Thứ tư, 20/11/2024 | 15:27 GMT +7
Trong văn hóa Việt Nam, các loại bánh làm từ nếp vốn đã rất quen thuộc. Trong đó, nổi bật là bánh chưng và bánh tét, ngoài ra còn có nhiều loại bánh khác hết sức đa dạng. Tuy nhiên không nhiều người biết rằng, thực ra bánh nếp là một nét văn hóa phổ đồng trong khu vực Đông Á, với những loại bánh khá gần gũi nhau.
Cả ba loại bánh làm từ nếp phổ biến ở Việt Nam là bánh chưng, bánh tét, bánh ú đều có mặt ở Trung Quốc. Trong văn hóa Trung Hoa, các loại bánh nếp được gọi chung là tống (粽) hoặc tống tử (粽). Tuy vậy, ý nghĩa phổ biến hơn cả của tên gọi ấy là để chỉ bánh ú. Ngoài ra để phân biệt, mỗi loại bánh có tên riêng, tùy theo hình dáng.
Bánh chưng được gọi là phương tống (方粽), trong đó “phương” có nghĩa là vuông, như thế “phương tống” có nghĩa là bánh nếp hình vuông. Loại bánh nầy được cho là có nguồn gốc từ văn hóa Bách Việt cổ đại. Ngày nay tại Trung Quốc, bánh chưng chỉ xuất hiện ở một số khu vực hoặc tộc người từng chịu ảnh hưởng của văn hóa Bách Việt trong quá khứ. Ngoài ra, do bánh chưng là loại bánh đặc trưng của văn hóa Việt Nam, nên người Trung Hoa còn gọi là Việt Nam phương tống.
Bánh ú được gọi là giác tống (角粽), trong đó “giác” có là nghĩa là góc, vì bánh nầy có hình góc nhọn. Ngoài ra, nó có tên gọi khác là giác thử (角黍), nhưng cách giải thích có phần khác hơn. Trong tên gọi nầy, “giác” có nghĩa là cái sừng, “thử” có nghĩa là nếp, như thế “giác thử” có nghĩa là bánh nếp hình chiếc sừng. Tương truyền, trong văn hóa dân gian Trung Hoa, có loài thú đã tu luyện thành thần mang tên là Giải Trãi. Đây là loài dê một sừng (độc giác dương) sống ở dưới nước. Có thể do bánh ú thường được dùng để cúng thần Giải Trãi trong dịp tết Đoan ngọ, nên người ta chế tác mô phỏng hình chiếc sừng và gọi là giác thử.
Bánh tét được gọi là trường tống (長粽) với “trường” có nghĩa là dài, hoặc đồng tống (筒粽) với “đồng” có nghĩa là ống, vì loại bánh nầy có thân dài và nhìn giống dạng ống. Không ít nhà nghiên cứu Việt Nam giải thích, bánh tét ở miền Nam là biến thể của bánh chưng ở miền Bắc. Thậm chí có lý giải cho rằng, do người Việt tiếp xúc với văn hóa Champa thờ thần Shiva, nên bánh chưng đã chuyển thành hình trối tròn tượng trưng cho linga - biểu tượng của thần Shiva. Song, với việc bánh tét không chỉ có mặt ở Việt Nam, những giả thuyết ấy trở nên thiếu thuyết phục.
Khác với người Việt Nam ăn các loại bánh nếp trong dịp tết Nguyên đán, người Trung Quốc chủ yếu ăn chúng trong dịp tết Đoan ngọ, họ còn gọi là lễ hội Thuyền rồng.
Khao tom mat hay khao tom là một loại bánh phổ biến ở Thái Lan và Lào. Đặc điểm của loại bánh nầy là lớp nếp dầy dặn được gói trong lá chuối. Nếp có thể trộn với một ít đậu đen. Nhưn bánh thường là chuối, có khi thay đổi thành đậu xanh, khoai môn, thịt heo… Khi gói, hai chiếc bánh được cột chung thành một cặp.
Vì thế, khao tom mat là loại bánh biểu tượng cho cặp đôi tại đất nước chùa tháp. Người Thái Lan quan niệm rằng, khi chư tăng bắt đầu ba tháng An cư mùa mưa, nếu cặp đôi nào dâng cúng khao tom mat cho các nhà sư thì sẽ có được tình yêu bền vững.
Bánh khao tom mat còn gắn với lễ hội Mahachat vào ngày 15 tháng 12 âm lịch tại Thái Lan. Theo giai thoại Phật giáo, đây là ngày sanh của Vương tử Vessantara, một tiền thân của Đức Phật Thích Ca. Ngài có đức tánh từ bi vĩ đại, sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có. Do đó, lễ hội nầy được xem là lễ hội bố thí tại các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda (Thượng tọa bộ), trong đó có Thái Lan.
Ketupat là một loại bánh gạo rất nổi tiếng tại các quốc gia Đông Nam Á hải đảo như Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei, Philippines. Nguyên liệu chính của bánh là gạo hoặc nếp mà trước đó đã được ngâm trong nước nấu từ hạt dẻ ngựa. Bánh được bao bọc bên ngoài bằng lá đan kết với nhau theo hình kim cương. Ngoài ra, người ta có thể trộn thêm một ít đậu đen hoặc đậu xanh chung với gạo nếp.
Xung quanh hình thức chiếc bánh có nhiều cách giải thích thú vị. Có người cho rằng, những chiếc lá đan cài bên ngoài tượng trưng cho những lỗi lầm của con người, còn gạo nếp trắng bên trong tượng trưng cho tâm hồn đã được thanh lọc. Lại có người lý giải, lá gói bên ngoài có chức năng xua đuổi những điều xui xẻo, gạo nếp bên trong là biểu tượng cho sự sung túc và hạnh phúc, cho nên treo bánh ketupat trước cửa nhà có thể trừ tà.
