Thứ năm, 02/01/2025 | 00:43 GMT +7
Thái Nguyên là vùng sản xuất chè nổi tiếng cả nước với danh xưng “đệ nhất danh trà”. Thế nhưng “Thủ đô gió ngàn” vẫn còn vô số những sản vật đặc sắc khác. Một trong những sản vật ấy là na Võ Nhai.
Huyện vùng cao Võ Nhai được thiên nhiên ưu ái ban tặng chất đất, khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây ăn quả, trong đó có cây na. Cây na trồng trên sườn núi bao giờ cũng cho quả ngon, ngọt hơn na trồng dưới những vùng đất bằng phẳng. Cây na ở huyện vùng cao Võ nhai đã có từ mấy chục năm nay, được bà con trong vùng trồng và chăm sóc qua nhiều thế hệ. Trải qua nhiều năm, na Võ Nhai vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Na Võ Nhai có vị ngọt đậm, hương thơm khó quên không lẫn với bất cứ nơi nào. Na Võ Nhai quả to, múi căng, thưa hạt, bóc một lớp vỏ mỏng để lộ lớp cùi trắng ngần, bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy, nếm thử có vị ngọt đậm đà, mùi hương cũng rất đặc trưng, dìu dịu, tinh khiết.
Là vùng trồng na tập trung lớn nhất của huyện Võ Nhai, xã La Hiên có khoảng trên 300ha na. Không phải tự nhiên mà na La Hiên lại trở thành đặc sản. Được thổ nhưỡng nơi núi rừng Việt Bắc nuôi dưỡng, những gốc na hút tinh túy từ sương mai, gió ngàn, cho ra những quả na to, mắt căng, thưa hạt, dày cùi, vị ngọt thơm, đậm đà khó quên. Na thông thường sẽ có mùi hăng sặc lên mũi khi còn xanh nhưng na La Hiên thì dìu dịu mùi na chín tự nhiên.
Nhờ khí hậu thuận lợi, những cây na lớn lên ở đây không chỉ sai quả mà còn có mùi thơm đặc biệt. Tuy chưa khẳng định được tên tuổi lớn trên thị trường nhưng na La Hiên cũng đã đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2020, trở thành cây ăn quả chủ lực của huyện Võ Nhai.
Mỗi năm, hàng nghìn tấn na La Hiên đổ đi khắp nơi, có thời điểm "cháy hàng". Thương lái đổ về La Hiên đặt trước cả vườn na khi quả còn chưa mở mắt. Tiếng thơm cứ thế lan dần, na La Hiên theo những chuyến xe đi khắp các chợ xa gần, xuôi về Hà Nội, tỏa ra nhiều nơi khắp cả nước.
Cách đây hơn 20 năm, người dân xã La Hiên thường trồng mía, chè và nhiều cây ăn quả khác nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ những năm 2000, bà con nơi đây bắt đầu bén duyên với cây na. Chuyển sang trồng na, kinh tế và đời sống của bà con đã có sự cải thiện rõ rệt. Chính cây na đã giúp bà con xóa đói, giảm nghèo. Cũng từ những vườn na, bà con đã có thể xây lên những ngôi nhà 2, 3 tầng kiên cố.
Hiện nay, huyện Võ Nhai được biết đến là một trong những vùng chuyên canh na lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Để loại quả đặc sản này tiếp tục khẳng định giá trị, thời gian qua, địa phương đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích mở rộng diện tích, nhất là sản xuất theo hướng VietGAP. Tuy sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP không khó nhưng đòi hỏi chủ vườn phải thực hiện đúng quy trình từ khâu chăm sóc đến bảo quản, thu hoạch.
Năm 2021, huyện Võ Nhai đã triển khai thực hiện dự án phát triển cây na đặc sản và một số cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tại các xã: Tràng Xá, Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên, Dân Tiến và Phương Giao. Dự án hỗ trợ toàn bộ chi phí cấp chứng nhận VietGAP lần đầu; hỗ trợ toàn bộ chi phí trồng mới, trồng cây thay thế; hỗ trợ 40% chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả…
Sau hơn 2 năm thực hiện, diện tích cây na của huyện được mở rộng nhờ chính sách hỗ trợ giá giống và phân bón. Một số vùng trồng na từng bước ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất như: Lắp đặt hệ thống tưới phun nước tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ.
Hiện xã La Hiên đã thành lập các tổ trồng na an toàn. Quả na La Hiên đã được dán tem nhãn và mã QR code để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc. Năm 2018, na La Hiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.
Ông Lê Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND xã La Hiên cho biết, những năm gần đây, địa phương đã có nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng nông sản thông qua việc thúc đẩy sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ. Đồng thời, minh bạch quy trình sản xuất, áp dụng sản xuất theo chuỗi để tăng giá trị sản phẩm…
“Nhờ đó, không chỉ quả na mà nhiều mặt hàng nông sản khác của người dân cũng được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, bước đầu xây dựng được thương hiệu”, ông Hà chia sẻ.
Quảng Ninh Vạn Yên là vùng trồng cam tập trung lớn nhất huyện Vân Đồn. Khi tiết trời bắt đầu se lạnh, những vườn cam Vạn Yên bắt đầu bước vào mùa thu hoạch.
Quảng Ninh Từ bỏ công việc ổn định, anh Đoàn Công Bách quyết tâm xây dựng sản phẩm rượu men lá Gốc Đa từ gạo nếp cái hoa vàng trứ danh của Quảng Yên.
Quảng Bình Vào những ngày nắng lên đến đỉnh điểm là lúc diêm dân Quảng Phú nở những nụ cười tươi vì muối được mùa, được giá…
Từ ngày 6 - 8/12, tại Trung tâm Thương mại GO! Thăng Long, Central Retail Việt Nam tổ chức Tuần hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản tỉnh Yên Bái năm 2024.
HÀ TĨNH Chưa năm nào giá cam giòn ở Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) cao như năm nay. Đầu vụ, hiện giá cam giòn từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
HÀ TĨNH Những ngày này, làng nghề sản xuất mật mía ở xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đang ngày đêm đỏ lửa nấu mật phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
NGHỆ AN Nhiều sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP đã tạo dấu ấn, thu hút đông đảo khách tham quan tại Triển lãm Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công.
Quảng Ninh Trà Ba kích Ba Chẽ là sản phẩm được chế biến từ 100% củ ba kích tím, là thức uống vừa bổ dưỡng vừa tiện lợi trong việc chăm sóc sức khỏe.
HÀ TĨNH Sau khi tham gia chương trình OCOP, doanh số bán hàng của các sản phẩm tăng bình quân 40% so với trước khi tham gia chương trình.
Đồng Nai vừa công bố kế hoạch tổ chức Lễ hội 'Hương Bưởi Tân Triều'. Đây là lễ hội về bưởi lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nhân dịp chào mừng năm mới.