Thứ sáu, 14/06/2024 | 05:12 GMT +7

  • Click để copy
Thứ sáu- 13:45, 24/05/2024

Ly kỳ 'tiểu sử' giống hồng xiêm nhót 100 năm tuổi

THÁI BÌNH Hơn 100 năm trước, một nông dân Thái Bình đi phu sang Thái Lan mang về quê hạt giống của một loài cây lạ. Về sau, nó trở thành đặc sản giúp cả xã làm giàu.
Sản vật nổi tiếng của đất Lô Giang (huyện Đông Hưng, Thái Bình) mang tên hồng xiêm nhót được lấy giống từ đất nước Thái Lan hơn 100 năm trước. Ảnh: Kiên Trung.

Sản vật nổi tiếng của đất Lô Giang (huyện Đông Hưng, Thái Bình) mang tên hồng xiêm nhót được lấy giống từ đất nước Thái Lan hơn 100 năm trước. Ảnh: Kiên Trung.

Câu chuyện được người dân xã Lô Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) lưu truyền nhiều thế hệ khi nói về nguồn gốc, xuất xứ của cây hồng xiêm nhót – loài cây đặc sản chỉ có ở hai thôn trong xã, là niềm tự hào của vùng đất này.

Người đầu tiên mang hồng xiêm nhót về quê lúa

Người được bà con trong xã nhắc tới với lòng biết ơn, kính trọng là cụ Đinh Văn Sách. Hơn 100 năm trước, cụ Sách đi phu bên tận Thái Lan đã mang về quê mình một giống cây lạ. Chẳng biết duyên rủi thế nào, cây hợp khí hậu, thổ nhưỡng, bén rễ vùng đất mới, phát triển sinh sôi, chẳng mấy chốc cành lá sum suê, đơm hoa kết trái…

Khi ấy, vì chưa biết tên loài cây lạ, cả làng không dám ăn vì sợ nó là loại quả độc. Là người mang cây về quê, cụ Sách đánh liều bổ ra ăn thử, thấy vị ngọt thanh, mát, mùi thơm dịu, hạt đen nhức như hạt na, hình dáng hạt mảnh, dẹt như hạt quả hồng. Nín thở theo dõi mấy ngày liền kể từ khi nếm quả lạ, cụ Sách thấy người vẫn khỏe mạnh bình thường, không hề hấn gì, khi ấy dân làng mới dám ăn. Vị thanh, mát, ngọt dịu của nó khiến cả làng thích thú.

Một trong 8 cây đầu dòng được chiết trồng từ 4 cây hồng xiêm tổ do cụ Sách mang về quê. Ảnh: K.Trung.

Một trong 8 cây đầu dòng được chiết trồng từ 4 cây hồng xiêm tổ do cụ Sách mang về quê. Ảnh: K.Trung.

Vì là cây lấy từ nước Xiêm (tên gọi cũ trong lịch sử của đất nước Thái Lan), kết hợp với đặc điểm, hình dạng của trái giống quả hồng, nhưng thon, dài, một đầu nhọn như quả nhót, cụ Sách bèn đặt cho nó cái tên “hồng xiêm nhót”. Tên gọi nôm na ấy được lưu giữ hơn một trăm năm qua, thành tên gọi chính của loài cây đặc sản mà cụ Sách lặn lội mang từ nước Xiêm về trồng trên đất Lô Giang.

Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn đến xin cụ Sách cây giống về trồng. Vốn tốt tính, hào sảng, lại muốn nhà nào cũng có một cây quý lấy quả ăn chơi, mà cũng làm đẹp thêm khuôn viên gia đình, cụ Sách chiết cành, nhân giống chia cho cả làng. Từ một cây giống lầy về từ đất nước xa xôi, ngày nay, cây hồng xiêm nhót đã phủ kín hai thôn Hoàng Nông, Phú Nông với diện tích trồng lên tới vài chục ha.

4 cây xiêm nhót đầu tiên do cụ Sách trồng, hai cây trong vườn nhà, một cây ở chùa làng, cây còn lại trồng trong vườn của một địa chủ. Sau năm 1945, đất của người địa chủ kia được sung công, chia đều cho các bần cố nông trong thôn, cây hồng xiêm tổ cũng trở thành tài sản của người làng. Đến nay, cả 4 cây hồng xiêm nói trên đều đã trở thành cây tổ, có tuổi đời hơn 100 năm. Những cây con được chiết từ cành thuộc thế hệ F1, F2 giờ đây đều được gắn biển cây đầu dòng, tuổi đời 7 – 80 năm, và đều là những cây đại thụ.

