Chủ nhật, 05/05/2024 | 04:19 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 06:38, 06/11/2023

Hải Phòng tìm hướng đi để có 1.000ha sản xuất hữu cơ

HẢI PHÒNG Hải Phòng đã đưa ra kế hoạch trong vòng 7 năm (2023 - 2030) sẽ tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ từ 40ha lên gần 1.000ha.

Mở rộng diện tích canh tác hữu cơ gần 1.000ha

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp ở TP Hải Phòng đang đứng trước thách thức lớn đó là sự gia tăng nhanh mức độ ô nhiễm môi trường, đất canh tác bị nhiễm độc và mất dần độ màu mỡ do việc sử dụng ngày càng nhiều phân hoá học, thuốc BVTV… 

Tại Hải Phòng, mặc dù sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã chiếm tỷ trọng nhất định nhưng quy mô còn nhỏ lẻ, phân tán, cơ bản mới chỉ thực hiện theo hướng hữu cơ, một số mô hình đã đạt tiêu chuẩn hữu cơ nhưng còn rất hạn chế so với tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng.

Một trong số ít mô hình sản xuất lúa được cấp chứng nhận hữu cơ ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Một trong số ít mô hình sản xuất lúa được cấp chứng nhận hữu cơ ở Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Do vậy, việc chuyển đổi mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái, bền vững, nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng tất yếu và Hải Phòng đã thực sự vào cuộc để đưa sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng này.

Theo ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, hiện nay trên địa bàn Hải Phòng nói riêng cũng như cả nước cơ bản vẫn là sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ, các tổ chức, cá nhân được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ còn rất ít. Đây là thực trạng chung do phát triển nông nghiệp hữu cơ mới được ban hành kế hoạch cụ thể trên phạm vi cả nước. Phải có kế hoạch thì các địa phương mới bắt tay vào thực hiện các bước để cụ thể hóa.

Qúa trình triển khai để sản xuất hữu cơ cần trải qua nhiều bước và phải mất ít nhất 2 năm để được chứng nhận hữu cơ. Bước đầu tiên là phải có quy hoạch vùng sản xuất hữu do UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt, sau đó mới ban hành quy trình canh tác hữu cơ và cuối cùng là các đơn vị có thẩm quyền giám sát, cấp chứng chỉ canh tác hữu cơ.

"Hải Phòng đã quy hoạch được vùng sản xuất hữu cơ, đã ban hành được quy trình canh tác hữu cơ. Sở NN-PTNT đang chuẩn bị triển khai các bước ở giai đoạn chuyển tiếp thành các sản phẩm hữu cơ. Quy trình có 3 bước thì chúng tôi đã làm được 2 bước, sang năm chúng tôi sẽ thuê các đơn vị chuyên môn giám sát về hỗ trợ cho các vùng sản xuất hữu cơ để thực hiện các thủ tục chứng nhận hữu cơ cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện”, ông Tùng cho hay.

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng kiểm tra mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng kiểm tra mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Thời gian qua, để khuyến khích nông dân trồng trọt theo hướng hữu cơ, ngoài việc vận dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, ngành nông nghiệp thành phố đã tham mưu cho UBND TP Hải Phòng ban hành quyết định phê duyệt đề án xác định vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây có thể xem là bước ngoặt cho phát triển sản xuất hữu cơ ở Hải Phòng.

Để thực hiện hiệu quả đề án, UBND TP Hải Phòng đã đưa ra kế hoạch và đặt ra 6 nhiệm vụ, 9 giải pháp trọng tâm để tổ chức thực hiện. Theo đó, kế hoạch xác định rõ nhiệm vụ và giao trách nhiệm cho các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện. Việc tổ chức phát triển sản xuất trồng trọt hữu cơ sẽ được triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện từng tiểu vùng sinh thái, thế mạnh của địa phương, nhu cầu của thị trường gắn với chuỗi giá trị, chuỗi kết nối cung - cầu và đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện hành.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, tổng diện tích cánh tác hữu cơ của TP Hải Phòng đạt 980ha, chiếm 2,6% tổng diện tích đất trồng trọt và giá trị sản phẩm trồng trọt hữu cơ gấp 1,5 - 1,8 lần sản xuất phi hữu cơ. Về quy hoạch, đến năm 2030, toàn TP Hải Phòng sẽ có 43 vùng sản xuất lúa hữu cơ với tổng diện tích 616ha, 32 vùng sản xuất rau hữu cơ với tổng diện tích 213ha, 22 vùng sản xuất cây ăn quả hữu cơ với tổng diện tích 151ha.

Tạo đà cho nông nghiệp hữu cơ từ các mô hình GAP

Hiện nay, ngoài hơn 1.000ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ, trên địa bàn TP Hải Phòng đã có hơn 200ha sản phẩm trồng trọt được chứng nhận GAP, tập trung ở các quận, huyện như Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Thủy Nguyên, Đồ Sơn, An Lão…

Trồng cà chua VietGAP ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Trồng cà chua VietGAP ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Dư địa để phát triển sản xuất theo mô hình GAP đang rất lớn và đang được mở rộng qua từng năm. Đây là tiền đề thuận lợi để tuyên truyền kinh nghiệm sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất theo quy trình GAP, tiến dần lên tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Ghi nhận thực tế cho thấy, sản xuất theo quy trình GAP cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, tiết kiệm được chi phí sản xuất, giúp người dân nâng cao thu nhập, sản phẩm tiêu thụ dễ hơn các sản phẩm sản xuất truyền thống.

