Thứ tư, 18/12/2024 | 13:04 GMT +7

  • Click để copy
Thứ tư- 10:30, 08/05/2024

Mô hình cá - lúa: Lúa sạch, cá ngon nhưng vì sao khó mở rộng?

BẮC GIANG Chiếc chài trong tay ông Vũ từ từ kéo lên, trong đó mấy con chép, trôi của vụ lúa cá trước giãy ầm ầm. Chọn lấy ba con to nhất ông đem về đãi khách.

Cá ruộng ngon nhưng bán rẻ hơn cá cám công nghiệp

Bữa trưa hôm đó chúng tôi cùng thưởng thức món cá nuôi trong ruộng lúa rán lên thơm lừng, ngọt đậm đà mà quên cả món thịt gà quê cũng hấp dẫn không kém. Khi nghe tôi kể về chuyện ở nhiều huyện miền núi người ta bán những con chép ruộng bằng ba ngón tay với giá hơn 100.000 đồng/kg mà khách tranh nhau mua, ông Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Nhân (xã Đồng Phúc, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) chợt buông đũa mà thần người ra, bảo: “Ở đây thương lái đang thu mua cá theo biểu cân nặng, cứ con to là đắt, con nhỏ là rẻ, mà cá - lúa bao giờ cũng chậm lớn nên giá bán thấp hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cá nuôi bằng cám công nghiệp. Đã hơn 10 năm nay nhà nước gần như không nói gì đến mô hình lúa - cá, chẳng khuyến khích, động viên gì mà toàn tự dân chúng tôi mày mò mà thôi”.

Ông Vũ tung chài bắt cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Vũ tung chài bắt cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cánh đồng ven con sông Cầu trước đây trũng thấp, cấy một vụ không ăn chắc nên năm 2007 ông Hoàng Văn Tuất đã tiên phong trong việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. Lúc đó, sẵn có phong trào dồn điền đổi thửa, ruộng đồng đã đỡ manh mún, ông cùng mọi người đắp bờ vùng bờ thửa thả cá. HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Nhân thành lập sau đó với 22 thành viên và họ được tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/mẫu.

Lúc đầu các thành viên trong HTX đơn thuần chỉ thả cá dưới ao, về sau một số thử nghiệm thả cả trong những ruộng lúa ở kế bên, thấy có hiệu quả nên cứ thế mở rộng dần.

Lúa - cá là phương pháp canh tác sinh thái, tuần hoàn theo kiểu hướng hữu cơ. Lúc lúa xuân đang thì con gái, cây đã cứng thì dâng nước trong ruộng cao 20 - 30cm rồi mở cống cho cá từ ao bơi lên trong 40 - 50 ngày lại cho xuống. Gặt xong, cấy vụ mùa, đợi lúa đẻ nhánh, cứng cây lại cho cá lên tiếp, đến tháng 11, 12 thì thu hoạch.

Mẻ cá mà ông Vũ bắt hôm đó để đãi tôi được thả hồi tháng 6, để qua đông thì phải đến tháng 6 năm sau mới đến thời gian thu hoạch. Mới nuôi được nửa thời gian trên ruộng mà chúng đã thơm ngon như thế rồi, nếu đủ cả 2 vụ lúa thì không biết chất lượng còn tuyệt đến mức nào.

Cá nuôi ở ruộng lúa tuy năng suất không bằng nuôi thâm canh trong ao nhưng được cái thuốc BVTV vụ xuân không dùng, vụ mùa chỉ phun 2 lần vào thời điểm trước khi cá lên ruộng, trong khi bình quân ruộng của nông dân khác phun 4 lần/vụ, vậy là đã giảm được 6 lần. Năng suất của lúa thì bằng với những ruộng cấy thuần lúa, trong khi giảm được 70% lượng thuốc BVTV, 50 - 70% lượng phân bón. Các thành viên của HTX chỉ bón mỗi loại phân hóa học là lân Lâm Thao với 2 lần bón lót và bón thúc.

Ông Vũ phân tích, vùng này đất trũng và chua nên từ lâu nông dân chỉ chuộng có lân Lâm Thao bởi nó rất hợp, vừa bồi bổ đất đai vừa cung cấp đủ dinh dưỡng cho lúa, giúp cây cứng, chống đổ. Đây là những đặc điểm cần phải có của mô hình lúa - cá bởi cây lúa mà yếu, dễ đổ là bị cá bên dưới ăn hết thóc. Hiện quy trình SRI (canh tác lúa cải tiến) đã bị biến đổi ở nhiều huyện tại Bắc Giang, Yên Dũng cũng không phải là ngoại lệ bởi phần lớn nông dân giờ không cấy nữa mà gieo vãi.

