Thứ sáu, 04/10/2024 | 09:20 GMT +7

  • Click để copy
Thứ năm- 08:53, 03/10/2024

Sản xuất theo hướng hữu cơ giúp ca cao ổn định đầu ra, giá bán cao

ĐẮK LẮK Người dân canh tác ca cao theo hướng hữu cơ, liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để giúp đầu ra ổn định.

Những ngày này, người dân tại xã Cư Ni, huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) đang bắt đầu thu hoạch ca cao. Hiện nay, cây ca cao mang lại nguồn thu nhập ổn định cho những hộ dân nơi đây.

Bà Nông Thị Duyến (ngụ thôn Quảng Cư 1B, xã Cư Ni) cho biết, gia đình có hơn 1ha với 700 gốc ca cao được trồng vào các năm 2008, 2009 và 2010. Trong quá trình canh tác, gia đình bà nhận thấy cây ca cao dễ chăm sóc, chi phi đầu tư ít hơn so với cà phê.

Gia đình bà Bùi Thị Hà (thôn Quảng Cư 1B) có hơn 100 gốc ca cao đang cho thu hoạch. Ảnh: Quang Yên.

Gia đình bà Bùi Thị Hà (thôn Quảng Cư 1B) có hơn 100 gốc ca cao đang cho thu hoạch. Ảnh: Quang Yên.

“Năm 2023 gia đình tôi thu trái bán được 70 triệu đồng. Năm nay số lượng cây cho thu hoạch nhiều hơn nên dự kiến sẽ cho thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Hiện diện tích ca cao trồng tại địa phương ít nên các doanh nghiệp thu mua với giá cao, ổn định. Năm ngoái mỗi cây ca cao cho thu hoạch 2,5kg hạt khô, còn năm nay dự kiến mỗi cây sẽ cho thu hoạch hơn 3kg hạt”, bà Duyến nói.

Trồng ca cao ít công chăm sóc, mỗi năm chỉ phải cắt cành, tạo tán 2 lần. Quả ca cao ra quanh năm nên người dân thu lai rai, có thu nhập thường xuyên.

Vào mùa khô chủ yếu phun nấm và bỏ thuốc mối cho vườn ca cao. Còn mùa mưa, gia đình bà Duyến chủ yếu sử dụng phân vi sinh và phân chuồng để bón cho cây ca cao. “Vào mùa mưa mà bỏ phân hóa học nhiều sẽ dẫn đến thối trái. Do đó lâu nay gia đình không sử dụng phân hóa học trong canh tác”, bà Duyến cho biết thêm.

Gia đình bà Bùi Thị Hà (thôn Quảng Cư 1B) cũng có hơn 100 gốc ca cao đang cho thu hoạch. Hiện mỗi năm cây ca cao giúp gia đình bà Hà có thêm 70 triệu đồng từ việc bán hạt. “Chăm bón cho cây ca cao chủ yếu theo hướng hữu cơ. Gia đình sử dụng phân bò và phân vi sinh để bón cho cây. Cùng với đó, gia đình tôi còn tham gia tổ hợp tác, việc này tạo sự liên kết giữa người dân và tổ hợp tác cũng như công ty để tạo đầu ra ổn định”, bà Hà thông tin.

Hiện nay ca cao đang là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân tại xã Cư Ni. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay ca cao đang là một trong những nguồn thu nhập chính của người dân tại xã Cư Ni. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Tiến Trọng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Quảng Cư 1B, xã Cư Ni cho biết, thôn thành lập tổ hợp tác với 17 thành viên, diện tích hơn 30ha ca cao. Trong đó có 20ha ca cao đã cho thu hoạch ổn định.

“Những năm gần đây giá ca cao cao, bình quân mỗi ký hạt ca cao khô 160.000 đồng, quả ca cao có giá 10.000 đồng/quả. So với cà phê, cây ca cao cho thu nhập cao hơn nhưng ít công chăm sóc cũng như chi phí đầu tư”, ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, quá trình canh tác người dân chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học. “Việc sử dụng thuốc sinh học sẽ không gây ô nhiễm môi trường cũng như bảo vệ chính bản thân mình và người tiêu dùng. Đặc biệt trước đây quả ca cao ra vào mùa mưa nên thường bị nấm. Do đó, người dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi thời điểm ra quả vào mùa khô nên chất lượng và hiệu quả cao hơn”, ông Trọng nói thêm.

Hiện nay người dân tại xã Cư Ni áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, cho cây ca cao ra quả vào mùa khô giúp hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất. Ảnh: Quang Yên.

