Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:05 GMT +7
HTX lúa gạo Tân Long (xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) là một trong những HTX tiên phong theo đuổi và chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hữu cơ ngay từ những ngày đầu triển khai xu hướng nông nghiệp hữu cơ.
Tại tọa đàm “Chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ cần thêm sự trợ lực” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX lúa gạo Tân Long bày tỏ, trước đây, việc canh tác lúa truyền thống mang lại năng suất ổn định do điều kiện thời tiết thuận lợi. Tuy nhiên, trước tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, hoạt động sản xuất của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, bà con vẫn chưa có giải pháp khai thác hết tiềm năng nông nghiệp hiện có để tạo ra giá trị kinh tế bền vững.
Trước thực tế đó, HTX lúa gạo Tân Long đã đồng hành cùng bà con nông dân áp dụng quy trình canh tác hữu cơ vào đồng ruộng. “HTX chuyển đổi sang hướng canh tác lúa hữu cơ với mong muốn tạo ra sản phẩm an toàn, giá trị cao và thân thiện với môi trường” ông Thích bày tỏ.
Theo ông Thích, bước đầu chuyển sang trồng lúa hữu cơ bà con trong HTX gặp nhiều khó khăn, người trồng lúa còn nặng quan niệm trúng mùa mới mang lại lợi nhuận cao, chưa thấy được lợi ích do sản xuất hữu cơ mang lại. Ngoài ra, trong năm đầu sản xuất lúa hữu cơ, HTX phải bán lúa tươi cho thương lái với giá chỉ bằng giá lúa vô cơ do chưa xây dựng được thương hiệu.
Sau khi thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy của HTX được xây dựng và công nhận sản phẩm OCOP, giá trị hạt gạo và thu nhập của người trồng lúa đã có sự thay đổi rõ rệt.
Hiện nay, với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, những cách đồng không dấu chân đang được nhân rộng từng ngày. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững.
Cũng theo ông Thích, để sản xuất lúa hữu cơ cho thu nhập cao, bà con trồng lúa phải liên kết với nhau tạo thành những cánh đồng lớn, không ngừng học hỏi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau thời gian chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, lợi nhuận của người trồng lúa tại HTX lúa gạo Tân Long đã không ngừng nâng cao. Kết quả đạt được là do người trồng lúa đã có nhận thức và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, bà con đã cắt giảm được chi phí vật tư đầu vào không cần thiết, đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, nhờ vào sản xuất hữu cơ, những con tép trấu trước kia vốn không thể sống trên đồng do ảnh hưởng của phân, thuốc hóa học nay đã xuất hiện trở lại, điều này cho thấy môi trường sinh thái đồng ruộng đang dần được cải thiện.
Với những thành công trong chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo hữu cơ, thương hiệu Gạo sạch Vị Thủy dần tạo được chỗ đứng trên thị trường. Mặc dù vậy, khả năng tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa cao. Vì vậy để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, HTX lúa gạo Tân Long đang phối hợp với Công ty BSB Nanotech và NetZero Carbon xây dựng mô hình EcoCycle. Đây là mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ, giảm khí thải nhà kính. Theo đó, toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây lúa được theo dõi và quản lý qua vệ tinh.
Ông Thích mong muốn với việc công khai, minh bạch quy trình sản xuất hữu cơ với mô hình EcoCycle sẽ góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu gạo tỉnh Hậu Giang nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.
ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.
QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.