Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:01 GMT +7
Hỏi về rươi Đông Triều, ông Phạm Văn Thành - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) hào hứng khoe - "rươi Đông Triều đã xuất sang tận Nhật Bản đấy, tiêu thụ tốt lắm!".
Rồi ông Thành "kết nối" cho PV đến gặp anh Nguyễn Văn Duy ở khu Xuân Cầm (phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều), người đầu tiên đưa rươi Đông Triều sang thị trường Nhật Bản.
Ngay chân cầu Cầm, "thủ phủ" của món đặc sản rươi Đông Triều "danh bất hư truyền" là một nhà hàng khang trang, chuyên các món về rươi và mắm cáy do anh Nguyễn Văn Duy, 34 tuổi làm chủ. Anh Duy trước là công nhân mỏ, sau đó xin nghỉ để về nhà làm nông nghiệp. Duy tâm sự: "Lần đi Hà Nội chơi, bạn bè bảo Đông Triều làm gì có rươi, toàn lấy rươi Tứ Kỳ - Hải Dương về bán.
Động đến tự ái quê hương nên mình cay lắm. Mình suy nghĩ mãi rồi quyết định xin nghỉ mỏ, về mở cửa hàng ăn chuyên về rươi vì đây là sản vật được trời phú cho khu sông Cầm - Đông Triều".
Vốn xuất thân con nhà nông, từ nhỏ thường cùng gia đình đi hớt rươi, bắt cáy nên Duy khá am hiểu về "lĩnh vực" này. Duy cho biết, khu vực Đông Triều có rươi từ khi nào không ai nhớ. Chỉ biết, ở Quảng Ninh có hai vùng có rươi là Uông Bí và Đông Triều, nhưng rươi ở hai vùng chất lượng khác nhau do không chung nguồn nước.
Rươi Đông Triều có hai vụ, vụ tháng 5, tháng 6 gọi là rươi chiêm; từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau là rươi mùa. Rươi mùa là rươi ngon nhất, con to, mẩy, nhiều bột. Trong hai vụ thu hoạch đó thì tầm một tháng mới có một nước rươi, người dân thu hoạch rươi trong vòng từ 5 đến 7 ngày, hết lại phải chờ đến nước sau. Vào chính vụ rươi, lần thu hoạch nhiều nhất có thể đạt gần 1 tạ trên một sào, thu đến đâu là có thương lái đến tận nơi thu mua hết đến đó.
Ngoài thu hoạch rươi, trên mỗi cánh đồng còn có cả cáy, cáy phía trên, rươi phía dưới nên một cánh đồng bà con "gặt hái" được cả hai sản vật. Rươi có giá từ 400.000 - 600.000 đồng/kg, cáy thì 100.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm. Duy cho biết, từ ngày rươi, cáy có giá, dân địa phương cũng ít trồng lúa mà chuyển hẳn sang làm rươi, vừa nhàn mà thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Duy thu gom rươi của bà con để phục vụ cho nhà hàng, đẩy vào siêu thị. Còn cáy, Duy làm mắm, đóng chai, bán đi rất nhiều nơi.
Hiện, Công ty TNHH Sông Cầm của anh Duy có 4 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Ninh chứng nhận OCOP, là: Rươi cấp đông sông Cầm, cáy xay cấp đông sông Cầm, rươi kho sông Cầm và mắm cáy sông Cầm.
Hỏi thêm Duy, rươi có nuôi được không?, Duy cho rằng "dùng từ nuôi rươi là không đúng". Bởi theo tìm hiểu của anh, rươi là hoàn toàn tự nhiên, không có ấu trùng nào cả. Ngày xưa, giá trị rươi thấp thì mọi người cứ vào ruộng của nhau vớt. Nhưng giờ giá trị kinh tế cao, người dân quây ruộng của mình vào nên bị gán cho cụm từ "nuôi rươi".
"Trước dân không biết, có nhà cho phân gà vào ruộng nhưng rươi bị chết, hai ba năm sau rươi không lên bởi phân gà nóng, rươi bị xót, môi trường của rươi đòi hỏi phải sạch. Đến bây giờ cũng không ai biết con rươi dài bao nhiêu vì đến mùa sinh sản nó bị đứt đoạn rồi ngoi lên. Còn rươi dưới lòng đất, lúc mình đào lên có con dài cả mét, nhỏ xíu như que tăm. Muốn rươi phát triển tốt, cứ vài tháng phải cày bừa cho ruộng tơi xốp đất, đắp cỏ xuống ruộng để tạo độ ẩm thêm", anh Duy chia sẻ thêm.