Cá mới thả vụ lúa trước mà thịt đã rất ngon. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Cá mới thả vụ lúa trước mà thịt đã rất ngon. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Lao động trong nông thôn giờ khan hiếm và đắt đỏ. Nếu cấy tay thì 1 công/sào/ngày (sào 360m2) nhưng vãi thì có thể được 1 mẫu/ngày. Tổng diện tích trang trại nhà ông Vũ lên tới 2,5 mẫu, trong đó 4 sào ao, 2,1 mẫu ruộng nhưng chỉ có một lao động chính là bà vợ 60 tuổi, còn ông chỉ tham gia giai đoạn làm đất, thu cá hay vác thóc, nói chung mất vài ngày/vụ. Họ không làm cỏ vì đã có cá làm giúp, không bắt ốc vì đã có cá bắt giúp, từ ốc to, ốc nhỏ đến cả trứng ốc cũng sạch nên tổng chi phí sản xuất lúa trong mô hình sản xuất này giảm được tới 50% so với gieo cấy đơn thuần.

Còn về cá, mỗi năm không phải cho ăn 6 tháng vì thức ăn đã sẵn có trên ruộng. Nếu như nuôi dưới ao cá trắm hay bị bệnh đỏ rốn, thối mang, cá chép hay bị thối mang, ký sinh trùng nên phải dùng thuốc hóa học, thuốc sinh học như men vi sinh, tỏi nhưng nuôi ở ruộng lúa hầu như không bị bởi không gian rộng, sạch, thay vì mật độ nuôi 1m2/con thì 10m2/con.

“Cá nuôi trong ruộng màu sắc xanh, sáng như cá sông, cầm trong tay là giãy ầm ầm chứ không như cá trong ao, cầm lên cũng không buồn giãy. Thịt cá nuôi trong ruộng rắn, thơm, ngon đậm đà hơn nhiều cá dưới ao nhưng không có cơ quan nào chứng nhận cho chúng tôi là cá - lúa mà thương lái chỉ mua theo biểu cân nặng. Cụ thể, cá chép loại 1 từ 1,2kg/con trở lên giá 40.000 - 45.000 đồng/kg; trắm loại 1 từ 2,5kg/con trở lên giá 40.000 - 45.000 đồng/kg; trôi loại 1 từ 2kg/con trở lên giá 25.000 đồng/kg.

Cá dưới ruộng chậm lớn, nuôi 1 năm cá chép mới đạt 8 lạng - 1kg/con; trắm 1,5kg, trôi 1,2kg, không đạt biểu loại 1 mà toàn loại 2, loại 3 nên giá bán rẻ hơn 10.000 - 15.000 đồng/kg", ông Vũ kể.

Mở cống lấy nước vào ao nuôi cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mở cống lấy nước vào ao nuôi cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

"HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Nhân có 6ha được chứng nhận VietGAP nhưng khi bán sản phẩm, chìa giấy ra thương lái bảo: VietGAP hay "Việt giời" cũng thế, chỉ tính theo biểu. Đã thế chúng tôi lại bị trừ mất 5% theo lệ. Biết là thiệt đấy nhưng chúng tôi không bán cho người tiêu dùng được mà phải qua tay họ nên đành phải chịu”, ông Vũ phàn nàn.

"Vua cá" không có người nối ngôi

Theo ông Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Nhân, mô hình lúa - cá rất dễ thực hiện nhưng thực tế diện tích lại ngày một thu hẹp dần. Đơn vị hiện còn 16 thành viên, chủ yếu là đã cao tuổi, sản xuất trên tổng diện tích 21ha, trong đó 9ha lúa - cá. Trước đây họ hay dùng giống lúa Xi23, BC15, nay dùng giống TBR225 để cấy trong ruộng lúa - cá bởi sức chống chịu tốt, cây cao, cá không với ăn được thóc.

Như nhà ông Vũ mỗi năm thu 1 - 1,2 tấn cá, bán được 20 - 25 triệu đồng; 10 tấn lúa, bán được 90 triệu đồng, trừ chi phí giống cá, lúa, vật tư khoảng 30 triệu đồng, còn lãi 60 - 70 triệu đồng. Giá cá 7 - 8 năm gần đây giữ nguyên, trong khi giá cám tăng nên thành ra cá nuôi hiệu quả kinh tế bị lép vế hoán toàn so với lúa.