Hiện nay người dân tại xã Cư Ni áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, cho cây ca cao ra quả vào mùa khô giúp hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Đình Thiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đồng Tiến (thôn Quảng Cư 1A, xã Cư Ni) cho biết, HTX có 80 thành viên với diện tích ca cao hơn 70ha, năng suất bình quân của các thành viên HTX là 1,9 - 2,2 tấn/ha. Hiện nay, HTX liên kết với 2 doanh nghiệp trên địa bàn để thu mua ca cao cho người dân.

Để đáp ứng điều kiện của doanh nghiệp thu mua, HTX đã khuyến cáo người dân sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh học. Trước đây người dân chủ yếu canh tác theo hướng vô cơ, nhưng khi được vận động, bà con đã chuyển dần sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ, sinh học.

Việc liên kết với doanh nghiệp thu mua xuất khẩu cũng giúp thành viên HTX ổn định giá cả. Doanh nghiệp cũng thường xuyên hỗ trợ bà con truy xuất nguồn gốc, tập huấn kỹ thuật sản xuất theo yêu cầu xuất khẩu, hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu.

“Cây ca cao phù hợp với thổ nhưỡng xã Cư Ni, bà con chịu khó chăm sóc nên phát triển rất tốt. Hiện nay người dân tận dụng những nguồn phế phụ phẩm trong chăn nuôi để ủ làm phân bón cho cây ca cao. Do đó năng suất mỗi cây đạt 2,5kg hạt khô, giá bán khoảng 160.000 đồng/kg. Nhờ giá bán ổn định nên những năm gần đây, cây ca cao đang dần trở thành cây chủ lực của người dân địa phương”, ông Thiên chia sẻ.

Người trồng ca cao ở xã Cư Ni chủ yếu chăm bón cho cây bằng phân hữu cơ nên môi trường rất trong lành. Ảnh: Quang Yên.

Người trồng ca cao ở xã Cư Ni chủ yếu chăm bón cho cây bằng phân hữu cơ nên môi trường rất trong lành. Ảnh: Quang Yên.

Đặc thù của xã Cư Ni là đất đen pha cát và thiếu nước. Trước đây khu vực này được người dân trồng điều. Những năm gần đây, người dân chuyển dần sang trồng ca cao dưới tán điều rất hiệu quả, mang lại thu nhập cao và ổn định.

Tại xã Cư Ni hiện có một HTX và 2 tổ hợp tác. Tới đây địa phương định hướng và khuyến khích thành lập thêm một HTX chuyên sản xuất ca cao. Người dân thông qua tổ hợp tác, HTX sẽ tiếp tục liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trên địa bàn huyện để được bao tiêu, ổn định khâu tiêu thụ.

Trước kia chưa thành lập các tổ hợp tác, HTX, người trồng ca cao mạnh ai người nấy bán nên giá cả không ổn định và cao như hiện nay. Từ khi liên kết và bán cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng có nhiều chính sách, khoản thưởng để động viên người sản xuất. Để cây ca cao phát triển bền vững, Hội Nông dân xã Cư Ni thường xuyên khuyến cáo người dân sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ để bón cho cây ca cao.

Minh Quý

Tây Ninh dành nhiều chính sách cho nông nghiệp hữu cơ

Tây Ninh dành nhiều chính sách cho nông nghiệp hữu cơ

Người nông dân Tây Ninh có thể làm giàu từ nông nghiệp, đó là mục tiêu Tây Ninh đặt ra dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Dâu tằm chuẩn hữu cơ hút khách du lịch

Dâu tằm chuẩn hữu cơ hút khách du lịch

Tây Ninh Từ kiến thức khi làm việc với người Nhật, anh Nguyễn Thanh Vũ đã bước chân vào nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, mở ra hướng đi mới trên đất Tây Ninh.

Câu chuyện lúa hữu cơ và nông nghiệp xanh ở Đại Đồng

Câu chuyện lúa hữu cơ và nông nghiệp xanh ở Đại Đồng

Trên địa bàn huyện Thạch Thất, TP Hà Nội hiện có 2.135 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong đó ngành nông nghiệp quản lý 505 cơ sở.

Chàng trai trồng rau hữu cơ theo kiểu 'không giống ai'

Chàng trai trồng rau hữu cơ theo kiểu 'không giống ai'

BÌNH ĐỊNH Nung nóng đất để xử lý nấm bệnh, dùng các chế phẩm sinh học chiết xuất từ thảo dược phòng trị bệnh cho cây..., người làng cho rằng anh là người quá ‘kỳ quặc’…

Xem Thêm