Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:10 GMT +7
Những nông dân táo bạo thay thế một phần cao su, tiêu, điều bằng loại cây gai góc sầu riêng đã gặt hái trái ngọt một cách không ngờ…
Giữa những ngày đại dịch Covid – 19 khiến cả thế giới chao đảo, PV NNVN có dịp về với người nông dân tỉnh Bình Phước, nơi được mệnh danh là thủ phủ của hồ tiêu, cao su, điều. Thế nhưng ít ai biết rằng, từ lâu, cây sầu riêng đã được khá nhiều nông dân táo bạo âm thầm ươm mầm cho đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái tại vùng đất này.
Trái với khung cảnh đìu hiu, ảm đạm của những ngày cách ly toàn xã hội, mọi người hầu như co cụm để chờ ngày qua dịch, thì không ít nông dân nơi đây vẫn hối hả chuẩn bị thu hoạch những trái sầu riêng thơm lừng, nặng trĩu sau thời gian dài chăm bẵm.
Để được “mục sở thị” những vườn sầu riêng trĩu quả, PV theo chân cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Phú Riềng đến thăm những nông hộ tiên phong đưa giống sầu riêng về ươm mầm trên đất Bình Phước.
Hơn 15 năm trước, ít ai dám phá bỏ hàng trăm trụ tiêu, khi mà loại cây này được mệnh danh là “vàng đen” đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi ha để chuyển đổi sang trồng sầu riêng.
Ấy vậy mà ông Trần A Xám (SN 1960) xã Phước Tân đã không ngần ngại biến 2 ha đất trồng tiêu sang trồng sầu riêng. Chính nhờ sự táo bạo này đã mở ra hướng đi mới trong trồng trọt, không chỉ gia đình ông mà hàng trăm hộ dân nơi đây.
Vỗ nhẹ vào gốc sầu riêng hơn 10 năm tuổi, ông A Xám mở lời: “Giống cây này, nếu làm tốt thì không phải chỉ là làm kinh tế khá thôi đâu, phải nói là làm giàu!”.
Để có vườn sầu riêng được như hôm nay, bản thân ông Xám phải trải qua nhiều ngày khổ nhọc bởi đây là loại cây ăn trái khó tính, đòi hỏi người trồng phải nắm vững kỹ thuật canh tác và tốn nhiều công chăm sóc mới cho thu hoạch lâu dài.
Chính vì vậy, việc đưa ra quy trình kỹ thuật canh tác sẽ quyết định sự thành công trong quá trình sản xuất loại cây này.
Khi mới trồng, ông Xám không ngừng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật và tự đúc rút kinh nghiệm. Hiện vườn sầu riêng của gia đình ông được canh tác hoàn toàn theo hướng hữu cơ sinh học như: không dùng phân vô cơ, thuốc BVTV, thay vào đó là sử dụng phân chuồng lên men và bẫy côn trùng, tưới nước tự động..., sản phẩm làm ra luôn đảm bảo an toàn, được các doanh nghiệp thu mua giá cao và người tiêu dùng tin tưởng.
Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hơn 200 gốc sầu riêng của gia đình ông Xám luôn cho năng suất ổn định trên 25 tấn. Hiện dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp khiến nhiều mặt hàng giảm giá mạnh, tuy nhiên, sầu riêng vẫn đạt trên 30.000 đồng/kg.
“Khoảng 1 tháng nữa sầu riêng chín rộ, nếu thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vượt qua được đại dịch Covid - 19 thì giá sầu riêng không dưới 50.000 đồng/kg”, ông Xám lạc quan nói.
Sau ông A Xám, nhiều hộ nông dân khác ở huyện Phú Riềng cũng đã mạnh dạn chuyển sang trồng sầu riêng. Theo số liệu thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Phú Riềng, hiện nay trên địa bàn có hơn 800 ha sầu riêng, trong đó 300 ha đang trong thời kỳ kinh doanh, 500 ha kiến thiết cơ bản.
Ông Trịnh Quang Hạnh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Riềng cho biết, xác định sầu riêng là một trong 3 cây trồng chủ lực của địa phương, thời gian qua Phòng luôn cử cán bộ xuống tận cơ sở để vừa hỗ trợ về mặt KHKT đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để kịp thời tham mưu lãnh đạo địa phương tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Bên cạnh đó, Phòng cũng khuyến khích người dân đầu tư trồng tập trung theo hướng chuyên canh, sản xuất sầu riêng sạch; hướng dẫn người dân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nhằm tạo dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và phát triển bền vững cho cây sầu riêng trên đất Phú Riềng.
Ông Bùi Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Riềng khẳng định: Bình Phước nói chung, Phú Riềng nói riêng còn nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển sản xuất trái cây, trong đó có sầu riêng.
Để phát triển hiệu quả lâu dài, thời gian qua, địa phương đã tập trung tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân tham gia liên kết hình thành hợp tác xã, sản xuất theo chuỗi, gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ.
Việc làm này đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực, giúp cây sầu riêng phát triển theo hướng an toàn hữu cơ, đồng thời tạo được giá bán cao và thị trường ổn định, bền vững…
Cầm quả sầu riêng nặng gần 4 kg trên tay, ông A Xám chia sẻ thêm: Thiên nhiên khá ưu đãi với Bình Phước bởi nơi đây có vùng đất đỏ bazan vô cùng màu mỡ, đặc biệt loại đất này hàm chứa một lượng lưu huỳnh cao làm cho thịt sầu riêng nơi đây rất khác biệt không nơi nào có được. Sầu riêng Bình Phước cơm ráo, ngọt dịu không gắt, màu sắc vàng nhẹ bắt mắt, vị ngọt bùi ăn mãi không chán… Biết được sản phẩm sầu riêng sạch, ngon không ít người ở ngoài Bắc, miền Trung và cả miền Tây đã đến tận vườn sầu riêng của gia đình ông A Xám để vừa được mua, thưởng thức, vừa được tham quan, học tập kinh nghiệm.
ĐẮK NÔNG 'Mục tiêu của chúng tôi là cùng nông dân canh tác cà phê theo quy trình hữu cơ và mang đến cho khách hàng những ly cà phê chất lượng, hương vị đặc trưng'.
Bò sốt tiêu đen là món ăn thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng, xin mách bạn công thức chế biến món bò sốt tiêu đen vô cùng đậm đà ngay tại nhà nhé.
Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT cho phép xã hội hóa các chương trình đào tạo về nông nghiệp hữu cơ.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.