Chủ nhật, 15/12/2024 | 09:39 GMT +7
Than sinh học được biết đến là một dạng vật liệu carbon hóa, được tạo ra từ các loại phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Đặc biệt tại vùng ĐBSCL, nguồn nguyên liệu này rất dồi dào, khoảng trên 120 triệu tấn/năm nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để.
Tại Hội thảo “Ứng dụng than sinh học trong nông nghiệp” mới đây tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ đánh giá, ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp đóng góp hiệu quả vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp. Với giá trị được tạo ra từ các loại phụ phẩm trong nông nghiệp - một nguồn nguyên liệu dồi dào, đã giúp cho than sinh học trở thành “vàng đen” giúp đất giữ nước, dưỡng chất và bảo vệ vi sinh vật có lợi cho đất.
Tại các quốc gia Châu Á, các vật liệu carbon hóa từ vỏ trấu hay phụ phẩm khác được sử dụng làm vật liệu cải tạo đất, có giá trị như phân bón. Đặc biệt tại Nhật Bản, từ những năm 1990, để đáp ứng sự lan tỏa của nông nghiệp hữu cơ, kỹ thuật sử dụng than sinh học đã chính thức được phổ biến.
Trong khi đó tại Việt Nam, việc ứng dụng than sinh học vẫn còn rất hạn chế. Ông Masaaki Uesugi, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tromso Nhật Bản đánh giá, trong nông nghiệp, than sinh học được sử dụng để bón cho nhiều loại cây trồng, nhất là cây lúa.
Bản thân than sinh học có một số thành phần có thể thay thế cho phân bón, khả năng hấp thụ khí CO2 tốt. Thời gian qua, việc ứng dụng than sinh học được sản xuất từ các nguồn phụ phẩm như rơm rạ, vỏ trấu, vỏ cà phê… trong lĩnh vực trồng trọt cũng cho thấy hiệu quả, làm tăng độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng và giảm thất thoát phân bón, góp phần giảm phát thải nhà kính.
“Khi phân hủy, than sinh học cũng sẽ tạo ra một lượng phân bón hữu cơ cung cấp ngược cho đất, khử mùi và khử trùng. Nếu sử dụng kết hợp than sinh học với một số chế phẩm vi sinh khác, có thể tạo ra một lớp thảm sinh học phục vụ chăn nuôi”, ông Masaaki Uesugi nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Quang Lộc, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển (Công ty TNHH MTV HG Farm), đơn vị đang phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn ở xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) rất hứng thú và đang có ý tưởng ứng dụng than sinh học vào sản xuất. Bởi theo anh Lộc, thời gian qua, HG Farm cũng ứng dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và than sinh học sẽ giúp mô hình của đơn vị trở nên hoàn hảo hơn.
Qua nghiên cứu, anh Lộc đánh giá, than sinh học chứa những hệ vi sinh. Nếu cung cấp được những vi sinh có lợi này vào đất sẽ tạo một nguồn dinh dưỡng, cây trồng dễ dàng hấp thụ. Bên cạnh đó, than sinh học đặc biệt thu hút bởi hiện nay trong bối cảnh sản xuất giảm phát thải, vấn đề tín chỉ carbon trở nên “nóng” hơn.
“Nông nghiệp tuần hoàn muốn thành công cần trợ lực của khoa học công nghệ và cả toán học, có chuyên nghiệp hóa nông nghiệp thì mới tạo được dòng năng lượng và dòng vật chất trong sản xuất nông nghiệp một cách liên tục. Hiện nay, HG Farm đang nghiên cứu, ấp ủ kế hoạch phát triển than sinh học từ lục bình để đa dạng hóa cách thức phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ”, anh Lộc chia sẻ.
Hiện nay, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất than sinh học ở khu vực ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung rất phong phú, giá thành rẻ như vỏ trấu, lục bình, vỏ dừa, bã mía… Trong khi đó, giá thành của phân bón vô cơ tương đối cao, vì vậy việc tận dụng lại nguồn phế, phụ phẩm để tạo thành than sinh học sẽ giải quyết được nhiều vấn đề về giá thành sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho bà con nông dân, hướng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng được nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.
Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.