riêng là giống cây mới trên đất Hoài Ân nên theo ông Cấp, muốn cây trồng này trụ được trên vùng đất lạ nó phải được chăm sóc với một quy trình riêng chứ không thể theo quy trình của các nhà vườn ở miền Tây Nam bộ.

“Ở miền Tây Nam bộ có nhiều kênh, rạch nên cây sầu riêng được các nhà vườn trồng trên luống đất cao để tránh úng nước. Còn ở Hoài Ân toàn đất gò, đất đồi, đất sét, thịt nặng nên tôi phải bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng cách đào hố có kích cỡ 80x80cm, sau đó mua phân chuồng đã được xử lý bằng cách ngâm ủ với vôi và nấm Trichoderma đổ xuống hố rồi mới trồng cây giống”, ông Cấp chia sẻ.

Đến khi sầu riêng được 4 năm tuổi, ông Cấp bắt đầu cho chúng ra hoa, đậu quả. Gọi là “cho” sầu riêng ra hoa, đậu quả là bởi công đoạn này không thuận theo tự nhiên, mà có sự can thiệp của con người. Sau 4 năm chăm sóc cật lực, cho cây sầu riêng ăn phân, uống nước đầy đủ, đến khi muốn cây ra hoa, ông Cấp cắt nước để đánh thức cây sầu riêng, sau đó cho cây ăn lân và kali để kích thích cây ra hoa.

“Trước khi cho sầu riêng ra hoa, tôi phải thăm vườn thường xuyên để nhận dạng lá. Khi thấy lá bắt đầu chuyển từ màu xanh nhạt sang màu xanh đậm, biết là khi ấy lá đã già nên tôi bắt đầu cắt nước, không tưới cho sầu riêng nữa.

Sau khi cắt nước 20 ngày, tôi cho sầu riêng ăn phân lân và kali, khoảng 45 ngày sau cây nhú hoa to bằng mắt con cua. Đến lúc này tôi bắt đầu tưới nước trở lại nhưng với liều lượng rất ít, chỉ tưới đủ để hoa giữ được độ tươi, bởi nếu tưới đẫm hoa sẽ rụng hết. Sau đó tôi xử lý cho cây bung lá, lớp lá này có nhiệm vụ nuôi hoa cho tốt”, ông Cấp chia sẻ.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên sầu riêng của ông Đặng Văn Cấp cho hoa rất nhiều. Ảnh: V.Đ.T.

Năm nay thời tiết thuận lợi nên sầu riêng của ông Đặng Văn Cấp cho hoa rất nhiều. Ảnh: V.Đ.T.

Sau giai đoạn nuôi hoa, nhà vườn tiếp tục vất vả với giai đoạn nuôi quả. Khi hoa sầu riêng bằng đầu ngón tay út, trước khi hoa xổ nhụy từ 7 - 10 ngày phải hãm đọt, không cho lá phát triển nữa để cây dành sức nuôi quả. Trong giai đoạn này cây cần bồi dưỡng để có sức nuôi quả nên cần phải được tưới đầy đủ, liều lượng nước tưới tăng dần lên.

Trồng sầu riêng phải bám vườn ngày đêm để theo dõi sinh trưởng của cây nhằm phát hiện bệnh, nhất là giai đoạn cây ra hoa, đậu quả. Khi cây sầu riêng xổ nhụy, 3 tháng sau là quả chín, đến thời kỳ thu hoạch. Vườn sầu riêng của tôi khoảng cuối tháng 6 dương lịch là thu hoạch. Sầu riêng ở Hoài Ân cho thu hoạch muộn hơn sầu riêng ở miền Tây Nam bộ khoảng 1 - 2 tháng, sớm hơn sầu riêng ở Gia Lai, Đắk Lắk 1 tháng, do đó không sợ sầu riêng các vùng trồng lớn nói trên cạnh tranh”, ông Cấp cho hay.

Năm trước, vườn sầu riêng của ông Đặng Văn Cấp cho quả rất sai, chất lượng tốt. Ảnh: V.Đ.T.

Năm trước, vườn sầu riêng của ông Đặng Văn Cấp cho quả rất sai, chất lượng tốt. Ảnh: V.Đ.T.

Thu nhập cao ngất ngưởng

Theo ông Đặng Văn Cấp, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên 30 cây sầu riêng của ông ra hoa kín cây, ông Cấp phải tỉa bớt hoa, mỗi cành chỉ để lại 5 - 7 chùm hoa, đậu 5 - 7 quả. Năm nay đã là năm thứ 3 sầu riêng của ông Cấp cho quả. Với thời tiết thuận lợi như năm nay, ông Cấp dự kiến mỗi cây sẽ cho 50 quả, bình quân mỗi quả đạt 3kg, như vậy mỗi cây sầu riêng sẽ cho 150kg quả. Với 30 cây sầu riêng ngang tuổi nhau, năm nay ông Cấp sẽ thu được 4,5 tấn quả. Năm ngoái sầu riêng của ông Cấp bán với giá 80.000đ/kg, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu cho người tiêu dùng trong huyện.

