Thứ ba, 12/11/2024 | 16:54 GMT +7
Còn nhớ vào tháng 7 năm 2019, giữa lúc dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đột nhiên ở tỉnh Thừa Thiên – Huế xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi lợn an toàn giữa bão dịch. Một trong số đó là mô hình của ông Nguyễn Văn Lịch ở thôn Trạch Hữu, xã Phong Thu, huyện Phong Điền.
Sau hơn 5 năm quay trở lại nơi từng chứng kiến kỳ tích ấy, hộ ông Lịch bây giờ đã trở thành Hợp tác xã thanh trà Phong Thu, phát triển một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn trên miền cát trắng.
Nhắc chuyện dịch giã, Giám đốc Nguyễn Văn Lịch giọng vẻ thách thức: "Lợn nuôi theo hướng hữu cơ chấp hết dịch tả, dịch tai xanh, nói chung là các loại dịch bệnh. Từ chỗ vận động mãi chỉ có 3 hộ dân tham gia mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ thì đến nay cả Hợp tác xã đều thực hiện chăn nuôi kết hợp với trồng trọt theo quy trình tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm.
“Mỗi lứa nuôi từ 50 - 70 lợn thịt, mỗi năm xoay vòng 2,5 lứa, riêng thu nhập từ lợn đạt khoảng 320 triệu đồng. Ngoài ra gia đình tôi còn cải tạo vườn tạp thành vườn thanh trà hữu cơ để tận dụng nguồn phân bón từ chăn nuôi, 200 cây cho thu nhập dao động từ 100 - 200 triệu đồng nữa. Vừa kinh tế lại vừa khỏe người, hơn hẳn trồng trọt, chăn nuôi như ngày trước”, ông Nguyễn Văn Lịch hồ hởi.
Đặc biệt nhất là vấn đề dịch bệnh. Giám đốc Hợp tác xã thanh trà Phong Thu tấm tắc: "Đợt cao điểm dịch tả lợn châu Phi năm 2019 xung quanh đây lợn chết như ngả rạ, 4 hộ bao vây gia đình tôi vào giữa, hộ nào cũng dính dịch nhưng mô hình của gia đình tôi chẳng hề hấn gì.
Sau đó mấy năm nữa cũng thế, hết tả châu Phi lại đến tai xanh, nghe các nhà khoa học vào nghiên cứu mô hình nói rằng sở dĩ lợn nuôi theo hướng hữu cơ có thể chấp các loại dịch bệnh là nhờ sử dụng men vi sinh trong ủ thức ăn chăn nuôi đã có tác dụng tích cực làm tăng sức đề kháng cho lợn, miễn dịch với nhiều loại dịch bệnh. Mặt khác việc sử dụng chế phẩm vi sinh vào đệm lót trong chuồng phần nào đó hình thành nên bức tường an toàn sinh học, hạn chế tối thiểu nhiều loại nấm, vi khuẩn gây bệnh khác".
Chứng kiến kỳ tích vượt qua dịch tả lợn châu Phi, quy trình nuôi lợn an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm sau đó được nhân rộng mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên khắp cả nước. Từ các tỉnh Bắc Trung bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế đến các tỉnh phía Bắc như Vĩnh Phúc, Lai Châu, Sơn La, các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Sóc Trăng, Đồng Tháp…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN–PTNT, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm triển khai các mô hình trọng điểm tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế. Mục tiêu tổng quát của dự án nhằm xây dựng vùng chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ đảm bảo an toàn sinh học, xử lý chất thải chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm thịt và hiệu quả kinh tế, xây dựng chuỗi liên kết.
Mục tiêu cụ thể, xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín bằng quy trình xử lý chất thải chăn nuôi, sử dụng chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ trồng ngô, lúa, đậu tương...
Với quy mô 9.000 con lợn thịt, trong đó tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nuôi 800 con/10 hộ, Vĩnh Phúc 800 con/10 hộ, Hà Tĩnh 800 con/10 hộ, Quảng Bình 600 con/6 hộ, các mô hình đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Khả năng tăng khối lượng cơ thể lợn hơn 700g/con/ngày; tỷ lệ tiêu tốn thức ăn trên khối lượng nhỏ hơn 2,6kg; 100% cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình được xử lý chất thải làm phân bón cho cây trồng; hiệu quả kinh tế tăng hơn 10% so với chăn nuôi đại trà...
