Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:13 GMT +7
Cứ vào độ cuối thu, khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm là đến vụ hạt dẻ Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đến thời điểm này, quả dẻ sẽ tách vỏ và rơi xuống đất. Người trồng mỗi buổi sáng và chiều chỉ việc ra vườn dùng que gắp dẻ rồi mang về.
Hạt dẻ Trùng Khánh mỗi quả sẽ có từ 1 - 3 hạt, to khoảng như ngón chân cái. Sau khi tách hạt, dùng dao hoặc kéo cắt đầu hạt thành hình chữ thập, rồi đem luộc sơ qua từ 40 - 45 phút. Cuối cùng đem rang qua chảo, khi thấy mùi thơm thoang thoảng là có thể ăn được ngay.
Hạt dẻ Trùng Khánh có vị ngọt, bùi, rất riêng biệt, hấp dẫn bất cứ ai lần đầu thưởng thức. Khác biệt so với các loại dẻ ở các địa phương khác trong nước hay hạt dẻ Trung Quốc.
Năm nay, theo đánh giá của nhiều chủ vườn thì do thời tiết thất thường, nhất là thời điểm ra hoa, kết quả nên hạt dẻ mất mùa, sản lượng chỉ bằng hơn nửa năm 2020.
Gia đình ông Hoàng Văn Đồng, Tổ 8, Thị trấn Trùng Khánh chia sẻ: "Gia đình tôi trồng dẻ từ năm 1997 với gần 200 cây. Lúc đó trồng không theo đúng kỹ thuật, khoảng cách qúa dày nên cây chậm phát triển. Sau vài năm, tôi chặt tỉa dần để tạo khoảng cách cho cây phát triển tán tốt, cho quả nhiều hơn.
Hiện nay, vườn dẻ của gia đình còn hơn 70 cây, vừa trồng mới thêm hơn 20 cây. Có năm sai quả nhất thu được gần 3 tấn dẻ, thu hơn 200 triệu đồng. Năm nay mất mùa, chắc chỉ thu được hơn 5 tạ, bằng một nửa so với năm ngoái".
Vườn dẻ rộng 7.000 m2 của ông Hoàng Văn Chất, xóm Bản Đà, Thị trấn Trùng Khánh được trồng từ năm 2004, là một trong những vườn dẻ trồng đầu tiên ở huyện.
Ông Chất bộc bạch: Thời điểm này năm ngoái, mỗi ngày thu được trung bình 40 - 60 kg hạt. Nhưng năm nay mất mùa, đi nhặt cả sáng mới được hơn 20 kg, không đủ cung cấp theo đặt hàng của khách. Với giá bán khoảng 120 nghìn đồng/kg, dẻ của gia đình ông chỉ mang gửi cho khách theo đặt hàng chứ không cần mang ra chợ bán đã hết.
Anh Nông Văn Mạnh, phường Sông Hiến, Thành phố Cao Bằng tâm sự: Hạt dẻ Trùng Khánh là đặc sản nhưng năm nào cũng vậy dù đặt mua từ sớm vẫn không lấy được nhiều. Năm nay anh phải nhờ người quen ở huyện Trùng Khánh vào tận vườn đặt mua từ sớm để có chục kg gửi cho bạn bè dưới Hà Nội thưởng thức.
Đến nay, toàn huyện Trùng Khánh có gần 300 ha trồng dẻ, sản lượng dẻ mỗi năm khoảng 130 - 160 tấn, tập trung tại các xã nằm trong vùng được cấp chỉ dẫn địa lí như Khâm Thành, Phong Châu, Chí Viễn, thị trấn Trùng Khánh… Mấy năm gần đây, huyện Trùng Khánh hỗ trợ cấp phát hơn 10.000 cây giống, trồng mới hơn 100 ha dẻ. Riêng vụ đông xuân năm 2020 - 2021, huyện trồng mới 65 ha dẻ.
Ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trùng Khánh thông tin: Nếu trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật, khoảng 4 năm cây dẻ sẽ cho thu hoạch, đến năm thứ 6 - 7 sẽ cho quả nhiều. Cây dẻ có thể cho quả vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm. Với giá bán hiện nay từ 120 - 140 nghìn đồng/kg, nếu mỗi hộ dân trồng từ vài chục đến hàng trăm cây sẽ cho thu nhập từ vài chục triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, trồng dẻ ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật thì còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên sản lượng không ổn định từng năm. Có năm thời tiết thuận lợi quả sai nhưng có năm mưa nhiều quá lại mất mùa. Năm nay, sản lượng dẻ toàn huyện ước chỉ hơn 10 tấn, không đủ phục vụ nhu cầu khách hàng.
Nhằm phát huy thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế của loại cây này, tỉnh Cao Bằng đã có nhiều giải pháp mở rộng diện tích trồng cây dẻ. Tỉnh xác định từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành vùng sản xuất cây dẻ tại huyện Trùng Khánh với quy mô lên tới 1.000 ha.
Nguồn kinh phí thực hiện dự kiến là trên 68 tỷ đồng, được lấy nguồn từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới, ngân sách địa phương, vốn đối ứng của các tổ chức, cá nhân tham gia, kêu gọi đầu tư.
Ông Trịnh Trường Huy, Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: Để hoàn thành mục tiêu trồng được 1.000 ha dẻ, huyện hướng đến tập trung ruộng đất, chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dẻ. Xây dựng vườn ươm để chọn cây giống tốt, đảm bảo năng suất vườn ươm; tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP cho người dân.
Chú trọng việc liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hình thành chuỗi giá trị hàng nông sản; xây dựng được nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản hạt dẻ. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng thương hiệu và khai thác sử dụng có hiệu quả chỉ dẫn địa lý của hạt dẻ Trùng Khánh đã được cấp văn bằng bảo hộ.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.
Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.
QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.
Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.