Thứ ba, 26/11/2024 | 22:47 GMT +7
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ: Muốn phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phải tìm kiếm được thị trường cho sản phẩm hữu cơ.
Hiện nay, thị trường cho sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam ngày càng phát triển vì mức thu nhập của người dân ngày càng tăng lên; từ chỗ lo đủ ăn đã chuyển thành ăn ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, hiện nay người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn sử dụng các sản phẩm theo tiêu chí: Sản phẩm bắt mắt, ngon, hợp khẩu vị (87%); sản phẩm an toàn (80%); sản phẩm có bao bì ghi thông tin rõ ràng (39%); sản phẩm hữu cơ (26%). Như vậy có thể thấy, sản phẩm hữu cơ vẫn chiếm tỷ lệ thấp trong bức tranh tiêu dùng.
Theo bà Hạnh, hiện nay còn rất nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về định nghĩa “hữu cơ”. Do đó, cần đưa ra một định nghĩa đơn giản, rõ ràng về mô hình sản xuất hữu cơ là cách sản xuất đảm bảo nguyên tắc "6 không": Không phân bón vô cơ; không thuốc bảo vệ thực vật; không thuốc diệt cỏ; không dùng giống biến đổi gien; không dùng thuốc kích thích tăng trưởng; không có hóa chất trong đất và nước.
Về thị trường xuất khẩu, hiện tại, nông sản hữu cơ của Việt Nam đến được nhiều nhất là thị trường châu Âu. Theo thống kê chính thức của EU, doanh số bán lẻ của nông sản ở thị trường EU đạt 45 tỷ Euro. Đức là thị trường lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ hai thế giới với 11,97 tỷ Euro doanh thu bán lẻ. Thị trường hữu cơ châu Âu ghi nhận tốc độ tăng trưởng 8%. Mức tăng trưởng cao nhất được quan sát thấy ở Pháp là 13,4%. Trong thập kỷ 2010 - 2019, giá trị thị trường hữu cơ của Liên minh châu Âu đã tăng hơn gấp đôi.
Từ đó có thể thấy, cơ hội cho sản phẩm hữu cơ Việt Nam rất rộng mở. Do đó, cần giao sự giám sát cho xã hội, nghĩa là mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm. Ngoài ra, công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được trước nhất là sản phẩm an toàn và hữu cơ khác nhau thế nào, cần cho ai, cần như thế nào...
Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban điều phối PGS Việt Nam cho rằng: Nông dân sản xuất nhỏ lẻ phải tự bươn chải, làm theo các thương lái mà họ đã liên kết, từ đó dẫn đến vấn nạn mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Chúng tôi vận dụng hệ thống gồm các bên như nông dân, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp có định hướng tốt, chính quyền địa phương, hội phụ nữ, hội nông dân... tham gia một cách tự nguyện để giám sát. Việc đưa nông dân vào một chuẩn nhận thức đã rất khó, do đó, cửa hàng tiếp cận thị trường nếu có sai sót sẽ ảnh hưởng tới cả chuỗi. Vì vậy, khi chọn đối tác kết nối thị trường, chúng tôi luôn đặt cho họ nhiệm vụ chăm sóc khách hàng, giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là hữu cơ", bà Nhung chia sẻ.
Theo bà Nhung, sản phẩm hữu cơ phải có “giá bán hữu cơ” mới tương xứng với quá trình sản xuất tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức, chi phí để đầu tư, duy trì.
Cùng chung quan điểm, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh cho rằng: Tiềm năng, thế mạnh để sản xuất sản phẩm lúa hữu cơ của Việt Nam còn rất lớn, nhất là khu vực Tây Bắc và ĐBSH. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn hiện nay là nhiều doanh nghiệp, trong đó có Bảo Minh đã xây dựng được vùng nguyên liệu lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ USDA nhưng nhà máy chưa đạt tiêu chuẩn, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp phải mua nguyên liệu hữu cơ với giá cao hơn 60% và bán giá thường.
Trên cơ sở đó, bà Hiếu kiến nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, quy định rõ vùng nguyên liệu tại đâu được hưởng những chính sách nào. Bên cạnh đó, giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất xây dựng nhà máy; có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn “mua nguyên liệu giá hữu cơ, bán sản phẩm giá thường” như hiện nay.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT cho phép xã hội hóa các chương trình đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Vườn 'trái cây vua' này không chỉ mang lại giá trị cao, bền vững mà còn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch.
Trang trại chăn nuôi lợn Móng Cái của HTX Vạn Thành Phát (phường Hải Yên, TP Móng Cái) được cấp giấy chứng nhận hữu cơ đầu tiên ở tỉnh Quảng Ninh.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.