Thứ hai, 18/11/2024 | 23:09 GMT +7
Từ những năm 1960, khu vực thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) ngày nay đã là một nông trường chè có tiếng, có vùng nguyên liệu rộng lớn với diện tích lên tới hàng ngàn ha. Những quả đồi bát úp bao quanh thị trấn với những vườn chè xanh mướt phủ kín.
Trong ký ức của những người trên 70 tuổi, họ vẫn nhớ như in về cái thời xa xưa ấy, cây chè đã về với Sông Cầu và bám rễ từ hơn 60 năm trước. Ngày đó, từng vạt đồi chè nối tiếp nhau cả một vùng rộng lớn, nơi đây được gọi là Nông trường chè Sông Cầu. Người dân trở thành công nhân nhà máy, nhận lương tháng để chăm sóc, sản xuất chè cho nhà nước.
Nông trường chè cũng từ đó trở thành một điểm bắn phá của quân đội Mỹ trong thời kỳ chiến tranh leo thang ở miền Bắc. Công nhân nông trường Sông Cầu chắc tay hái, vững tay súng, vừa sản xuất, vừa bảo vệ nhà máy và tài sản của nhà nước.
Ở thời điểm đó, Công ty chè Sông Cầu là một trong những đơn vị quốc doanh lớn với dây chuyền sản xuất hiện đại xuất khẩu chè. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần thay đổi cơ chế, Công ty dần mất đi vị thế và dẫn tới giải thể nên diện tích chè được giao lại cho các hộ nông trường viên năm xưa. Khi người dân chủ động sản xuất thì gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tìm cách tiêu thụ sản phẩm.
Hình thức sản xuất tập thể dần không còn phát huy được hiệu quả nữa, dẫn tới sau những năm 1990 thì mô hình nông trường sản xuất đã không còn nữa. Thời gian trôi đi, vùng chè huyền thoại Sông Cầu chỉ còn trong tâm trí những người già và qua những tác phẩm thi ca. Các sản phẩm chè Sông Cầu cũng dần trở nên mai một, không có chỗ đứng trên thị trường chè Thái Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sông Cầu, chị Vũ Thị Thương Huyền, Giám đốc HTX Chè Thịnh An đã chứng kiến cây chè trải qua nhiều thăng trầm lịch sử. Với tình yêu quê hương sâu đậm và sự gắn bó đặc biệt với cây chè, chị đã dành nhiều tâm huyết để đưa thương hiệu chè Sông Cầu phát triển, lấy lại chỗ đứng trên thị trường chè. Để có được điều đó là cả một thời gian dài nỗ lực tìm tòi, lao động gian khổ và sáng tạo.
Chị Huyền có 17 năm làm công chức nhà nước, từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Cầu. Trong thời gian này, chị luôn dành nhiều trăn trở cho việc phát triển cây chè của địa phương, tìm hiểu thị trường và cách làm thương hiệu.
Nói về bước ngoặt thay đổi vùng chè Sông Cầu, chị Huyền chia sẻ: “Năm 2011, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà lần thứ nhất, khi đó ban tổ chức tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia. Sông Cầu tuy có diện tích lớn nhưng lại không có làng nghề được công nhận. Vì vậy, tôi đã làm việc với Phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ để tìm cách xây dựng làng nghề. Tôi thấy rằng không thể để bà con sản xuất manh mún rồi đưa từng gói chè đi bán ở chợ cho người buôn ép giá. Điều cần thiết lúc này là Sông Cầu cần phải tạo ra những đầu mối kinh doanh lớn, thu mua được sản phẩm và đưa ra thị trường một cách bài bản.”
Là một người tâm huyết, chị Huyền đã lập kế hoạch đề nghị công nhận làng nghề cho Sông Cầu để giúp nhân dân phát triển thương hiệu chè. Tuy nhiên, do một số vướng mắc với nông trường chè cũ nên chưa thể làm được làng nghề. Cùng lúc đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống chè cũng được xúc tiến và thay thế dần chè trung du giống cũ.