Anh Nguyễn Tiến Đạt thu hoạch hồng xiêm nhót trong vườn nhà. Ảnh: K.Trung.

Anh Nguyễn Tiến Đạt thu hoạch hồng xiêm nhót trong vườn nhà. Ảnh: K.Trung.

“Mấy năm trước, cây hồng xiêm tổ trong chùa làng bị bão đánh gãy cành, cùng với việc chùa làng trùng tu, tôn tạo nên phải di dời cây đi nơi khác, sau đó bị chết, tiếc quá. Hiện Lô Giang còn lại 3 cây hồng xiêm tổ, là “cây cao bóng cả” được dân làng chăm sóc, bảo tồn” – ông Vũ Xuân Thành, Chủ tịch xã Lô Giang tiếc rẻ.

Hồng xiêm rợp bóng 

Ông Lã Đức Thắng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hưng tự hào dẫn tôi về tận “nôi hồng xiêm nhót Lô Giang” để mục sở thị loài cây quý. Ông Thắng cho hay, tỉnh, huyện… đã có lộ trình đối với loài cây quý này để bảo tồn, nhân rộng, biến nó thành cây kinh tế, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.

Hoàng Nông, Phú Nông là 2/4 thôn của xã Lô Giang. Cánh đồng thẳng tắp, lúa đang vào hạt. Dù chưa có nhiều những cánh đồng lớn như các vùng đại điền Kiến Xương, Thái Thụy… trong tỉnh, thế nhưng ông Thắng vẫn đầy tự hào: “Đông Hưng quê tớ, năng suất lúa phải đứng đầu tỉnh. Chân ruộng rất tốt, quy hoạch kênh mương, bờ bao, bờ thửa thẳng tắp. Những cánh đồng đẹp như tranh vẽ”.

Ông Lã Đức Thắng (áo trắng), Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hưng kiểm tra vườn hồng xiêm nhót 6 năm tuổi tại xã Lô Giang. Ảnh: Kiên Trung.

Ông Lã Đức Thắng (áo trắng), Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hưng kiểm tra vườn hồng xiêm nhót 6 năm tuổi tại xã Lô Giang. Ảnh: Kiên Trung.

Nổi lên trên màu xanh của lúa là những con đường bê tông nông thôn mới rộng rãi khang trang, giao nhau như kẻ ô bàn cờ. Các khu dân cư quần tụ, tập trung đứng riêng một góc. Chỉ vào thảm xanh sậm, nhô lên cao ở phía xa, ông Thắng bảo: “Đấy là vùng trồng hồng xiêm nhót của thôn Hoàng Nông”.

Theo hướng tay ông Thắng chỉ, một khối xanh sậm trải dài trước mắt, chỉ nhìn đã thấy toát lên sự trù phú. Những khối xanh sậm, vươn cao là những cây hồng xiêm cổ thụ. Khoảng xanh mỡ, nhạt hơn, thấp hơn… là những vườn hồng xiêm mới trồng, tuổi đời chừng 5 – 6 năm. Màu xanh trùm lên thôn xóm khiến những khu dân cư từ xa như một hòn đảo xanh đầy sức sống, có những khu nhìn như một thảm rừng.

Xuyên qua những đường thôn, ngõ xóm, những cành hồng xiêm la đà sà ra tận ngoài đường. Cảm giác người đi bộ dọc đường làng phải rẽ cành mà đi, hai chiếc xe máy đi ngược chiều nếu tránh nhau sẽ chạm phải những ngọn hồng xiêm vươn cành đón nắng.

Người dân xã Lô Giang phải trèo cao lên tận ngọn cây để thu hoạch quả hồng xiêm. Ảnh: K.Trung.

Người dân xã Lô Giang phải trèo cao lên tận ngọn cây để thu hoạch quả hồng xiêm. Ảnh: K.Trung.

