Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:28 GMT +7

  • Click để copy
Thứ hai- 10:07, 26/02/2024

Giống xoài cát đặc sản trứ danh ‘đất Chín Rồng’

Theo các cụ cao niên, xoài cát Hòa Lộc có ở địa phương từ đầu những năm 1930, nó được tìm thấy lần đầu tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (cũ).
Thu hoạch xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Thu hoạch xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm.

Giống xoài quý có lịch sử ngót trăm năm

Nhắc đến trái xoài, có lẽ không loại nào ngon hơn xoài cát Hòa Lộc. Quả chín có vỏ màu vàng bắt mắt, thịt dẻo, dày, ít xơ, mềm, vị ngọt thanh mát, mùi thơm dịu nhẹ đặc trưng. Loại quả ngon này được giới sành ăn yêu thích và thường được chọn để làm quà biếu, chưng mâm ngũ quả dịp lễ, Tết.

Theo ghi chép từ các tài liệu, giống xoài này ban đầu được tìm thấy tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), do đó xoài được đặt tên là xoài cát Hòa Lộc. Sau đó, người dân nhân giống trồng tại nhiều địa phương. Xoài được trồng nhiều ở Cái Bè (Tiền Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Châu Thành (Hậu Giang) và Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang)… Ngoài ra, xoài cát Hòa Lộc còn có mặt ở một số địa phương tại Đông Nam bộ.

Dẫu vậy, phẩm chất những quả xoài cát Hòa Lộc “chính gốc” tại các xã trong vùng chuyên canh của huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) vẫn được người tiêu dùng đánh giá cao hơn cả. Mấy mươi năm qua, dẫu có lúc thăng trầm nhưng đây vẫn được đánh giá là loại trái cây ngon, đặc sản của vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Trái xoài được bao trái để phòng tránh sâu, bệnh hại tấn công. Ảnh: Minh Đảm.

Trái xoài được bao trái để phòng tránh sâu, bệnh hại tấn công. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Theo lời những cụ cao niên kể lại thì xoài cát Hòa Lộc có ở địa phương từ đầu những năm 1930. Sau giải phóng, xoài phát triển nhiều hơn, nhiều mảnh ruộng lên vườn trồng xoài cát Hòa Lộc, dần lan rộng ra những địa phương khác và phát triển như đến ngày nay”.

Theo số liệu của UBND huyện Cái Bè, diện tích trồng xoài của địa phương này hiện đạt hơn 2.800ha, chiếm 71,6% tổng diện tích và tổng sản lượng hàng năm đạt hơn 70.000 tấn, chiếm 73,4% tổng sản lượng xoài toàn tỉnh. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc là một trong những trái cây chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh Tiền Giang.

Đến nay, tỉnh này đã xây dựng được vùng chuyên canh trên 1.600ha, tập trung tại các xã giáp sông Tiền. Năm 2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài cát Hoà Lộc ở 13 xã của huyện Cái Bè gồm: Hoà Hưng, An Hữu, An Thái Trung, Tân Hưng, Tân Thanh, Mỹ Lương, An Thái Đông, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Hoà Khánh, Hậu Thành và Mỹ Lợi A.

Xã Hòa Hưng đang có trên 800ha trồng xoài cát Hòa Lộc, trong đó có khoảng 348ha đang cho trái, cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 tấn mỗi năm. Theo dương lịch, mỗi năm xoài sẽ cho thu hoạch 2 vụ, vụ thuận (từ tháng 3 đến tháng 5) và vụ nghịch (từ tháng 10 đến tháng 12) với năng suất trung bình 23 tấn/ha.

Cụ Nguyễn Văn Hải đang lưu giữ 15 gốc xoài lâu năm (trồng từ năm 1982). Ảnh: Minh Đảm.

Cụ Nguyễn Văn Hải đang lưu giữ 15 gốc xoài lâu năm (trồng từ năm 1982). Ảnh: Minh Đảm.

Cụ Nguyễn Văn Hải (sinh năm 1935) ở ấp Bình, xã Hòa Hưng hiện còn lưu giữ được 15 gốc xoài cát Hòa Lộc được trồng từ năm 1982. Theo chia sẻ của cụ Hải, xoài cát Hòa Lộc là một trong những cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao của địa phương. Người dân trồng xoài cát Hòa Lộc luôn có lãi bởi giá bán khá cao, dao động phổ biến từ 40.000 - 80.000 đồng/kg, lợi nhuận ước đạt từ 50 - 60% doanh thu. Với 15 gốc xoài lâu năm còn lưu giữ, mỗi vụ cho gia đình cụ Hải trên 2 tấn quả, thu nhập hàng chục triệu đồng.

Những ngày giáp Tết, xoài cát Hòa Lộc lại được săn đón nhiều hơn nên giá cũng khá cao, bà con nông dân được dịp phấn khởi. Theo ông Trần Văn Đậm, Phó Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng), năm nay thời tiết thất thường nên năng suất xoài giảm khoảng 50%. Những ngày cuối tháng 12/2023, thương lái đã đến vườn hỏi mua và bỏ cọc với giá 150.000đ/kg xoài loại 1 (từ 450gr/quả), còn loại 2 (từ 400 đến dưới 450gr/quả) giá 80.000đ/kg. Đây là mức giá cao so với các loại cây ăn trái khác và cũng rất cao so với nhiều năm qua.

