Thứ tư, 25/12/2024 | 12:21 GMT +7
Khi những cái khay lớn được chất đầy thứ củ tròn lẳn, lấm bùn ấy, người ta kéo nó vào bờ, đợi cân rồi chuyển lên xe đưa đi tiêu thụ.
Anh Vương Đắc Lộc, người làng So, xã Cộng Hòa (huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) chính là chủ nhân của khu đầm sen rộng 10ha này. Ít ai ngờ trước đây nó vốn là một cánh đồng hoang cỏ lác cao ngang ngực người, không hề có đường có lối, bà con thả vịt, thả trâu đến mất cả bờ, cả mương nên anh phải đổ tiền, đổ của ra mà đào đắp lại, rải thêm sỏi đá để ô tô có thể ra vào được.
Mất quá nhiều công thuê máy xúc cải tạo lại mặt bằng nhưng cánh đồng hoang bỏ không cả chục năm cũng có lợi thế rất lớn, tiện cho làm nông nghiệp không hóa chất vì chẳng mất 3 - 4 năm để thải độc đất như ở nhiều nơi.
Thuê được 20ha đất nhưng năm đầu anh Lộc chỉ cải tạo được 10ha rồi xin tham gia vào mô hình trồng sen theo hướng đa giá trị theo chương trình khuyến nông. Trong quá trình đó, anh được sự giúp đỡ về kỹ thuật trực tiếp của PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).
Có 8 giống sen được cấy xuống đầm, loại cánh kép chuyên hoa như pink, super, ruby, lady, quan âm..., loại chuyên hạt như sen mặt lồi. Vụ đầu, do trồng muộn lại gặp cơn bão lịch sử Yagi gây ngập lụt nhiều ngày khiến cho hoa và hạt đều bị ảnh hưởng khá nặng, anh chỉ bán được xấp xỉ 100 triệu đồng. Tuy nhiên củ sen bên dưới bùn lại không mấy bị tác động của bão nên giờ đang cho thu đều đều, sản lượng mỗi ngày khoảng 1 tấn, giá bán từ 30 - 40.000đ/kg loại 1; 20 - 25.000đ/kg loại 2 cho các chợ đầu mối, chợ dân sinh.
Theo anh Lộc, nếu sản xuất theo hướng hữu cơ thì sen rất dễ làm vì là cây có sức chống chịu rất tốt, chỉ bị bọ trĩ và bệnh thán thư. Mặt trên của lá sen không dễ dàng bám dính thuốc, mà bệnh thì lại ở mặt dưới nên chế phẩm sinh học dùng để phun phải có độ thẩm thấu tốt và kỹ thuật phun drone (thiết bị bay điều khiển từ xa) phải đảm bảo thuốc thốc xuống cả bên dưới mới cho hiệu quả.
Anh dùng chính phân giun quế trang trại tự nuôi bằng sản phẩm dư thừa của làng nghề miến dong làng So quê mình để bón cho sen. Cứ khoảng 4 - 5 tấn bã củ rong sẽ tạo ra được 1 tấn phân giun. Đó là loại phân hữu cơ rất sạch nhưng giá thành lại khá rẻ, giúp cho cây sen thêm cứng cáp, hoa đẹp, củ to, lớp bùn bên dưới lại tơi xốp, dễ dàng khi khai thác củ. Nếu huyện hỗ trợ cho một quỹ đất làm nơi xử lý chất thải làng nghề thì anh sẵn sàng đầu tư nhà máy chế biến phân bón hữu cơ để thương mại hóa.
Sen có hai sản phẩm chính là hoa và củ. Bán hoa tươi không hết anh Lộc sẽ chế biến chúng thành toner (nước cất) dùng để chăm sóc da, làm rượu sen. Củ thì ngoài bán tươi cho các chợ đầu mối anh đang thử nghiệm sơ chế, thái lát rồi sấy lạnh, chế biến thành tinh bột sen.
Trên thị trường, tinh bột sen đang có giá gần 1 triệu đồng/kg và bắt đầu thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng bởi có tính thanh nhiệt và đặc biệt có tinh bột kháng - một dạng tinh bột không thể tiêu hóa được trong ruột non do đó nó đi qua đây một cách nguyên vẹn và sau đó được lên men trong ruột già, tạo ra các axit béo chuỗi ngắn (SCFA) đóng vai trò như một nguồn năng lượng cho các tế bào ruột kết. Thực phẩm làm tăng lượng SCFAs trong ruột kết được cho là có lợi cho sức khỏe bằng cách giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào bất thường trong ruột.
Từ tinh bột sen anh Lộc kết hợp với đặc sản địa phương là miến So để tạo ra dòng miến sen vô cùng độc đáo, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường.
Hiện nước cất hoa sen, củ sen sấy lạnh, miến sen đã thử nghiệm xong, đang chuẩn bị bao bì, nhãn mác, thương hiệu cho quá trình sản xuất lớn và thương mại sắp tới. Trong đó miến sen được anh định hướng sẽ là sản phẩm chủ lực, sản lượng có thể đạt hàng chục, thậm chí hàng trăm tấn trong thời gian tới.
Khép kín từ sản xuất đến chế biến, đưa đến tận bàn ăn để phục vụ khách du lịch đến trải nghiệm là những gì anh mơ ước về một chuỗi giá trị trong tương lai và đang được định hình dần ở hiện tại.
HÀ NỘI Người mê nhảy dù ở Hà Nội không lạ gì đồi Bù của xã Nam Phương Tiến bởi thỏa thích ngắm màu vàng của những vườn bưởi chín xen màu xanh của những vườn rau…
NGHỆ AN Biết cách đánh thức tiềm năng của đất thông qua mô hình nông nghiệp hữu cơ, anh Nguyễn Văn Thành đã tạo nên khác biệt lớn tại khắp các vùng rau màu của Nghệ An.
TIỀN GIANG Ruồi lính đen là giải pháp thiết thực cho cả ngành trồng trọt và ngành chăn nuôi, đặc biệt là xu hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ ngày càng cao.
TIỀN GIANG Do đang vận hành thử nghiệm nên nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60% công suất, thu hồi từ 30 - 50% (30 tấn) nguyên liệu thô mỗi ngày.
YÊN BÁI Để quả ớt tiêu đáp ứng được yêu cầu rất khắt khe khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bà con phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác theo hướng hữu cơ.
ĐẮK NÔNG Với lợi thế nằm ngay cạnh khu du lịch hồ Tà Đùng - một 'vịnh Hạ Long trên Tây Nguyên', vườn cà phê hữu cơ này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
THÁI NGUYÊN Nằm trên dải đồi phía đông bao quanh hồ Núi Cốc, nông trại trà trung du Thu Luân có vị trí và điều kiện canh tác thuận lợi để chuyển đổi sản xuất hữu cơ.
LÀO CAI Trồng hoa cúc chi làm dược liệu không chỉ giúp bà con vùng cao tăng vụ mà còn cải tạo đất, thuận lợi cho sản xuất lúa hữu cơ ở các vụ sau đó.
SƠN LA Trồng theo hướng hữu cơ, quả táo đại của HTX Hưng Thịnh có quả to, vỏ mỏng với sắc xanh mát mắt, phần thịt dày, trắng giòn, vị ngọt đậm đà, hương thơm dịu nhẹ.