Mấy ngày trước đó Lô Giang mới có mưa. Cơn mưa đầu hạ mát lành như rửa vườn khiến những vườn hồng xiêm được thay áo. Những búp non màu nâu sữa xòe lộc, chụm với nhau như một đài hoa đồng tiền.

Xen trong các kẽ lá đầu cành, hoa hồng xiêm tranh nhau nhú, dù vẫn ở đầu cành ấy, những lứa quả vẫn gối nhau, có những quả non vừa đậu, nhỏ như hạt đậu, lại có những quả to cỡ ngón tay, lứa quả to như quả trứng gà, sắp cho thu hoạch… Cây hồng xiêm ra quả liên tục và cho thu hoạch song song suốt thời gian từ tháng 11 âm lịch năm trước cho tới tháng 5, tháng 6 âm lịch năm sau. Những vườn hồng xiêm tươi tốt và đẹp đẽ càng làm tôn thêm vẻ bình yên, trù phú của làng quê.

Đi qua một khu vườn toàn những cây hồng xiêm xanh mát, thấy một ngọn cây rung rinh, anh Thoại – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Lô Giang dừng lại, dẫn chúng tôi ghé thăm. Anh biết có người đang trèo hái thu hoạch quả.

Những trái hồng xiêm nhót - đặc sản của vùng quê Lô Giang... Ảnh: Kiên Trung.

Những trái hồng xiêm nhót - đặc sản của vùng quê Lô Giang... Ảnh: Kiên Trung.

Giữa mênh mông màu xanh, có tiếng người í ới giữa trưa hè mà không thấy người đâu. Những khóm hồng xiêm cao 5 – 7 mét cành lá sum suê, che kín thân, chỉ nhìn thấy quả mà không thấy thân cây đâu…

Anh Thoại hắng giọng gọi. Quả nhiên, có tiếng đáp lại ngay lập tức. Vợ chồng anh Nguyễn Tiến Đạt (sinh năm 1984) đang nghễu nghện trên hai ngọn cây, đúng khu vực cái cây rung rinh khi nãy. Sáng nay, vợ chồng anh phải thu hoạch cho kịp hẹn của thương lái vào lấy hàng.

Khu vườn rộng mênh mông của nhà anh Đạt gần một mẫu, trước kia là chân ruộng xấu, anh xin chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Vườn hồng xiêm của anh trồng năm nay đã bước sang năm thứ 20, những cây hồng xiêm thân to cỡ bắp đùi, tán vươn thẳng, cao nghểu chừng 5 – 6 mét, cành nào cành nấy quả lúc lỉu, la đà.

Từ lâu, hồng xiêm nhót đã trở thành cây mang lại thu nhập cao ở vùng quê lúa. Ảnh: Kiên Trung.

Từ lâu, hồng xiêm nhót đã trở thành cây mang lại thu nhập cao ở vùng quê lúa. Ảnh: Kiên Trung.

Đã quá quen với việc trẩy quả, thoăn thoắt như một con khỉ, anh Đạt vắt từ cành này sang cành khác. Những cành cao, xa, tay không với tới anh phải dùng cây sào dài được chế cái cù nèo, có hốc đỡ quả, không để nó rơi xuống đất. Một chiếc sọt được thòng dây treo lủng lẳng ở phần cổ ngọn cây hồng xiêm. Bao giờ đầy sọt, anh Đạt lại tụt xuống dưới gốc, đổ sang những bao tải dứa.

Một mẫu đất anh Đạt trồng được từ 30 – 40 ụ, mỗi ụ 3 – 4 cây hồng xiêm, tương đương khoảng trên dưới 100 cây hồng xiêm phủ kín. Giá hồng xiêm nhót đầu vụ loại hàng tuyển (loại 1) đang bán giá 40 ngàn đồng/kg; hồng bán xô, đổ đồng thương lái về tận vườn thu mua giá trên 20 ngàn đồng/kg. Mỗi năm vườn hồng cho thu hoạch khoảng 2 tấn quả, đồng nghĩa với việc nông dân Lô Giang bỏ túi 50 – 60 triệu đồng – giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa…

Điều đặc biệt ở cây hồng xiêm nhót trên đất Lô Giang, ấy là nông dân chỉ đầu tư trồng cây một lần nhưng được thu hoạch suốt đời, bởi đặc thù vùng đất này đặc biệt thích hợp với cây hồng xiêm, chúng phát triển và có tuổi thọ hàng trăm năm. Bằng chứng là những cây “hồng xiêm tổ” trồng từ thời cụ Đinh Văn Sách khi xưa đến nay vẫn đang cho thu hoạch, chưa có cây nào bị thoái hóa hay già cỗi, chết. Duy nhất, một trong 4 cây tổ nói ở trên bị chết là do mưa bão và tác động ngoại cảnh, không phải do cây bệnh tật.