Hiện nay, huyện Cái Bè đã thành lập được 2 HTX là HTX Hòa Lộc, HTX Mỹ Lương và 1 tổ hợp tác là Tổ hợp tác xoài Tân Thanh với tổng diện tích trên 60ha. Trong đó, HTX Hòa Lộc có quy mô hơn 100 xã viên, đã được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP với diện tích trên 20ha, đồng thời đã đầu tư cải tạo, mở rộng diện tích xưởng sơ chế - đóng gói sản phẩm, trang bị một số thiết bị chuyên dụng như bồn rửa trái cây, bồn xử lý nhiệt, bàn phơi trái, kho ủ khí etylen, kho mát... Nhờ đó, xoài cát Hòa Lộc được đảm bảo về chất lượng, giảm bớt tổn thất sau thu hoạch cũng như tăng thêm giá trị và thời gian bảo quản, đồng thời giá bán ra ổn định và cao hơn thị trường từ 10 đến 15% so với trước đây.

Người dân địa phương bán xoài cát Hòa Lộc cho khách du lịch. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân địa phương bán xoài cát Hòa Lộc cho khách du lịch. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc cho biết, sản lượng tối đa có thể xuất khẩu của HTX đạt khoảng 100 tấn/năm. Giá xoài xuất khẩu bình quân 75.000 đồng/kg. Mỗi năm, một công xoài (1.000m2) sau khi trừ hết các chi phí cho lợi nhuận từ 22 - 25 triệu đồng, chiếm từ 50% doanh thu trở lên.

“Hiện nay, bà con trồng xoài chú trọng sản xuất an toàn, sử dụng thuốc sinh học nhiều hơn và giảm thiểu các loại thuốc hóa học lưu dẫn, đồng thời bao trái để phòng tránh các loại sâu hại”, ông Thực nói.

Thương hiệu xoài cát Hòa Lộc hiện nay không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn mạnh xuất khẩu sang một số thị trường khó tính nhất. Đặc biệt, sản phẩm này đã được xuất khẩu sang các thị trường đầy tiềm năng như Pháp, Mỹ, Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Đài Loan... Doanh nghiệp đã hợp tác với Vietnam Airlines đưa trái xoài cát Hòa Lộc phục vụ trên các chuyến bay của hãng.

Nhiều giải pháp bảo tồn, nâng cao chất lượng

Thời gian qua, trước sức ép cạnh tranh về giá trị kinh tế của nhiều loại cây trồng khác, cây xoài cát Hòa Lộc đang dần yếu thế, có nguy cơ suy giảm diện tích do chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.

Cụ Nguyễn Văn Hải cho rằng, xoài có hiệu quả nhưng nhiều vườn cây lâu năm cao lớn khó để bao trái và phun xịt, thu hoạch, hơn nữa nhân công làm việc cũng không có nhiều nên nhiều nhà vườn trồng xoài đã chuyển sang các loại cây khác như mận, mít… Do đó, cụ Hải nêu cách để cây xoài không cao, cần tạo tán ngay từ nhỏ để dễ bề chăm sóc, thu hoạch.

Trao quyết định công nhận vườn đầu dòng xoài cát Hoà Lộc. Ảnh: Minh Đảm.

Trao quyết định công nhận vườn đầu dòng xoài cát Hoà Lộc. Ảnh: Minh Đảm.

Còn ông Nguyễn Văn Thực cho rằng, cần vận động bà con giữ gìn giá trị sản phẩm xoài cát Hòa Lộc bởi đây là đặc sản không nơi nào có. Ngoài ra, cần cải thiện chất lượng xoài để bảo quản được lâu hơn, tiêu thụ, xuất khẩu đi xa hơn.

Gần đây, Viện Cây ăn quả miền Nam đã lai tạo giống xoài cát vỏ dày hơn. Xoài vỏ dày LĐ12 được chọn tạo từ quần thể xoài con lai giữa giống Vandyke và xoài cát Hòa Lộc. Khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa tương đương với giống xoài Cát Hòa Lộc. Chất lượng quả ngọt, có độ Brix cao (20,2-23,8%), tỷ lệ thịt quả 72 - 84%, vỏ dày (đạt 1,6mm, trong khi giống xoài Cát Hòa Lộc chỉ 1,1mm), khối lượng quả trung bình 323 - 499g và phẩm chất quả ngon.

“Xoài cát của mình vỏ mỏng nên vận chuyển đi xa hay bị thâm, vì vậy giống xoài mới có vỏ dày sẽ vận chuyển đi xa thuận lợi hơn. Hiện một số nơi đang đưa vào trồng thử nghiệm giống xoài mới, nếu hiệu quả, HTX sẽ vận động bà con mở rộng, phát triển", ông Nguyễn Văn Thực, Giám đốc HTX Xoài cát Hòa Lộc nói.

