Thứ ba, 15/04/2025 | 15:39 GMT +7
Ba Triệu (tên thiệt là Huỳnh Phú Thiện, hiện đang sống ở ấp An Định, xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp) có nước da ngăm đen như cột nhà cháy vỉ gần nữa cuộc đời phải dãi nắng dầm sương, tảo tần mua bán. Tới cái Tết này là năm mươi tuổi đầu rồi mà hình như cái nghèo, cái khổ, cái lận đận vẫn còn đeo bám con người cần cù chí thú để tìm cách thay đổi cuộc đời mình.
Ba Triệu chở hàng đi giao cho khách. Ảnh: Hữu Nhân.
Chiến tranh khiến cha mẹ anh mất sớm, để lại ba anh em đùm bọc nhau ở nhờ nhà người chú. Mười hai tuổi, Ba Triệu phải nghỉ học theo chú xuống ghe dao, thớt, thúng, rổ... ở Long Giang, Chợ Mới (An Giang) rồi xuôi theo dòng sông Tiền ngoặt qua sông Hậu ghé Định Yên lấy thêm chiếu để đi bán khắp nơi.
Đó là những ngày phải ăn gạo chợ uống nước sông mà Ba Triệu không thể nào quên. Những lần ghe của chú ghé Long Giang lấy hàng, Ba Triệu thường để ý đến những bàn tay đan đát thoăn thoắt của những người làm ra thúng, rổ ở đây.
Anh quan sát tỉ mỉ từng công đoạn một. Lắm lúc thấy "ngứa tay", anh sà xuống xin làm thử. Chủ một cơ sở ở đây là bà con bên nội anh thấy Ba Triệu sáng dạ nên nhận vào học việc. "Ít nhiều gì cũng có cái nghề nuôi thân chú ơi. Chú cho con lên bờ vài năm nghe chú", Ba Triệu nói.
Thấy cháu mình năn nỉ quá nên người chú cũng xiêu lòng và quyết định gởi đứa cháu mình ở lại vùng Long Giang nổi tiếng với nghề đan thúng, rổ, sề, nia... hàng trăm năm nay.
Ba năm học nghề, Ba Triệu nắm hết mọi công đoạn của cái nghề tẩn mẩn tỉ mỉ này. "Từ cây trúc, cây tre thành cái rổ, cái rế, cái thúng, cái sề không phải ngày một ngày hai là có được. Phải trần ai khoai củ lắm ông anh à!", Ba Triệu vẫn cái giọng hề hà hệch hạc chậm rãi kể nhát gừng khiến người nghe sốt ruột mà cũng không cách gì thúc hối cho nhanh được.
"Nè... tre, trúc khi mua đâu phải muốn lựa loại gì thì lựa. Vậy là khi đem về phải phân ra. Già quá thì giòn khi uốn thì dễ gãy. Còn non quá thì người mua về xài mau bị mối mọt, hư hỏng. Mà muốn biết cây trúc, cây tre nào không non, không già cũng kinh nghiệm dữ dằn lắm chớ non tay ấn là không nhìn ra đâu. Mà thôi, bí mật nghe... Nghề này có nói thì tay ngang như ông cũng không tường hết đâu", Ba Triệu bảo.
Rồi còn tách, chẻ, vót, gài, đan, lận, nứt, bo, viền... Đủ chuyện lặt vặt lớn nhỏ chớ phải chuyện chơi. Cái rổ phải tròn vành, cái rế phải có vòng cong uốn lượn đều đặn, cái sề thì phải chặt và đều từng sợi đan một. Làm bằng ruột hay cật (tức phần cứng bề ngoài thân tre) thì cũng chăm chút như nhau.
Ba Triệu cưới vợ sinh con rồi dắt nhau về quê vợ ở Định Yên, Lấp Vò lập nghiệp bằng nghề đan rổ, sề. Còn rế hà? Hồi đó không dám nói vì sợ người ta cười. Cái thứ gì mà khó giàng trời mây. Đan bên này tròn thì bên kia méo. Lại còn cái nước lận nữa chớ. Sợi này lận vô sợi kia cứ nhằng nhịt tét cả da tay mà không được. Ông thầy dạy tôi hồi đó cười ngất: Cái thằng... Thứ nào cũng được mà tới đan cái rế thì trầy trật hoài. Chắc mày kỵ vảy cái này rồi. Thôi, bỏ đi con. Làm một thứ mà đẹp còn hơn biết nhiều thứ.