Tuy nhiên, chị Huyền vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu, chị cố gắng thuyết phục huyện rằng: Nếu bây giờ chúng ta chuyển đổi giống, trồng giống mới nhưng lại chưa quan tâm đến đầu ra thì chuyển đổi để làm gì khi giá trị vẫn không đổi. Năm 2011, kế hoạch của chị Huyền đã được chấp thuận và thị trấn Sông Cầu có 2 Làng nghề chè truyền thống đầu tiên là xóm 5 và xóm 9. Đến năm 2015, Sông Cầu có thêm làng nghề xóm Liên Cơ và xóm Tân Tiến.
Để sớm xây dựng được thương hiệu chè, năm 2016, chị Huyền và chị gái là Vũ Thị Thanh Hảo đã vận động mọi người thành lập HTX Chè Thịnh An với hơn 150 hộ sản xuất trên diện tích 50ha.
Đến năm 2017, HTX được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ thực hiện mô hình “Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Từ đó, 50ha chè của bà con trong HTX được thay đổi để trồng chè an toàn theo chuẩn VietGAP, trong đó có 20ha được quy hoạch để trồng chè hữu cơ và được bao tiêu sản phẩm. Người dân còn được hỗ trợ phân bón và thuốc BVTV nên vùng chè ngày càng được nâng cao về chất lượng, góp phần tăng giá trị, trở thành vùng nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất của HTX Chè Thịnh An.
Sự phát triển của HTX Chè Thịnh An đã thúc đẩy chị Huyền ngừng làm nhà nước và trở về tập trung cho công việc phát triển thương hiệu chè Sông Cầu. Một trong những điều hạnh phúc mà chị Huyền nhận thấy được trong quá trình “hồi sinh” vùng chè là sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức của người dân. Họ không còn lạm dụng thuốc BVTV mà thay vào đó là chăm sóc chè theo quy trình và áp dụng nhiều phương pháp an toàn. Điều này không những giúp chè nâng cao chất lượng và giá trị mà còn đảm bảo sức khỏe cho người dân sinh sống và làm việc tại vùng chè.
Nhờ quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ an toàn, cây chè truyền thống của HTX chè Thịnh An vừa hấp thụ được dinh dưỡng tốt lành của vùng đất trung du miền núi, vừa kết hợp với bàn tay tâm huyết của những nghệ nhân. Sản phẩm chè mang hương thơm tự nhiên hòa quyện, nước trà vàng xanh đẹp mắt, hương vị chát nhẹ, khi uống có hậu ngọt lắng sâu trong vị giác người thưởng thức.
Ngay từ khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức thi sản phẩm OCOP, HTX Chè Thịnh An đã tham gia và đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, HTX có 3 sản phẩm OCOP 4 sao là Trà tôm nõn, Trà đặc biệt, Trà trung du thuần chủng; 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao là Đinh trà thượng hạng và Trà xanh túi lọc đạt. Các sản phẩm không chỉ phục vụ người tiêu dùng, du khách trong nước mà đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.
Về làng nghề chè Sông Công hôm nay, không khó để thấy được những đồi chè mênh mông rộng lớn, người dân nơi đây phấn khởi cùng nhau trồng chè an toàn đạt chuẩn VietGAP, OCOP, chè hữu cơ. Cùng với HTX Chè Thịnh An, những người trồng chè ở Thị trấn Sông Cầu đang nỗ lực chăm sóc cho đồi chè của mình, mong muốn mang sản phẩm đặc sản quê hương tới nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, bà Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, Sông Cầu là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi để phát triển vùng chè đặc sản. Người dân Sông Cầu có kinh nghiệm trồng chè, chế biến chè, biết vận dụng lợi thế về đất đai và khí hậu để sản xuất, tạo nên những sản phẩm chè xanh truyền thống có hương vị đặc trưng. Trên địa bàn Thị trấn hiện có 3 HTX đang hoạt động, các HTX chính là những đơn vị chủ đạo trong việc thu mua chè búp tươi cho các hộ dân để cung ứng sản phẩm chè Sông Cầu ra thị trường.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.
Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.
QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.
Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.