Thứ sáu, 08/11/2024 | 20:04 GMT +7
Đã qua 16 vụ lúa, HTX Nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) rất phấn khởi thực hiện canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Mô hình này đang mang lại niềm tin lạc quan cho ngành hàng lúa gạo của Đồng Tháp.
Khoảng đầu năm 2017, nhận thấy thị trường xuất khẩu gạo đối mặt với nhiều khó khăn, trong khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước ngày một cao hơn về việc sử dụng gạo an toàn. Ông Phan Công Chính, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Bình, huyện Thanh Bình bắt đầu manh nha ý tưởng trồng lúa hữu cơ để phục vụ thị trường nội địa. Ban đầu ông Chính trồng thử nghiệm trên diện tích 1ha ruộng nhà với giống lúa Nàng Hoa 9. Do thiếu kinh nghiệm ruộng lúa bị nhiều dịch hại tấn công nên vụ đầu tiên ông Chính chỉ thu được 3 tấn lúa/ha. Ba tấn lúa này được ông Chính xay xát và biếu tặng bạn bè tiếp thị cho sản phẩm mới.
Ông Chính nói: Từ cách làm lúa bình thường chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ là một quá trình đòi hỏi bản thân phải thật sự tâm huyết và tin vào chính mình thì mới thành công. Phải có niềm tin thì mới đủ sức vượt qua những giới hạn và rào cản của chính mình. Đã sản xuất hữu cơ thì phải bỏ qua cái tư duy đặt nặng sản lượng. Ngoài tâm huyết thì còn phải có uy tín và trung thực với khách hàng.
Hiện nay, ông Chính đã triển khai cho các thành viên trong HTX trồng lúa theo hướng hữu cơ. Sự nỗ lực và quyết tâm của ông đã được người tiêu dùng ghi nhận và trợ lực từ chính quyền địa phương. Kể từ vụ lúa đông xuân 2018-2019, được sự hỗ trợ của địa phương và Sở Khoa học Công nghệ Đồng Tháp, ông Chính đã mở rộng mô hình sản xuất lên 20ha và được xây dựng một quy trình sản xuất bài bản, có sự hướng dẫn và tư vấn của các chuyên gia. Ông sử dụng thuốc sinh học, nấm xanh, chất kích kháng, trồng hoa trên bờ ruộng để quản lý dịch hại.
Còn tại HTX nông nghiệp Thuận Tiến ở xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) sản xuất lúa theo mô hình “Ruộng nhà mình” là bước đệm để HTX thực hiện các mô hình sản xuất lúa thông minh. Trong đó, điều mà HTX hướng đến là sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ, VietGAP đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước và còn xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc HTX Thuận Tiến, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh cho biết: Đây là mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn theo quy trình từ gieo cấy đến thu hoạch có kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, thực hiện cấy cơ giới 60kg/ha giống lúa xác nhận kết hợp với bón vùi phân thông minh, chỉ bón một lần cho suốt vụ. Áp dụng quy trình tưới ngập khô xen kẽ, quản lý nước bằng hệ thống cảm biến qua điện thoại thông minh. Quản lý đồng ruộng bằng hệ thống camera vào quy trình sản xuất lúa, áp dụng các giải pháp kỹ thuật đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, HTX còn quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng theo quy trình canh tác “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Đặc biệt, toàn bộ sản phẩm của mô hình được Công ty Lương thực Đồng Tháp bao tiêu, đóng gói với thương hiệu “Ruộng nhà mình” cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Hiện nay Đồng Tháp đang đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ thân thiện với môi trường. Qua đó giúp người nông dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và cải thiện thu nhập. Từng bước tiếp cận tốt hơn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích cao hơn 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất bình thường.
THANH HÓA Bà Sanh mất hơn 30 năm cải tạo vùng đồi cằn thành những vườn cây ăn quả trù phú, mỗi năm cho thu nhập hàng tỷ đồng.
BÌNH DƯƠNG HTX Tân Mỹ nổi bật trong ứng dụng công nghệ cao trồng bưởi hữu cơ, góp phần cải thiện độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
THÁI NGUYÊN Để tăng giá trị sản phẩm, phát triển điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, HTX Trà Cao Sơn đang chuyển đổi phương thức sản xuất chè sang hữu cơ.
Giữa đầm sen, lá đang rạc đi trong nắng hanh, những người thợ đào củ sen ngâm mình dùng vòi bơm cao áp sục xuống bùn để củ sen long ra rồi bỏ vào khay.
Chăn nuôi bò thịt trên thế giới đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ dựa trên công nghệ và yêu cầu thị trường, giúp tăng hiệu quả kinh tế và giảm tác động môi trường.
BÌNH PHƯỚC Cây măng tre canh tác hữu cơ rất dễ vì gần như chẳng có sâu bệnh hại, không phải dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, chỉ cần chú trọng bón phân hữu cơ.