Là người đầu tiên ở xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) tham gia mô hình, anh Năng Văn Hiệp ở thôn Trại Mái đúc rút: Ban đầu gia đình chỉ dám nuôi thí điểm trên đàn lợn 20 con, tuy nhiên chỉ sau lứa đầu tiên thì hai vợ chồng quyết định chuyển toàn bộ hệ thống chuồng trại với quy mô khoảng 600 đầu lợn sang quy trình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
“Hiệu quả khác biệt rõ ràng nhất là vấn đề an toàn dịch bệnh. Bồ Lý là xã vùng cao, đời sống của hơn 1.200 hộ dân đồng bào dân tộc Sán Dìu chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Khổ nỗi chăn nuôi ở Bồ Lý từ trước đến nay gặp nhiều khó khăn về môi trường, an toàn dịch bệnh. Khi gia đình tôi chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học hiệu quả lập tức thấy rõ. Mặc dù xung quanh bà con vẫn bị dịch tả châu Phi, dịch lở mồm long móng nhưng mô hình của gia đình không bị. Toàn bộ 600 đầu lợn của gia đình vẫn an toàn”, anh Năng Văn Hiệp cho biết.
Chưa hết, ngoài câu chuyện môi trường, mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ của vợ chồng anh Hiệp còn sử dụng chế phẩm sinh học vào chăn nuôi, phân thải được xử lý đem chăm bón vườn na 600 gốc, vườn bưởi 80 gốc và 70 gốc hồng xiêm đang cho thu hoạch. Đây là mô hình nông nghiệp tuần hoàn, khép kín, thu nhập từ nuôi lợn lãi bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/con. Ngoài ra còn có thể tận dụng nguồn phân bón, giúp giảm giá thành trồng trọt.
“Sướng nhất là nuôi lợn bây giờ không phải lo mất tình làng nghĩa xóm vì ô nhiễm. Thấy gia đình tôi thành công, bà con trong xã đến học hỏi để dần chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học”, người đầu tiên nuôi lợn theo hướng hữu cơ ở vùng cao này tâm sự.
Báo cáo đoàn công tác của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc phân tích: Toàn bộ các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc đều được cung cấp thức ăn do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất bằng các nguyên liệu từ chuỗi sản xuất trồng trọt hữu cơ, có bổ sung chế phẩm vi sinh. Đó là các sản phẩm thức ăn chăn nuôi không kháng sinh, hóa chất, không chất tạo nạc, không chất tạo màu, không chất bảo quản trong quá trình sản xuất, đóng gói.
Chế phẩm vi sinh từ công nghệ vi sinh của Nhật Bản sử dụng trong trồng trọt và chăn nuôi đến nay đã tạo được thành công khi chăn nuôi lợn, gà, bò ở mô hình nông hộ không mùi hôi, không nước tắm và dội chuồng, vật nuôi chống chịu tốt với dịch bệnh và tạo ra sản phẩm phụ là phân hữu cơ vi sinh được sử dụng ngay cho trồng trọt, tạo nên một nền nông nghiệp tuần hoàn bằng công nghệ vi sinh.
Sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học không chỉ đảm bảo mục tiêu xử lý triệt để chất thải trong chăn nuôi lợn, đảm bảo môi trường chăn nuôi mà còn tái sử dụng đệm lót thành phân bón cho cây trồng, rau màu... thay vì như trước việc nuôi lợn xử lý chất thải bằng hệ thống biogas, không những chất thải xử lý chưa triệt để mà còn lãng phí nguồn phân bón cho cây trồng.
Đây là mô hình chăn nuôi rất tốt, rất phù hợp với tình hình chăn nuôi giai đoạn hiện nay, đặc biệt nhất là trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành và thị trường biến động.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
THÁI NGUYÊN Để tăng giá trị sản phẩm, phát triển điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè, HTX Trà Cao Sơn đang chuyển đổi phương thức sản xuất chè sang hữu cơ.
BÌNH PHƯỚC Cây măng tre canh tác hữu cơ rất dễ vì gần như chẳng có sâu bệnh hại, không phải dùng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh, chỉ cần chú trọng bón phân hữu cơ.
HÒA BÌNH Bà Bùi Thị Thượng - nông dân ở xã Vân Sơn (huyện Tân Lạc) vẫn còn nhớ như in chuyện mình được đi Ý hai lần để dự hội nghị hữu cơ thế giới.