Thứ tư, 20/11/2024 | 21:20 GMT +7
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Ninh, từng là kỹ sư nông nghiệp với hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực phân bón, vật tư nông nghiệp của một công ty liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam, môi trường làm việc đã giúp anh Nguyễn Thanh Vũ (xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh) có nhiều cơ hội để tiếp xúc với nền nông nghiệp cũng như nông dân Nhật. Qua đó, anh Vũ phát hiện ra nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng còn nhiều việc phải làm.
Theo anh Vũ, tài nguyên đất sử dụng để phát triển nông nghiệp rất hạn chế buộc người Nhật phải nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại và tối ưu hóa việc sử dụng đất đai cũng như nguồn nước. Bên cạnh đó, người dân xứ sở hoa anh đào rất yêu quý thiên nhiên nên khi trồng loại cây nào họ cũng đều nghĩ tới sự sống còn của chúng. Nông dân Nhật sẽ để 5 – 10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên.
“Tại đất nước “khó tính” này, làm hàng giả, nhái, kém chất lượng đều bị nghiêm cấm và phạt rất nặng, còn bị xã hội tẩy chay. Họ cho rằng những người này phải nhận những hình phạt thích đáng. Bởi vậy, trên thị trường Nhật gần như không có sản phẩm độc hại. Nông sản đều đạt chất lượng tốt và năng suất cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU…”, anh Vũ chia sẻ.
Với hành trang là kiến thức và kinh nghiệm từng trải và bằng sự khao khát mang đến tay người tiêu dùng sản phẩm sạch và tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, năm 2018, anh Vũ đã gác lại công việc với mức lương nghìn đô mà nhiều người đang mơ ước để dấn thân vào con đường làm nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch.
Dẫn chúng tôi thăm vườn dâu tằm hữu cơ ở xã Tân Hưng (huyện Tân Châu, Tây Ninh), anh Vũ cho biết lý do chọn cây này canh tác bởi đây là cây dễ trồng, ít kén đất, đồng thời còn là vị thuốc quý có nhiều tác dụng chữa bệnh như an thần, giảm đau viêm xương khớp… Cây dâu tằm ra quả quanh năm, chua chua ngọt ngọt, vừa ngon lại giúp thanh nhiệt, giải độc, tốt cho sức khoẻ.
Hiện vườn dâu của anh có hơn 1.000 cây dâu tằm đã gần 5 năm tuổi được trồng theo quy trình hữu cơ tuần hoàn chuẩn Nhật Bản trên diện tích 2ha. Điều ấn tượng là vườn dâu của anh Vũ còn nuôi dưỡng, bảo vệ trùn đất - một sinh vật được ví như thợ cày chăm chỉ giúp đất luôn tơi xốp, màu mỡ.
“Tôi đã dành 2 năm để cải tạo đất và quyết định trồng cây hoàn toàn theo quy trình hữu cơ. Sau 3 năm trồng cây, đến nay, cây dâu tằm đã cho quả ngọt, năng suất năm sau cao hơn năm trước, trong khi đó chi phí sản xuất tỷ lệ nghịch với năng suất, ngày một giảm. Tùy vào thời điểm, mỗi ngày chúng tôi hái được khoảng 50kg, có hôm nhiều được khoảng 100kg quả dâu, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường TP.HCM. Số còn lại chúng tôi chế biến các thành phẩm như sirô, mứt dâu tằm... bán tại địa phương”, anh Vũ chia sẻ.
Những năm gần đây, ngành du lịch Tây Ninh từng bước khẳng định được vị thế, thu hút khá đông đảo du khách trong và ngoài nước. Với trọng tâm là Núi Bà Đen, ngành du lịch Tây Ninh từng bước phối hợp với các đơn vị liên quan, dần hình thành các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp. Bước đầu cho thấy hướng đi này triển vọng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, vườn dâu tằm Ba Phong của anh Vũ đang là điểm đến lý tưởng của nhiều khách du lịch khi đặt chân đến vùng đất Tây Ninh.