Những vật dụng được đan bằng tre, trúc qua đôi tay điêu luyện của Ba Triệu. Ảnh: Hữu Nhân.
Nghe "sư phụ" nói, Ba Triệu thấy chí phải nên bỏ luôn. Chừng về Định Yên làm nghề. Bà con ai đặt thứ gì cũng làm được nhưng chừng tới cái rế lót nồi thì phải sai vợ lên Long Hòa lấy về bán lại. Mãi sau này mới thú thiệt không làm được. "Hổng biết thì nói hổng biết có ai cười gì mình đâu. Chớ hổng biết mà nói biết thì người ta cười cho phải không ông bạn. Cuộc đời ba chìm bảy nổi dạy tôi nhiều bài học lắm chớ hồi đó nghèo xơ xác, chữ nghĩa trả lại thầy hết rồi", Ba Triệu sảng khoái cười.
Vợ sinh đứa con gái đầu lòng, mẹ tròn con vuông. Hai năm sau thêm thằng con trai. Ba Triệu mừng như bắt được vàng. Vậy là có nếp, có tẻ.
Một tuần đi mua tre, trúc tận miệt Giồng Riềng, Kiên Giang mướn ghe máy bè về. Một tuần, ngày nào cũng cặp cây mác vào nách chẻ, vót từ sáng tới chiều. Một tuần ngồi đan. Được cái nào phơi nắng cho thiệt khô. Một tuần chất xuống ghe chạy đi bán. Đợt nào mua tre, trúc ít cũng kiếm gần năm ba triệu, đủ lo cho ba mẹ con ở nhà cả tháng. Đợt nào mua được nhiều thì vừa bán vừa bỏ mối cũng dư ra vài ba triệu.
Mới vừa nở nồi, thì đùng một cái nào là nhựa dẻo, nhựa dai đủ màu xanh, đỏ, vàng, tím tràn về khắp chợ huyện, chợ xã. Rổ rá, nia sề, lồng bàn bằng tre, trúc không ai thèm để ý. Thu nhập càng lúc cáng teo tóp lại. Hai đứa con ngày một lớn. Ngồi không ăn riết núi cũng lở. Vợ chồng bồng chống nhau lên Bình Dương làm công nhân.
Dốt đặc cán mai như Ba Triệu không nơi nào chịu nhận. Đành đi làm phụ hồ tiếp vợ nuôi con. Làm được hai tuần chưa nhận đồng lương nào thì chủ thầu ôm tiền bỏ trốn. Ở cũng không xong, về lại quê nhà cũng dở. Ba Triệu dốc hết những đồng bạc cuối cùng chạy chiếc honda cà tàng của mình xuống Củ Chi mua trúc về đan rổ bán.
Ngày mua, ngày vót nan, ngày đi bán. Cứ vậy mà sống lay lắt rồi dần dần cũng khấm khá. Vợ anh và đứa con gái lớn vào làm công nhân. Thằng con trai mười bốn tuổi đầu cũng đi giúp việc lặt vặt nên gia đình Ba Triệu bắt đầu sung túc lên.
Có những lúc Bình Dương nhà hàng, quán ăn mọc lên như nấm. Nhu cầu dùng các sản phẩm thủ công bằng tre, trúc trang trí khiến Ba Triệu làm ngày làm đêm không đủ giao cho khách hàng. Cứ tưởng nhất nghệ tinh, nhất thân vinh nào ngờ... thằng con trai Ba Triệu, mười chín tuổi bị tai biến qua đời. Công ty của vợ và con gái anh làm phá sản.
Thua buồn, Ba Triệu bán đổ bán tháo tài sản gom hết vốn liếng về quê mượn tạm miếng đất của người chị vợ cất nhà và trở lại nghề tre, trúc như mười năm trước đó.