Ban đầu, Duy mua thu gom rươi của nông dân địa phương để phục vụ cho nhà hàng, bán ra cho các cửa hàng lân cận. Tình cờ, một hôm có đoàn chuyên gia Nhật vào cửa hàng của Duy ăn chả rươi rồi tấm tắc khen ngon, muốn mua mang về làm quà biếu. Từ "sự kiện" này, Duy "ủ mưu" tìm cách đưa đặc sản rươi Đông Triều đi nước ngoài. Nghĩ là làm, anh liên hệ với người thân đang làm bên Nhật Bản, người này đã chắp mối nhờ một vị làm trong chuỗi siêu thị ở Nhật tìm đầu ra cho rươi Đông Triều. Biết là thị trường Nhật rất khó tính, đặc biệt trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm nên Duy đem mẫu rươi đến Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) kiểm tra. Khi thấy kết quả "rươi an toàn", Duy gửi một vài mẫu sang bên Nhật để kiểm định, đánh giá. Qua kiểm tra ở hai nước, kết quả giống nhau, rươi Đông Triều không có hàm lượng tạp chất, sạch gần như tuyệt đối.
Tháng 12/2019, thông qua một công ty chuyên về thực phẩm, Duy chuyển sang Nhật mẻ đầu tiên hai tạ rươi cấp đông để thử phản ứng thị trường. Rươi Đông Triều được đưa vào siêu thị Nhật, bán 3 ngày hết bay 2 tạ với giá trung bình hơn 1 triệu đồng/kg, gấp đôi giá bán tại Việt Nam. Lần thứ hai, vào tháng 04/2020, Duy gửi sang 7 tạ, hàng cũng bán rất chạy.
"Hai lần đẩy hàng qua Nhật phải vận chuyển bằng đường hàng không nên phí cao, lại thông qua một công ty trung gian nên lãi còn rất ít. Nhưng đó là tín hiệu tốt, cho thấy đặc sản rươi Đông Triều được một bộ phận người dân Nhật Bản ưa thích, trong đó người Việt ở Nhật mua rất nhiều", anh Duy cho hay.
Để có thể tự làm từ A đến Z như những doanh nghiệp lớn, Duy đã tạm ngừng liên kết với công ty trung gian. Được sự động viên, hộ trợ của lãnh đạo thị xã Đông Triều và người thân, hiện anh Nguyễn Văn Duy đang từng bước hoàn thiện các thủ tục, hy vọng sang năm có thể tự mình xuất khẩu rươi sang Nhật Bản với thương hiệu rươi sông Cầm - Việt Nam.
Trong toàn bộ các tỉnh thành Bắc Bộ, Đông Triều là nơi có rươi ngon nhất vùng. Hiện nay, diện tích khai thác rươi toàn thị xã Đông Triều là 65-70ha, tập trung nhiều nhất ở các phường Xuân Sơn, Kim Sơn, Hưng Đạo… với số lượng rươi thu được khoảng hơn 10 tấn/năm. Vào mùa sinh sản, rươi từ những hang dưới đất nổi lên mặt nước theo dòng để ra các vùng cửa sông. Quá trình sinh sản chịu ảnh hưởng của các yếu tố chu kỳ mùa vụ, nhiệt độ môi trường, độ mặn, độ cao của thủy triều...
Theo phòng kinh tế thị xã Đông Triều, rươi là sản phẩm đặc thù nếu tiếp xúc với hóa học không sống được vì vậy để khai thác rươi đạt hiệu quả, tươi xốp, có nguồn dinh dưỡng, nhằm mục đích nâng cao năng suất, người khai thác phải thực hiện các biện pháp canh tác theo hình thức truyền thống, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật.
Rươi Đông Triều thường có kích thước lớn. Rươi tươi, ngon và dày mình. Khi ăn có vị bùi, béo, ngậy. Đây đồng thời là một loại thực phẩm rất nhiều chất dinh dưỡng. Rươi có thể chế biến được nhiều món ngon: chả rươi, canh rươi, rươi kho, rươi chiên, mắm rươi. Trong đó, chả rươi và rươi kho là 2 món du khách có thể mua về dùng hoặc làm quà biếu.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.
Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.
QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.
Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.