Vùng quê rợp bóng hồng xiêm. Ảnh: Kiên Trung.

Vùng quê rợp bóng hồng xiêm. Ảnh: Kiên Trung.

Trẩy một quả hồng xiêm nhót chín cây nấp rất kín trong một kẽ lá, anh Đạt hào hứng đưa cho tôi: “Nhà báo nếm thử xem trái hồng xiêm Lô Giang có khác với các loại hồng xiêm khách hay không?”. Đón trái hồng từ tay anh, tôi tò mò khám phá: Dưới lớp da mỏng, căng mọng, bóng, mịn là lớp ruột bên trong đỏ au, đầy nước. Ăn thấy vị thanh, mát, ngọt dịu và hương vị rất riêng, thơm lừng cả một góc vườn…

Kiên Trung

Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 20: Hành trình làm nông hạnh phúc

Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 20: Hành trình làm nông hạnh phúc

TP.HCM Lễ hội trái cây Nam Bộ lần thứ 20 chính thức khai mạc ngày 1/6 và diễn ra đến hết ngày 31/8 tại Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (thành phố Thủ Đức).

3 sản phẩm OCOP tiêu biểu nhất tỉnh Hòa Bình

3 sản phẩm OCOP tiêu biểu nhất tỉnh Hòa Bình

Trà tam thất xạ đen Linh Dược Sơn, chè shan tuyết Pà Cò và bộ sản phẩm cao cà gai leo, cao xạ đen là 3 sản phẩm OCOP tiêu biểu nhất tỉnh Hòa Bình.

Ly kỳ 'tiểu sử' giống hồng xiêm nhót 100 năm tuổi

Ly kỳ 'tiểu sử' giống hồng xiêm nhót 100 năm tuổi

THÁI BÌNH Hơn 100 năm trước, một nông dân Thái Bình đi phu sang Thái Lan mang về quê hạt giống của một loài cây lạ. Về sau, nó trở thành đặc sản giúp cả xã làm giàu.

Hoài Ân sắp tổ chức ngày hội nông sản lần 2

Hoài Ân sắp tổ chức ngày hội nông sản lần 2

Dự kiến, từ ngày 17-19/5, UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) sẽ tổ chức Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân lần thứ 2 năm 2024.

Sau 5 năm triển khai, tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP

Sau 5 năm triển khai, tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm OCOP

Bắt đầu thực hiện từ năm 2019, Chương trình OCOP của tỉnh Phú Thọ đã dần lan tỏa, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn.

Khu phố có doanh thu 150 tỉ đồng/năm nhờ làm nem Bùi

Khu phố có doanh thu 150 tỉ đồng/năm nhờ làm nem Bùi

Khu phố Bùi Xá thuộc phường Ninh Xá, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh hiện có khoảng 130 hộ làm nem Bùi mỗi năm tạo ra doanh thu 140-150 tỉ đồng.

Xã có 500 hộ trồng cà dừa, thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa

Xã có 500 hộ trồng cà dừa, thu nhập gấp 3 - 4 lần trồng lúa

HÀ TĨNH Xã Thượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) có gần 500 hộ trồng cà dừa với diện tích 25ha, thu nhập gấp 3-4 lần so với cấy lúa, bình quân đạt hơn 200 triệu đồng/ha.

Giống lúa nếp cổ truyền bên dòng sông Văn Úc

Giống lúa nếp cổ truyền bên dòng sông Văn Úc

HẢI PHÒNG Có nghiên cứu cho rằng giống lúa nếp cái hoa vàng tại xã Đại Thắng được lưu truyền từ thời nhà Lý, qua nhiều thế kỷ người dân vẫn giữ được giống lúa đặc sản.

Xem Thêm