Về quê cũng có nhiều người bĩu môi: Tưởng bỏ xứ đi cả chục năm làm giàu, làm có gì. Giờ trở về còn tệ hơn. Không có cái nền nhà để ở. Ba Triệu gạt bỏ ngoài tai mọi gièm pha. Họ đâu ở trong cảnh mình mà hiểu. Trước khi đi Bình Dương làm ăn, cái nền nhà trong khu dân cư dưới chợ Định Yên, Ba Triệu cho đứa em trai mình ở. Về thấy em mình nghèo quá, đòi lại thì vợ chồng nó ở đâu. Nên thôi, đã nói cho thì cho luôn. Đã vậy, mà cái họa cũng chưa chịu buông tha Ba Triệu.
Chiều 23 tết năm 2019, trộm bẻ khóa nhà gom một lúc sạch hết tiền bạc, vợ chồng cắc ca cắc củm dành dụm cả năm trời. Hơn hai chục triệu với người khác thì không là bao nhưng với vợ chồng Ba Triệu nó lớn lắm. Đời Ba Triệu cho tới giờ phút này nghiệm lại toàn gặp chuyện trần ai khổ ải.
Tôi giả lả: "Thôi, anh à! Ai cũng chẳng có những lúc lao đao lận đận vậy. Nhưng sao rồi nè. Giờ thì khá giả chưa?" Nét mặt Ba Triệu tươi hẳn. Hai năm nay, mặt hàng tre, trúc "ăn khách" trở lại. Nhất là các mặt hàng rổ rế, sáng, nia "thu nhỏ" dạng thủ công để trang trí, bà con chuộng lắm.
Làm ba thứ đó tuy cực một chút nhưng bán được và có lời nhiều. Mới hôm qua, có người đặt tôi cả trăm bộ gồm tám món. Một tuần lễ mà kiếm được 5 triệu đồng thì không phải ai muốn cũng được? Còn không thì tuy không bằng hồi xưa, nhưng hàng tháng cũng kiếm được năm ba triệu. Sống đắp đổi cũng được. Đất Định Yên này mà, ổn định và yên tâm lắm.
Có điều, trúc, tre giờ khó mua qúa. Ít ai còn chịu trồng như hồi xưa. Chỉ e vài năm nữa muốn làm nhiều cũng không được.
Chia tay Ba Triệu, tôi mang theo câu nói đầy nghĩa khì và cũng đầy tình người của anh: "Ở đời, người ta ghét không sợ. Chỉ sợ trời ghét mình thôi".
Qua cầu Cao Lãnh, tôi với tay thả hết những muộn phiền của những ngày cuối năm cho nước cuốn trôi hết thảy giùm anh rồi đó, anh Ba Triệu à!
Mong muốn đưa nông sản quê hương vượt ra khỏi bản làng, nhiều phụ nữ Cơ Tu đã khởi nghiệp thành công nhờ tận dụng các nền tảng số.
Vùng chè Tân Cương sẽ gắn với không gian văn hóa trà cộng đồng, phát triển du lịch, dịch vụ, lấy chè làm trung tâm, làm động lực cho sự phát triển.
BẠC LIÊU Đa dạng sản phẩm muối, gia vị muối và các sản phẩm OCOP đặc trưng vùng miền trong cả nước được trưng bày, giới thiệu tại Festival Nghề muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025.
Đó là các gian hàng trưng bày sản phẩm muối, gia vị và sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của hơn 40 đơn vị đến từ hơn 20 tỉnh/thành trên cả nước.
Chính phủ vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực'.
Sóc Trăng Anh Ngô Tuấn Thanh, một người trẻ đầy nhiệt huyết, đã biến cà na Sóc Trăng từ món ăn vặt bình dân thành sản phẩm chất lượng cao, trở thành đặc sản có giá trị.
Đồng Tháp Ngày vía Thần Tài, các phẩm vật được người dân mua về cúng như cá lóc nướng, thịt heo quay, vịt quay, bánh bao, vàng, hoa, trái cây.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn cho rằng, sản phẩm mắm Lê Gia từ góc nhỏ của làng quê đã vươn ra thế giới. Đây là điều rất tự hào và đáng trân trọng.