Những người con của họ hầu hết không hào hứng với mô hình này mà chuyển hướng đi làm công nhân tại các khu công nghiệp để nắng không đến mặt, mưa không đến đầu. Như anh Hoàng Văn Tĩnh tiếp nhận 4 mẫu ao, ruộng, sau khi bố là ông Hoàng Văn Tuất - Chủ nhiệm HTX thủy sản thời kỳ đầu, người tiên phong đưa cá xuống ruộng mất trong một tai nạn. Ông Tuất trước đây được cả xóm phong là "vua cá" bởi chăm chỉ ít ai bằng, luôn mò mẫm dưới ao, dưới mương nên ngày nào cũng có cá cho vợ đi chợ bán.

Khu ao và ruộng của 'vua cá' Hoàng Văn Tuất một thời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu ao và ruộng của "vua cá" Hoàng Văn Tuất một thời. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sau dồn điền đổi thửa ông nhận về một khu đồng trũng và đổ biết bao mồ hôi, của cải mới cải tạo thành cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay với 4 mẫu ruộng kề ao, trên bờ là căn nhà tạm. Giờ ông Tuất khuất núi, bỏ lại ngôi "vua cá" nhưng đứa con trai cũng không hào hứng tiếp nối mà chỉ làm nông theo kiểu “chân co chân duỗi”. Làm công nhân lương 10 - 12 triệu đồng/tháng ăn chắc, trong khi thả cá, cấy lúa bấp bênh mà hiệu quả chẳng cao nên anh muốn chuyển cho em gái làm. Mà người này lại lấy chồng ở xóm khác rất bất tiện trong việc chăm sóc lúa cá. Bởi thế lúc tôi đến, hệ thống ao, ruộng chẳng thấy tí sinh khí nào của mùa vụ mới.

Ông Đỗ Huy Khôi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Giang phân tích, khi thả cá trong ruộng chúng có quan hệ tương hỗ nhau rất tốt: Cá ăn sâu bọ giúp lúa đỡ sâu bệnh, sục đáy, tăng oxy ở rễ giúp lúa trao đổi chất, phân cá lại bón cho lúa; còn lúa giúp cá ở chỗ cung cấp thức ăn như hạt rơi rụng, sâu bọ.

Ông Dương Văn Luông - Trưởng phòng Quản lý thủy sản của Chi cục cho biết, từ đỉnh cao 2.600ha tập trung ở các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Lạng Giang..., hiện diện tích lúa - cá đã giảm xuống chỉ còn khoảng 1.800ha, định hướng theo quy hoạch tới năm 2030 chỉ còn 600ha.

“Phần bởi lấy đất làm công nghiệp, đô thị, giao thông, phần bởi giá bán cá - lúa thấp, dù ăn ngon nhưng không được chứng nhận, xác minh nguồn gốc. Cứ tính theo biểu cân nặng thì cá - lúa không thể cạnh tranh với cá ao được, giá bán thấp hơn ít nhất 10.000 đồng/kg. Hơn thế nuôi cá - lúa hết vụ thường phải thu bởi trời lạnh, ít nước là cá chết”, ông Luông phân tích.

Dương Đình Tường

Ruồi lính đen -  chìa khóa cho nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ

Ruồi lính đen - chìa khóa cho nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ

TIỀN GIANG Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.

Nhà máy biến vỏ trái cây thành phân bón hữu cơ đầu tiên ở Tiền Giang

Nhà máy biến vỏ trái cây thành phân bón hữu cơ đầu tiên ở Tiền Giang

TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 - 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.

Trồng ớt hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe để xuất sang Nhật Bản

Trồng ớt hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu khắt khe để xuất sang Nhật Bản

YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.

Liên kết trồng cà phê hữu cơ phát triển du lịch

Liên kết trồng cà phê hữu cơ phát triển du lịch

ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

Nông trại chè trung du bên hồ Núi Cốc chuyển đổi sản xuất hữu cơ

THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

Trồng hoa cúc chi vụ đông ở vùng cao giúp tăng vụ, cải tạo đất

LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.

Táo đại - niềm tự hào của người dân Mường Bú

Táo đại - niềm tự hào của người dân Mường Bú

SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Nông nghiệp hữu cơ, nhìn từ Vĩnh Phúc

Là một trong số các địa phương tiên phong xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đạt được nhiều kết quả rõ nét.

Xem Thêm