Nhằm góp phần khẳng định thương hiệu, mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt quyết định triển khai đề tài cấp cơ sở “Công nhận vườn đầu dòng xoài cát Hoà Lộc” do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cái Bè chủ trì.

Vườn cây đầu dòng xoài cát Hòa Lộc được trồng trên diện tích 0,9ha ở ấp Bình, xã Hòa Hưng với 200 cây có độ tuổi từ 8 - 10 năm. Đề tài đã chọn được 50 cây có độ đồng đều, cùng năm tuổi, đủ điều kiện theo dõi, thu thập chỉ tiêu để đăng ký chứng nhận vườn đầu dòng, đánh mã số cây và sơ đồ hóa hệ thống vườn để thuận tiện cho việc theo dõi và quản lý.

Chăm sóc vườn xoài cát Hòa Lộc được công nhận đầu dòng. Ảnh: Minh Đảm.

Chăm sóc vườn xoài cát Hòa Lộc được công nhận đầu dòng. Ảnh: Minh Đảm.

Sau hơn 3 năm thực hiện, đề tài đã xây dựng được quy trình nhận dạng cây giống phôi hữu tính xoài cát Hòa Lộc thông qua kỹ thuật điện di protein và quy trình nhân giống bằng phôi vô tính. Các khâu chăm sóc cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng đảm bảo đúng quy trình sản xuất. Đề tài thành công sẽ giúp nhân giống khoảng 13.000 cây xoài cát Hòa Lộc đầu dòng để cung ứng cho nông dân trồng, phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Nha, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết: “Nhằm góp phần khẳng định thương hiệu, mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc, địa phương đã chủ trì thực hiện thành công đề tài “Chứng nhận vườn đầu dòng xoài cát Hòa Lộc tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang” trong nhân giống xoài cát Hòa Lộc chuyên canh, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trái tươi cũng như phục vụ du lịch sinh thái tại địa phương.

Thời gian tới, UBND huyện Cái Bè chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện phối hợp cùng các địa phương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người trồng xoài cát tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời gắn kết với doanh nghiệp để tạo nên chuỗi giá trị và đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm, góp phần khẳng định thương hiệu, mở ra nhiều triển vọng mới cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc.

Minh Đảm

Trồng ấu lời hơn trồng lúa

Trồng ấu lời hơn trồng lúa

ĐỒNG THÁP Cây ấu trước đây chỉ được trồng vào mùa nước nổi nhưng nay đã trở thành cây trồng mang lại thu nhập ổn định quanh năm cho người dân huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Tôm khô Hiểu Phát dai ngọt tự nhiên

Tôm khô Hiểu Phát dai ngọt tự nhiên

KIÊN GIANG Tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát được làm từ tôm thẻ thiên nhiên, nuôi theo mô hình xen canh tôm - lúa hoặc các vùng chuyên tôm nuôi quảng canh cải tiến.

Tặng sầu riêng mạ vàng cho người trúng đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng

Tặng sầu riêng mạ vàng cho người trúng đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng

Tại lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần II, Ban tổ chức sẽ đấu giá 3 quả sầu riêng nữ hoàng được chọn tại những vườn đẹp nhất.

Khai mạc phiên chợ đưa nông sản vùng cao xuống Thủ đô

Khai mạc phiên chợ đưa nông sản vùng cao xuống Thủ đô

HÀ NỘI Sáng 15/8, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền; Tuần lễ quảng bá na, nông đặc sản tỉnh Lạng Sơn năm 2024.

Sắp ra mắt Bảo tàng Dừa sáp hơn 13 tỷ đồng

Sắp ra mắt Bảo tàng Dừa sáp hơn 13 tỷ đồng

Trà Vinh Bảo tàng Dừa sáp Trà Vinh có tổng nguồn vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng, góp phần tôn vinh cây dừa sáp nguyên bản được trồng tại vùng đất Cầu Kè.

Bỏ phố về quê khởi nghiệp bằng nem Lai Vung

Bỏ phố về quê khởi nghiệp bằng nem Lai Vung

Mong muốn duy trì và phát huy đặc sản nem Lai Vung, anh Huỳnh Ngọc Hậu (xã Tân Thành, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã rời phố, về quê khởi nghiệp từ loại nem này.

Thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My

Thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My

QUẢNG NAM Việc thành lập Hội sâm Ngọc Linh và Hội quế Trà My nhằm nâng tầm thương hiệu và bảo hộ sản phẩm cho 2 loài cây dược liệu có giá trị của tỉnh Quảng Nam.

Đưa củ khoai mì vào ẩm thực để 'xuất ngoại'

Đưa củ khoai mì vào ẩm thực để 'xuất ngoại'

Từ một loại nông sản bình dị, nhờ sự sáng tạo bền bỉ, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, đã giúp tăng giá trị cho củ khoai mì Việt Nam.

Xem Thêm