Theo anh Vũ, trước guồng quay hối hả với nhiều áp lực trong cuộc sống, con người ngày càng có nhu cầu được trải nghiệm những chuyến đi giúp lấy lại sự cân bằng về tinh thần, thể chất và du lịch xanh đang trở thành xu thế.
Từ khi vườn dâu bắt đầu có thu hoạch, nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đã biết và đến tham quan, trải nghiệm. Mọi người thực sự thích thú với không gian tươi mát, trong lành tại vườn dâu tằm Ba Phong. Tại đây, mọi người có thể tìm hiểu quy trình làm vườn hữu cơ, trải nghiệm hái dâu tằm và thưởng thức miễn phí ngay tại vườn.
Đặc biệt, với các gia đình có cháu nhỏ hoặc các em học sinh có nhu cầu tham quan, trải nghiệm, ngoài việc được giới thiệu về các loại cây trái quanh mình, các em còn được hướng dẫn cách chăm sóc cây, cách tôn trọng môi trường sống và bảo vệ môi trường xung quanh mình để hướng tới một tương lai xanh.
Đang mê mẩn với vườn dâu tằm, chúng tôi bắt gặp anh Nguyễn Phong Trần, giáo viên Trung tâm Giáo dục Tâm Thức (thành phố Tây Ninh) đưa đoàn học sinh gần 20 cháu đến tham quan, trải nghiệm tại vườn dâu tằm Ba Phong.
Anh Trần chia sẻ: “Chúng tôi muốn các em được trải nghiệm nông nghiệp một cách chân thật. Đến vườn dâu, các em có thể tự tay bới đất, trồng cây, hái trái cây và ăn ngay tại vườn mà không lo ngại thuốc trừ sâu. Ngoài trải nghiệm cách trồng cây hữu cơ, sản phẩm sạch, thầy cô và học sinh còn được vui chơi, tham quan tại vườn, mang chút dâu tươi và các sản phẩm từ dâu tằm về nhà làm quà”.
Theo anh Vũ, doanh thu mỗi ha dâu tằm đạt khoảng 200 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm. Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, anh tiếp tục đầu tư mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn theo chuẩn Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu khách tham quan khi đến với Tây Ninh.
Đánh giá về mô hình du lịch nông nghiệp, ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh cho biết, Tây Ninh có nhiều thế mạnh về du lịch, trong đó du lịch nông nghiệp là mô hình rất tiềm năng nhưng vẫn chưa được nước ta nói chung, Tây Ninh nói riêng khai thác đúng mức. Hiện các nhà đầu tư đang nhận thấy tiềm năng và dần chuyển hướng qua loại hình này. Trong tương lai gần, tiềm năng du lịch nông nghiệp hi vọng sẽ phát triển đúng với mong đợi.
“Vườn dâu tằm hữu cơ Ba Phong được xem là một trong nhiều sản phẩm du lịch mới mà Tây Ninh nhận thấy phù hợp và hiệu quả, chúng tôi đang tích cực phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết với nhau để tạo ra sản phẩm thu hút du khách trong thời gian tới. Hi vọng với cách làm ý nghĩa và hiệu quả từ vườn dâu này, những mô hình du lịch xanh kết hợp du lịch nông nghiệp sẽ ra đời, tạo thêm nhiều sản phẩm mới lạ cho Tây Ninh để thu hút du khách gần xa”, ông Hà Thanh Tùng chia sẻ.
Hòa Bình Tôi thức dậy giữa tiếng gà gáy, ngoài cửa lều là một khung cảnh đẹp mơ màng, những quả cam chín vàng như những cây thông Noel khổng lồ nổi bật trên nền trời xanh.
ĐẮK NÔNG Vườn 'trái cây vua' này không chỉ mang lại giá trị cao, bền vững mà còn là điểm tham quan, học hỏi của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh, thu hút khách du lịch.
HÀ NỘI Chúng tôi ngồi uống trà dưới bóng mát của hàng dâu, nghe lích chích tiếng của lũ chim sâu đang mải miết đi tìm mồi trong các kẽ lá.
Các mô hình nuôi lợn thịt đạt trên 70% tiêu chí hữu cơ, an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi...