Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:50 GMT +7
Không chỉ no cái bụng…
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng tại huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước) chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh hân hoan sau mùa bội thu của bà con vùng biên, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, bởi nhờ giống lúa ST24 bà con không chỉ no cái bụng mà còn có của ăn của để.
Đang vác từng bao lúa nặng trĩu vừa thu hoạch, anh Điểu Đé, người dân tộc S’Tiêng ngụ ấp Bù Tam, xã Hưng Phước không giấu nỗi vui mừng cho biết, gia đình anh có hơn 5.000 m2 ruộng, trước đây gia đình anh chủ yếu trồng một số giống lúa phổ biến, vụ nào trúng lắm cũng chỉ được 2,5 tấn. Sau khi được trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn trồng lúa ST24, từ năm 2020 đến nay, vụ nào gia đình anh cũng thu được trên 3 tấn, với giá lúa 9.000 đồng/kg, mỗi vụ gia đình anh bỏ túi 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
“Trước, tôi cũng như bà con ở đây trồng cây lúa chủ yếu trông trời để kiếm cái ăn, có năm vụ mùa thất bát phải nhờ nhà nước cứu đói giáp hạt. Được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp hướng dẫn sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh hại, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc lúa, bà con không chỉ được no cái bụng mà còn có tiền để trang trải cuộc sống”, anh Đé phấn khởi nói.
Đứng trên khoảnh ruộng trồng giống ST24 vừa thu hoạch, ông Vũ Khắc Tăng ở gần đó phấn khởi cho biết thêm, sau khi biết giống ST24 được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện trồng thử nghiệm mang lại hiệu quả cao, ông và nhiều bà con địa phương mạnh dạn chuyển sang trồng.
“Giống này có ưu điểm bông to, hạt dài, sinh trưởng phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng ở đây. Đặc biệt, ngày xưa mỗi nhà mỗi ý, bón nhiều loại phân bón khác nhau. Bây giờ bà con theo hướng hữu cơ nhằm đảm bảo hạt gạo sạch. Điều chúng tôi vui mừng hơn nữa là lúa ST24 được giá cao hơn giống trước kia”, ông Tăng chia sẻ.
Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, năm 2019, Trung tâm đưa giống lúa ST24 về trồng khảo nghiệm trên diện tích 5 ha. Bằng lối canh tác khoa học, theo hướng hữu cơ, mỗi ha đạt năng suất từ 6 đến 7 tấn, lúa được thu mua với giá 9.000/kg, cao gấp 1,5 lần so với các giống lúa truyền thống, trong khi đó, chi phí sản xuất chỉ 10 triệu đồng/ha, giảm gần ¼ lần. Từ hiệu quả vượt trội, năm 2020, hơn 30 hộ đăng ký tham gia, đến nay tổng diện tích đăng ký canh tác đã gần 100 ha.
Canh tác hữu cơ không lo đầu ra
Nhằm giúp bà con ổn định sản xuất, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp đã liên kết cùng một công ty cam kết thu mua toàn bộ sản lượng lúa ST24 khi trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ, giá 9.000 đồng/kg.
T.S Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp cho biết, trước kia, bà con nông dân sản xuất lúa truyền thống chỉ thu về lợi nhuận từ 20 - 25 triệu/ha. Với giống ST24 thì bà con thu lãi từ 40 triệu đồng/ha trở lên.
“Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng của giống lúa này phát huy hiệu quả vốn có của nó, đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Thứ nhất là phải quan sát đối tượng gây hại để có giải pháp phòng trừ sinh học ngay từ khâu làm đất. Thứ hai là quy trình ngâm ủ giống cũng như gieo sạ khác hơn so với các giống lúa khác. Thứ ba phải bảo quản sau thu hoạch một cách tốt nhất để tránh gặp mưa không phơi được hoặc tạp chất lẫn lộn, làm giảm chất lượng hạt gạo kéo theo giảm giá trị thương phẩm” T.S Nguyễn Văn Bắc khuyến cáo.
Theo Phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp, địa phương có trên 1.800 ha lúa, tập trung chủ yếu ở các xã Hưng Phước, Phước Thiện, Thanh Hòa... đa phần nông dân trồng lúa là người đồng bào thiểu số. Do thiếu nước, hầu hết diện tích lúa tại địa phương chỉ làm được 1 vụ/năm. Nếu tận dụng được toàn bộ diện tích, để canh tác 3 vụ/năm, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực còn góp phần công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Thị sát tại ruộng lúa của bà con, Chủ tịch UBND huyện Bù Đốp Đoàn Văn Thảo cho biết, giống lúa ST24 đã và đang giúp nông dân nâng cao thu nhập, địa phương kỳ vọng giống lúa này sẽ làm nên thương hiệu cho địa phương. Huyện sẽ tạo mọi điều kiện đầu tư hệ thống kênh mương, thủy lợi để giúp người dân nhân rộng trồng giống lúa ST24 ra toàn huyện. Đồng thời quyết tâm xây dựng cho bằng được thương hiệu gạo chất lượng cao mang tên Bù Đốp. Đây cũng là cơ sở để huyện Bù Đốp hướng đến nền nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.
Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.
HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.
Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.
Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.
QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.
Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.