Hằng năm, vào đầu tháng 10 Hồi lịch, những người theo đạo Islam (Hồi giáo) trên thế giới tổ chức lễ hội Eid al-Fitr, đánh dấu hoàn thành tháng nhịn ăn Ramadan. Ở các quốc gia Đông Nam Á hải đảo, những chiếc bánh ketupat được các tín đồ Islam chuẩn bị với số lượng lớn, phục vụ cho lễ hội quan trọng nầy.
Một điều thú vị là Nam Bộ - Việt Nam có những loại bánh nếp khá tương đồng với các loại bánh của các nước bạn. Bánh cắp là một loại bánh gần giống với bánh tét, nhưng thân dẹp và ngắn, nhưn thường là chuối hoặc đậu.Mỗi chiếc bánh có hai mặt, một mặt phẳng và một mặt cong. Sau khi gói xong, hai chiếc bánh được cột lại, hai mặt phẳng áp sát vào nhau, hai mặt cong nằm phía ngoài. Từ “cắp” có nghĩa là chắp lại với nhau thành một cặp. Bánh cắp gần giống với bánh khao tom mat ở Thái Lan.
Bánh lá dừa được gói từ gạo nếp trộn với một ít đậu, nhưn thường là chuối. Bánh có hình chữ nhựt, dẹp hai đầu, bên ngoài gói bằng lá dừa quấn vòng quanh thân bánh. Có thể thấy, bánh lá dừa gần giống với bánh ketupat tại các quốc gia Đông Nam Á hải đảo.
Người Khmer ở Nam Bộ có bánh kà tum hay ka tom, phổ biến tại tỉnh An Giang, cũng gần giống với bánh ketupat. Bánh kà tum được làm từ nếp trộn với một ít đậu. Bên ngoài, bánh được gói lại bằng lá thốt nốt đan kết vào nhau, có những cánh hoa trên đầu. Nhìn chung, chiếc bánh giống như quả lựu, nhưng mang hình khối vuông.
Bánh bá trạng là cách gọi của người Việt dùng để chỉ bánh ú nhưn thập cẩm của người Hoa. Nó vốn có tên là nhục tống, có nghĩa là bánh nếp thịt, trong đó “nhục” là thịt và “tống” là nếp. Người Hoa ở Tây Nam Bộ chủ yếu là nhóm phương ngữ Triều Châu, nhục tống theo cách phát âm của họ là “bah tsàng”, từ đó người Việt nói trại thành “bá trạng”.
Tỉnh Trà Vinh có đặc sản bánh tét Trà Cuôn với đặc điểm là phần nếp có ba màu. Trước nay, hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng đây là món ăn có nguồn gốc từ văn hóa Khmer. Tuy nhiên, rất có thể nó có nguồn gốc từ văn hóa Hoa, vì tại Trung Quốc cũng có loại bánh hoàn toàn giống như vậy. Mặt khác, chúng ta cần chú ý, trong loại bánh tét nầy có sử dụng trứng muối. Đây là thành phần ít gặp trong ẩm thực của người Việt và Khmer, nhưng lại rất phổ biến trong ẩm thực của người Hoa. Trứng muối có mặt trong nhiều món ăn của người Hoa trong đó nổi bật là bánh bao, bánh pía, bánh trung thu… Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu là ba tỉnh có đông người Hoa nhóm Triều Châu sinh sống, có thể họ đã mang loại bánh tét ba màu nầy từ Trung Quốc sang Việt Nam, rồi được người Khmer và người Việt đón nhận.
Bà Rịa - Vũng Tàu Gần sát thành phố biển Vũng Tàu, đến làng chài Phước Hải, du khách có thể thỏa thích tận hưởng bầu không khí mát lành cùng món đặc sản hàu sữa ngon khó cưỡng.
Tại lễ hội ẩm thực yến sào Khánh Hòa, các đội thi đã tạo ra các món ăn mới lạ, sáng tạo, hấp dẫn và bổ dưỡng với nguyên liệu chính là yến sào…
HÀ NỘI Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực nông sản Việt Nam gắn với hệ thống cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài ở Việt Nam được tổ chức từ ngày 27 - 29/10.
Đầu năm 2022, Công ty TNHH Chế biến dừa sáp Cầu Kè (Vicosap) cho ra mắt một sản phẩm rất ‘độc lạ’, sữa chua dừa sáp sấy khô giòn tan.
Một điều thú vị là Nam bộ có những loại bánh nếp khá tương đồng với các loại bánh của các nước bạn.
Những ngày lễ, Tết, bà con dân tộc Tày ở Văn Bàn (Lào Cai) chuẩn bị những nguyên liệu ngon nhất Tây Bắc để gói bánh truyền thống.
Cà Mau Tại ngày hội cua Cà Mau sẽ diễn ra cuộc thi ẩm thực với chủ đề “Hương vị cua Cà Mau” kết hợp việc xác lập kỷ lục 69 món chế biến từ cua.
Hà Nội Năm 2022 - 'Ngày của Phở 12-12' bước sang năm thứ 6, với chủ đề Phở Việt - Tinh hoa hội tụ, chương trình sẽ được tổ chức tại Nam Định từ 10-12/12.
Đến Tú Lệ mùa lúa chín nơi đâu cũng thấy thơm mùi cốm mới, mùi hương thơm ngào ngạt của lúa nếp tan. Đó là bí quyết làm cốm của người dân Tú Lệ.
Bún khô, mắm cá ruộng, bánh gai… là các sản phẩm ẩm thực đặc sản truyền thống ở các bản làng Tuyên Quang đang dần được khôi phục và gắn sao OCOP.