Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:25 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 08:33, 28/10/2024

Hợp tác xã dược liệu không bỏ đi thứ gì

THÁI NGUYÊN Đối với HTX Thiên Phúc, mỗi bộ phận trên cây sâm Bố Chính đều có giá trị riêng, nếu sử dụng được sẽ tạo thêm nhiều sản phẩm độc đáo.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc (HTX Thiên Phúc) tại xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) nổi tiếng với các thực phẩm, thức uống cao cấp được kết hợp sâm Bố Chính như: Panna cotta sâm (món tráng miệng từ sâm), cốt lẩu sâm, gà H’Mông hầm sâm và các sản phẩm có nguyên liệu từ sâm như bột sâm, trà sâm…

Những sản phẩm từ chăn nuôi cho tới dược liệu tưởng chừng như không liên quan tới nhau lại được chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Thiên Phúc đưa vào vòng tròn nông nghiệp tuần hoàn khép kín, không bỏ đi thứ gì.

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc. Ảnh: Quang Linh.

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc. Ảnh: Quang Linh.

 

“Nôm na là gà ăn phế phụ phẩm từ các loại cây dược liệu, phân gà thải ra lại được ủ men vi sinh để làm phân hữu cơ cho dược liệu. Nhờ quy trình khép kín, HTX chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào nên không có chất nguy hại, người tiêu dùng có thể an tâm”, chị Bình giải thích.

Vì sản phẩm từ trồng trọt hay chăn nuôi cũng liên quan tới sâm nên nữ thủ lĩnh HTX Thiên Phúc được cộng đồng làm nông nghiệp hữu cơ tại Thái Nguyên đặt biệt danh là “Bình sâm”. Vừa qua, chị Bình đã đoạt giải 3 toàn quốc và giải nhì miền Bắc tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp được với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” 2024 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Theo chị Bình, ở Đồng Hỷ bà con trồng dược liệu rất nhiều, trước kia, tại chính địa điểm HTX Thiên Phúc hiện nay là nơi bà con tập kết dược liệu để bán cho thương lái. Sau nhiều năm khai thác, nguồn dược liệu quý có nguy cơ cạn kiệt, đất trồng thoái hóa do không được chăm sóc, phụ hồi đúng cách. 

"Mình thành lập HTX về dược liệu cũng với mong muốn kết nối, tạo đầu ra ổn định cho chính gia đình và quê hương mình", chị Bình chia sẻ.

Vùng chuyên canh của HTX Thiên Phúc rộng khoảng 30ha trồng chủ yếu sâm Bố Chính, cát sâm, ba kích cùng một số loại dược liệu khác. Trong đó, HTX xác định sản phẩm chế biến từ sâm Bố Chính là mặt hàng chủ lực.

Sâm Bố Chính được biết đến đầu tiên tại Quảng Bình cách đây khoảng 300 năm, được đánh giá là vị thuốc quý trong dân gian với sự phong phú về hàm lượng dinh dưỡng và hoạt chất đặc biệt, một trong những sản vật quý được người xưa trồng để tiến vua.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc sử dụng nhiều thiết bị, máy móc trong canh tác. Ảnh: Quang Linh.

Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Thiên Phúc sử dụng nhiều thiết bị, máy móc trong canh tác. Ảnh: Quang Linh.

Trong rễ sâm Bố Chính chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, có mặt trong hơn 20 bài thuốc dân gian và có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất nước giải khát, ngâm rượu, mỹ phẩm.

Rễ của cây chứa các dưỡng chất như phytosterol, coumarin, acid béo, acid hữu cơ, đường khử và hợp chất uronic, các acid amin gồm 11 chất, ngoài ra, còn có 13 nguyên tố khoáng cần thiết cho cơ thể.

Anh Nông Trọng Sơn, kỹ thuật viên HTX Thiên Phúc cho biết, sâm Bố Chính trồng từ 4 đến 6 tháng sẽ ra hoa, khoảng hơn một năm rưỡi có thể thu hoạch củ. Nếu lấy hạt làm giống cho các vụ sau thì để vườn sâm Bố Chính từ 2 năm tuổi trở lên, sau đó thu hoạch củ.

“Khi mới trồng, HTX còn nhiều lo lắng về chất đất. Tuy nhiên khi tiếp cận, tôi thấy cây sâm Bố Chính rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Đặc biệt, việc sử dụng phân hữu cơ do HTX tự sản xuất giúp cây phát triển nhanh, đồng đều, giảm chi phí chăm bón và công lao động nhờ không xuất hiện các loại sâu bệnh hại”, anh Sơn cho hay.

Từ ngày quyết định nghỉ việc tại Công ty Samsung để dành trọn tình yêu cho cây sâm Bố Chính tại Thái Nguyên, chị Bình đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để phát triển HTX, trong đó 2 tỷ là vay ngân hàng nên hiện nay rất thiếu hụt nguồn vốn.

Do đó, nữ thủ lĩnh HTX Thiên Phúc mong muốn được các cấp, các ngành đồng hành để HTX mở rộng sản xuất. Đặc biệt, có cơ chế hỗ trợ, cho vay vốn ưu đãi để HTX đầu tư hệ thống máy sấy lạnh, máy sấy nhiệt và dây chuyền sản xuất gà hầm. 

Quang Linh

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

Làm nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được

HÀ NỘI Trong sách 'Cuộc cách mạng một cọng rơm', Masanobu Fukuoka chủ trương không làm cỏ. Khái niệm nông nghiệp lười có từ đó. Tuy nhiên nông nghiệp ở Việt Nam khó có thể lười được.

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

Trồng tiêu hữu cơ, giá cao hơn thị trường 20 - 30%

ĐẮK NÔNG Mấy năm qua, tiêu của HTX Bình Tiến không chỉ được xuất khẩu mà giá bán luôn cao hơn thị trường từ 20 - 30% do áp dụng quy trình canh tác hữu cơ.

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

Trồng trà hoa vàng hướng hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh

QUẢNG NINH Mô hình trồng trà hoa vàng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ giúp cây khỏe, lá xanh hơn so với trước đây.

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

4 nhà khoa học bỏ việc nhà nước, làm nông kiểu 'cách mạng một cọng rơm'

HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.

Xem Thêm