Hầu hết sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP có gắn tem truy xuất đều được siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, trường học và bếp ăn tập thể ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đơn cử như mô hình sản xuất rau củ quả theo GAP gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hùng Tiến (huyện Vĩnh Bảo) với quy mô 5ha của Công ty TNHH Thực phẩm xanh Kỳ Duyên Việt Nam. Mô hình này sử dụng hệ thống tưới nước tự động với nhóm sản phẩm như bắp cải, súp lơ, cải thảo, dưa chuột, khoai tây, măng tây, cà tím..., rau sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất tăng 15 - 20% so với sản xuất đại trà.

Trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Ảnh: Đinh Mười.

Trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên). Ảnh: Đinh Mười.

Còn tại phường Bàng La (quận Đồ Sơn), mô hình trồng táo muối theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích chỉ hơn 120ha nhưng hàng năm cho sản lượng khoảng 3.000 tấn và thu về trên 40 tỷ đồng. Hay tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) có vùng trồng na tập trung khoảng 300ha, trong đó khoảng 10ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cho năng suất 11 - 12 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 850 triệu đến 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

“Nhờ trồng na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng được yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng nên hiện nay sản phẩm na Liên Khê đã dần tạo dựng được thương hiệu và cho hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, cuộc sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt”, ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch UBND xã Liên Khê cho biết.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, bước đầu, các sản phẩm được chứng nhận GAP tương đối đảm bảo về sự đồng đều chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp quảng bá được thương hiệu, qua đó nâng cao giá bán sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất GAP, hữu cơ... đã làm thay đổi nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, tiêu chuẩn GAP và hữu cơ có thể coi là điều kiện để sản xuất nông nghiệp hiệu quả, hướng tới hội nhập và phục vụ xuất khẩu.

Thời gian qua, Hải Phòng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời về phát triển nông nghiệp hữu cơ, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Tuy vậy, để đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ đi vào cuộc sống, cần phải có thời gian và sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các cấp chính quyền cũng như sự chung tay của người dân.

Sản xuất theo GAP là tiền đề thuận lợi để tiến tới tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ. Ảnh: Đinh Mười.

Sản xuất theo GAP là tiền đề thuận lợi để tiến tới tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ. Ảnh: Đinh Mười.

Trước mắt, Hải Phòng sẽ xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù dựa trên các cơ chế chính sách của Chính phủ đã ban hành. Trong đó tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển, hỗ trợ kinh phí chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ lần đầu cũng như các chế phẩm vi sinh trong trồng trọt và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

Bên cạnh đó, ưu tiên các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư đầu vào, sản phẩm hữu cơ được hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành như: Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn, chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch...

Hải Phòng hiện nay diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang đang lớn, do đó cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tích tụ, tập trung đất nông nghiệp phục vụ sản xuất trồng trọt hữu cơ, tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

Định hướng phát triển ngành nông nghiệp đến năm 2030 của TP Hải Phòng chỉ rõ: Phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, công nghệ cao, an toàn về sinh thái, đạt hiệu quả cao và tạo ra giá trị lớn, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng ngành nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, bảo vệ môi trường, xây dựng chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; hình thành hệ sinh thái nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản bền vững, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn thực phẩm...

Đinh Mười

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

30 cây sầu riêng thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa

BÌNH ĐỊNH Chuyện 30 cây sầu riêng cho thu nhập cao hơn 1.000 cây dừa ta đã làm nổi lên phong trào cải tạo vườn tạp, phá cây keo để trồng sầu riêng ở huyện Hoài Ân.

Kéo doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa hữu cơ

Kéo doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa hữu cơ

CẦN THƠ Huyện Vĩnh Thạnh đang lựa chọn các doanh nghiệp uy tín về sản xuất phân bón hữu cơ để xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ.

Dưới bóng vườn hồ tiêu hữu cơ xanh mướt

Dưới bóng vườn hồ tiêu hữu cơ xanh mướt

Những ngôi nhà lọt thỏm giữa vùng hồ tiêu hữu cơ tạo ra không xanh đáng sống, như xua đi cái nắng gay gắt đầu hè ở vùng đất lửa Quảng Trị.

Trang trại chanh leo hướng hữu cơ xanh mướt giữa cao điểm khô hạn

Trang trại chanh leo hướng hữu cơ xanh mướt giữa cao điểm khô hạn

ĐẮK LẮK Dù đang cao điểm khô hạn ở Tây Nguyên nhưng trang trại trồng chanh leo theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn xanh mướt, trĩu quả.

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

Canh tác ‘không làm phiền đất' trên vùng cát bạc màu

QUẢNG BÌNH Trên vùng cát xã Lý Trạch, mô hình trồng na Đài Loan hướng 'thuận thiên', đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ trồng lúa hữu cơ

Lợi nhuận tăng gấp đôi nhờ trồng lúa hữu cơ

QUẢNG TRỊ Trồng lúa hữu cơ sử dụng mạ khay, máy cấy, có liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân Quảng Trị lãi hơn 36,5 triệu đồng/ha và đem đến nhiều lợi ích.

Xem Thêm