“Theo tính toán, với 30 chục cây sầu riêng năm nay tôi sẽ thu được khoảng 360 triệu đồng. Trong khi đó, với 1.000 cây dừa ta tôi trồng quanh trang trại, năm nào được giá nhất tôi cũng chỉ thu được 150 triệu đồng, năm nào dừa mất giá thì chỉ 100 triệu đồng. 30 cây sầu riêng mà cho thu nhập cao gần gấp 3 lần 1.000 cây dừa ta”, ông Cấp chia sẻ.

Hiệu quả của cây sầu riêng đã nhanh chóng thu hút nông dân Hoài Ân cải tạo vườn tạp, phá bỏ những diện tích trồng keo trên đất vườn đồi để chuyển sang trồng sầu riêng.

Những cây sầu riêng ra hoa lứa đầu của ông Võ Hoàng Hiền ở thôn Thạch Long 2, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Những cây sầu riêng ra hoa lứa đầu của ông Võ Hoàng Hiền ở thôn Thạch Long 2, xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tiếng lành đồn xa, ở thôn láng giềng, ông Võ Hoàng Hiền (61 tuổi) có 10 sào đất (500m2/sào) tại thôn Thạch Long 2 (xã Ân Tường Đông) đang định trồng keo cũng lập tức chuyển sang trồng sầu riêng. Cách đây hơn 4 năm, ông Hiền vào Đồng Nai mua 100 cây sầu riêng giống Monthong về trồng, năm nay là năm đầu tiên sầu riêng của ông ra hoa.

Theo chia sẻ của ông Hiền, thổ nhưỡng, khí hậu ở Hoài Ân khá phù hợp nên cây sầu riêng phát triển rất tốt. Ngặt nỗi do ông chưa nắm bắt kỹ thuật nuôi hoa nên lứa hoa đầu ra vào tháng chạp năm trước bị rụng hết. Hiện ông Hiền chỉ giữ lại 6 cây cho nhiều hoa nhất, còn lại 94 cây ông phá hết hoa, bắt đầu làm theo quy trình do HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân hướng dẫn cho ra lứa hoa thứ 2.

“Tôi nghe ngóng biết ở Hoài Ân có nhiều mô hình trồng sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, cây trồng này cũng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Do là cây trồng mới, tôi chưa nắm được quy trình cắt nước để cây cho hoa và kỹ thuật nuôi hoa nên lứa hoa đầu rụng hết. Hiện tôi được cán bộ kỹ thuật của HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân hướng dẫn kỹ thuật nuôi hoa, nuôi quả, hi vọng lứa hoa sau sẽ đậu quả thành công”, ông Hiền chia sẻ.

Theo ngành nông nghiệp huyện Hoài Ân, qua theo dõi, đánh giá từ năm 2016 đến nay, cây sầu riêng cho thấy rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Hoài Ân, đặc biệt là giống sầu riêng Monthong. Dù chưa được nông dân chăm sóc đúng quy trình nhưng sầu riêng vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Ông Võ Hoàng Hiền sử dụng phân bò ủ hoai để bón cho sầu riêng theo quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Võ Hoàng Hiền sử dụng phân bò ủ hoai để bón cho sầu riêng theo quy trình canh tác theo hướng hữu cơ. Ảnh: V.Đ.T.

“Sầu riêng là cây trồng mới trên đất Hoài Ân nên ngành chức năng phải cử cán bộ đi học hỏi kinh nghiệm chăm sóc từ các đơn vị chuyên ngành ở những vùng trồng nhiều sầu riêng như Đắk Lắk để hướng dẫn lại cho nông dân. Hiện nay, người trồng sầu riêng ở Hoài Ân đã rành kỹ thuật cắt nước để cây cho hoa, biết cách chặn đọt để cây tập trung nuôi quả… Có nhiều chủ nhà vườn sầu riêng còn mời cả những người dày dạn kinh nghiệm với cây trồng này từ Đắk Lắk, Đồng Nai về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc”, ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân cho biết.

“Hiện ở Hoài Ân đã trồng được khoảng 30ha cây sầu riêng, tập trung tại các xã Ân Hảo Đông, Ân Mỹ, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, Ân Hữu… Do đất ở Hoài Ân thiếu sắt, đồng nên khi sầu riêng ra hoa nông dân cần phải bổ sung trung, vi lượng hoa mới đậu, đó là điều cơ bản cần biết để sầu riêng cho sai quả”, anh Thái Thành Việt, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân chia sẻ.

Vũ Đình Thung - Kim Sơ

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam có nhiều thuận lợi phát triển nông nghiệp hữu cơ

Việt Nam chủ yếu mới đưa các chất hoá học vào sản xuất nông nghiệp khoảng 50 năm nên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn canh tác nông nghiệp truyền thống.

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Khẳng định vị thế 'bá chủ' ngành quế thế giới

Từ năm 2021, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu quế lớn nhất thế giới. Hiện nay, ngành quế cần có chiến lược đổi mới để trở thành quốc gia xuất khẩu quế bền vững.

Xem Thêm