Thứ ba, 08/04/2025 | 14:35 GMT +7
Vài năm gần đây, trà hoa vàng nổi lên như là một trong những loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ tại tỉnh Bắc Kạn.
Ban đầu trà hoa vàng chủ yếu được người dân hái trong tự nhiên để bán cho tư thương, nhưng hiện nay đã được ươm giống và trồng thành sản phẩm hàng hoá.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tìm hiểu về sản phẩm trà hoa vàng tại Bắc Kạn. Ảnh: Toán Nguyễn.
Nhận thấy tiềm năng từ cây trà hoa vàng, những năm gần đây, HTX Nông lâm Nghĩa Tá (huyện Chợ Đồn) đã trồng được hơn 2ha, cây phát triển tốt, hoa có chất lượng cao.
Chị Dương Khánh Ly (HTX Nông lâm Nghĩa Tá) cho biết, HTX xác định sản phẩm chủ lực là trà hoa vàng nên đang tiếp tục mở rộng vùng trồng và xây dựng thương hiệu, tạo thị trường để đưa sản phẩm đi xa hơn. Hiện nay, mỗi kg trà hoa vàng sau khi sấy khô có giá hơn 10 triệu đồng.
Huyện Chợ Đồn là địa phương trồng cây trà hoa vàng sớm và nhiều nhất tại tỉnh Bắc Kạn, diện tích hiện đạt hơn 15ha. Người dân chủ yếu bán hoa tươi cho các tư thương, hoặc chế biến tại các HTX. Hiện nay hoa tươi được tư thương và doanh nghiệp thu mua với giá từ 400.000 - 600.000 đồng/kg. Ngoài ra, lá cây trà hoa vàng có thể bán được với giá khoảng 25.000 đồng/kg.
Với giá trị cao như vậy, một cây trà hoa vàng trưởng thành có thể cho thu nhập tiền triệu mỗi năm.
Trà hoa vàng mang lại thu nhập cao so với nhiều loại cây trồng khác. Ảnh: Toán Nguyễn.
Là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao nên huyện Chợ Đồn đã triển khai đề án hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng cây chè hoa vàng giai đoạn 2023 - 2026. Theo đó, những năm tới, huyện Chợ Đồn sẽ phát triển thêm khoảng 30ha, trồng chủ yếu ở các xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Đồng Thắng.
Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Đồn cho biết, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng là chủ trương của huyện, trong đó cây trà hoa vàng đang được ưu tiên. Huyện đã ban hành đề án, thời gian tới sẽ hỗ trợ người dân để mở rộng diện tích và xây dựng chuỗi liên kết để bao tiêu sản phẩm.
Diện tích trồng cây trà hoa vàng hiện cũng đang phát triển nhanh tại một số xã của huyện Bạch Thông.
Để phát triển ổn định cây dược liệu quý này, tỉnh Bắc Kạn cũng đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sâu thành những sản phẩm chất lượng cao.
Công ty TNHH Hà Diệp (TP Bắc Kạn) là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực này. Công ty đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy sấy hiện đại để chế biến trà hoa vàng.
Thu hoạch trà hoa vàng. Ảnh: Ngọc Tú.
Bà Hà Minh Đợi, Giám đốc Công ty TNHH Hà Diệp chia sẻ, những bông hoa trà tươi được tuyển chọn kỹ lưỡng, sau đó được đưa vào máy làm đông ở nhiệt độ -50 độ C, nước trong sản phẩm sẽ chuyển từ trạng thái rắn sang trạng thái khí và thăng hoa nhờ máy hút chân không tạo ra áp suất thấp ở nhiệt độ thấp.
Nguyên liệu được làm khô mà vẫn giữ nguyên hình thái, hương vị, màu sắc và các dưỡng chất trong trà. Với công nghệ sấy này, quá trình sấy khô sản phẩm được thực hiện trong môi trường hoàn toàn vô trùng, những bông trà khô có thể tươi ngon trở lại khi pha với nước nóng.
Hiện nay, Công ty đã cho ra đời những sản phẩm như trà hoa vàng sấy khô, rượu chè hoa vàng, trà hoa vàng túi lọc… Tất cả những sản phẩm đều được chế biến trên dây truyền hiện đại, đảm bảo an toàn vệ sinh, sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp mắt.
Hiện nay, sản phẩm của Công ty đạt chuẩn OCOP 4 sao và đã có mặt ở hầu khắp các tỉnh thành trong nước và đang tìm cơ hội để xuất khẩu.
Sản phẩm trà hoa vàng của Công ty TNHH Hà Diệp. Ảnh: Ngọc Tú.
Ngoài thu mua từ người dân, để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty cũng đã trồng hơn 15ha trà hoa vàng tại các huyện Chợ Đồn và Bạch Thông.
“Với việc chế biến sâu, tạo ra giá trị thặng dư cao thì doanh nghiệp sẽ có điều kiện thu mua trà hoa vàng với giá cao (từ 400.000 đến 600.000 đồng/kg hoa tươi) và ổn định cho người trồng. Công ty xác định sẽ tiếp tục đồng hành với người trồng trà hoa vàng để doanh nghiệp phát triển và người dân có thu nhập cao”, Giám đốc Hà Minh Đợi khẳng định.
Tại Bắc Kạn hiện còn có một số HTX tham gia chế biến trà hoa vàng, đây là điều kiện thuận lợi để người dân có thể yên tâm phát triển loài cây dược liệu quý này trong thời gian tới.
BẠC LIÊU Đa dạng sản phẩm muối, gia vị muối và các sản phẩm OCOP đặc trưng vùng miền trong cả nước được trưng bày, giới thiệu tại Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025.
Đó là các gian hàng trưng bày sản phẩm muối, gia vị và sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của hơn 40 đơn vị đến từ hơn 20 tỉnh/thành trên cả nước.
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực'.
Sóc Trăng Anh Ngô Tuấn Thanh, một người trẻ đầy nhiệt huyết, đã biến cà na Sóc Trăng từ món ăn vặt bình dân thành sản phẩm chất lượng cao, trở thành đặc sản có giá trị.
Đồng Tháp Ngày vía Thần Tài, các phẩm vật được người dân mua về cúng như cá lóc nướng, thịt heo quay, vịt quay, bánh bao, vàng, hoa, trái cây.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho rằng, sản phẩm mắm Lê Gia từ góc nhỏ của làng quê đã vươn ra thế giới. Đây là điều rất tự hào và đáng trân trọng.
Vào mỗi dịp xuân về, bên cạnh những lễ hội, những làn điệu hát then, hát lượn... thì đồng bào Tày, Nùng, không thể thiếu những phong bánh khảo, bánh cốm truyền thống.
Lào Cai Xã Tả Thàng, huyện Mường Khương bảng lảng trong sương mù. Nơi đây, những cây chè cổ thụ vươn mình kiêu hãnh giữa giá lạnh, lưu giữ hồn đất và sức sống giữa đại ngàn.